ao-tuong-1635645388.png

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan kể lại một kỷ niệm khi còn làm lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp. Khi ấy, ông Hoan là người truyền thông việc xuất container xoài Đồng Tháp đầu tiên sang thị trường Mỹ và bán được giá cao.

Hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài chụp ảnh quả xoài Đồng Tháp bán ở siêu thị Mỹ, cũng giống như những hình ảnh mới đây hay được chia sẻ trên mạng xã hội hay các phương tiện thông tin đại chúng về quả vải, quả chôm chôm, quả thanh long bày bán với giá cao ngất ngưỡng ở các siêu thị của Mỹ, Nhật, châu Âu.

Những hình ảnh đó, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, là những hình ảnh “thật vui, mà cũng thật buồn”.

Mới đây, qua trao đổi với 27 đại sứ Việt Nam ở EU, Bộ trưởng nhận ra một vấn đề, là nông sản Việt dù xuất được sang các thị trường khó tính đó nhưng vẫn “bán ra ít lắm”, chỉ chiếm 1% nông sản nhập khẩu ở EU, đa số xuất hiện ở các cửa hàng của người Việt, người Thái Lan, người Thổ Nhĩ Kỳ.

Lãnh đạo ngành nông nghiệp nhận xét, truyền thông về những mặt hàng nông sản Việt xuất hiện trên kệ hàng siêu thị nước ngoài tạo ra cảm xúc rất mạnh, là lời động viên quan trọng cho những người làm nông nghiệp. Nhưng nhiều khi “hào hứng” quá, chúng ta lại quên mất những vấn đề, những rủi ro vẫn còn tồn đọng.

“Chỉ khi chúng ta đi “đàng hoàng, chễm chệ”, đưa nông sản của mình vào hệ thống phân phối chính quy của họ thì ta mới định hình được thương hiệu cho nông sản nước mình, từ đó mới có sức lan tỏa, người tiêu dùng mới biết đến”, Bộ trưởng nhận xét.

Đồng quan điểm với Bộ trưởng Lê Minh Hoan, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết, truyền thông về xuất khẩu nông sản ra nước ngoài là rất tốt nhưng không vì thế mà ngành nông nghiệp có thể chủ quan.

“Chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ mà ảo tưởng ta đã chiếm lĩnh được thị trường thế giới, ảo tưởng là nông sản Việt có giá trị gia tăng cao, có phẩm cấp cao là không đúng”, ông Lộc nhấn mạnh.

Giải pháp căn cơ cho ngành nông nghiệp

Nói về việc nông sản Việt Nam chưa thể chiếm lĩnh thị trường quốc tế, Chủ tịch VIAC nhận xét, ngành nông nghiệp của Việt Nam đến nay vẫn ở trình độ thấp so với thế giới. Có thể đánh giá được điều này qua hiện tượng nông sản chủ yếu là sản phẩm thô, gia công, nhập khẩu nhiều về giống, phân bón, thuốc trừ sâu…

Theo ông Lộc, nông nghiệp là truyền thống và là thế mạnh của Việt Nam, với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng hết sức thuận lợi. Do đó, nếu ngành nông nghiệp phát triển theo hướng hữu cơ, đặc sản, "thuận thiên" sẽ có giá trị cao hơn rất nhiều.

Chia sẻ quan điểm với ông Lộc, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đưa ra 6 từ khóa cho chiến lược dài hạn của ngành nông nghiệp, đang được Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa vào chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, chiến lược dài hạn đầu tiên của ngành nông nghiệp.

Từ khóa đầu tiên là “hợp tác”, chỉ sự hợp tác giữa các nhà sản xuất, thay vì “đèn nhà ai nhà nấy rạng” như hiện trạng vẫn đang xảy ra mà ông Hoan gọi là “cái bẫy chết người của ngành nông nghiệp”. Từ khóa tiếp theo là “liên kết” để tạo thành chuỗi giá trị từ sản xuất cho đến chế biến và tiêu thụ.

Cả “hợp tác” và “liên kết” đều phải cân nhắc đến từ khóa thứ 3 là “thị trường”, tức là phải đáp ứng nhu cầu của thị trường, bán cái thị trường cần thay vì tập trung vào sản lượng, để rồi lặp đi lặp lại nỗi đau “được mùa mất giá”.

Theo Bộ trưởng, tư duy chạy theo sản lượng khiến ngành nông nghiệp đánh mất niềm tin của thị trường ngay cả tại sân chơi nội địa, khiến cho người tiêu dùng khi đi chợ, mua chính nông sản của nước mình nhưng vẫn đắn đo về sự kém chất lượng, kém an toàn. Nếu đã bị quay lưng ngay trên sân nhà, chẳng thể nào nông sản Việt Nam chiếm lĩnh được thị trường quốc tế.

Từ khóa thứ 4 là “giảm chi phí”, yếu tố vô cùng quan trọng khi xây dựng theo mô hình kinh tế nông nghiệp. Từ khóa thứ 5 là “tăng chất lượng”, không chỉ là ở độ thơm ngon mà còn phải sạch, phải có trách nhiệm với môi trường, khí hậu. Đây chính là xu thế chung của toàn thế giới, bắt buộc phải thực hiện nếu muốn vươn ra thế giới.

“Xu thế của thế giới là người ta đã tiến tới nông nghiệp 4.0, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn… và tiêu dùng xanh sẽ là yếu tố mới chi phối toàn bộ hoạt động của thị trường nông nghiệp”, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Từ khóa cuối cùng là “đa dạng hóa”, là phải đẩy mạnh hoạt động chế biến nông sản thay vì bán thô. Nông sản được chế biến vừa dễ bảo quản, vừa tạo ra giá trị gia tăng cao, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, góp phần tích cực phát triển kinh tế nông thôn.

Phạm Sơn

theleader