Hôm qua, thị trường tiền tệ thế giới chứng kiến một diễn biến chưa từng có trong hai thập kỷ: lần đầu tiên đồng euro xuống dưới đồng USD và như vậy có khoảng thời gian suy giảm tồi tệ nhất trong lịch sử từ khi đồng tiền này được phát hành.
Trong thời gian tới nếu giá năng lượng tăng cao hơn nữa khi mà căng thẳng Nga – Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khối này có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, theo nhận định mới đây của các chuyên gia trong bài báo được Reuters đăng tải.
Đồng euro đã bên bờ vực xuống ngưỡng cân bằng với đồng USD suốt nhiều ngày gần đây và cuối cùng phá ngưỡng đó trong phiên ngày thứ Tư. Việc đồng euro mất giá đến 11,8% tính từ đầu năm cho đến nay cũng giống như những gì từng diễn ra vào năm 2015, năm mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tung ra gói hỗ trợ lớn.
Diễn biến của đồng euro trong phiên ngày thứ Tư nhiều khả năng dọn đường cho khả năng đồng euro giao dịch với đồng USD ở tỷ giá 0,96USD/euro, ngoài ra cũng không ít chuyên gia được dự báo về khả năng đồng euro rớt xuống mốc 0,90USD/euro nếu nguồn cung khí đốt bị gián đoạn hơn nữa.
Tình thế này không khỏi khiến cho ECB “gặp khó”. ECB dự kiến sẽ nâng lãi suất cơ bản vào tuần sau trong động thái điều chỉnh lãi suất đầu tiên tính từ năm 2011 nhằm kiềm chế lạm phát hiện đang ở mức cao nhất trong lịch sử là 8,6%.
Sự suy yếu của đồng euro khiến cho các vấn đề lạm phát trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, ECB không thể mạo hiểm siết chặt chính sách tiền tệ quá mức dẫn đến việc tăng trưởng kinh tế sụt giảm nghiêm trọng.
“Chúng tôi nhìn thấy khả năng đồng euro có thể giảm xuống mức 0,97USD/euro và có thể là 0,95USD/euro”, giám đốc bộ phận quản lý tiền tệ tại tổ chức UBP – ông Olivier Konzeoue phân tích.
Diễn biến mới nhất của đồng euro xảy ra sau khi nguồn cung khí đốt thông qua hệ thống đường ống Nordstream bị đóng cửa 10 ngày bảo trì. Thế nhưng nếu Moscow kéo dài tình trạng phong tỏa này, Đức, hiện đang trong giai đoạn 2 của kế hoạch khí đốt khẩn cấp ba cấp độ, sẽ có thể bị buộc phải tính đến phương án khác.
“Nếu hệ thống đường ống đóng cửa 10 ngày không mở cửa trở lại và chúng tôi nhận được thêm khí đốt, trong tình hướng đó đồng euro có thể chưa đến những ngày tồi tệ nhất”, trưởng bộ phận kinh tế tại Barclays – ông Christian Keller phân tích.
Chi phí năng lượng tăng cao đang gây ra nhiều ảnh hưởng tệ hại. Đức mới đây đã công bố thâm hụt thương mại đầu tiên tính từ năm 1991, tâm lý nhà đầu tư đã suy giảm tệ hại xuống dưới ngưỡng của thời kỳ đại dịch COVID-19 năm 2020.
Trong ngắn hạn, câu chuyện sẽ là các vấn đề kỹ thuật và thị trường quyền chọn nơi mà các nhà đầu tư đưa ra quan điểm của mình về tỷ giá đồng tiền. Ngay cả trước đợt suy giảm lần này của đồng euro, các nhà đầu cơ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng tâm lý cho sự suy giảm, số lượng các kỳ vọng đồng euro yếu đi tăng đột biến trong nhiều năm, theo số liệu của CFTC Mỹ.
Giá khí đốt sẽ giữ vai trò then chốt trong quyết định tỷ giá của đồng euro thời gian tới.
JP Morgan ước tính khu vực đồng tiền chung châu Âu hiện đang đương đầu với tình trạng giá khí đốt tăng chóng mặt, nguồn cung khí đốt giảm đến 53% trong tháng 6/2022. Nguồn cung khí đốt của Đức đã có lúc giảm đến 60%.
Các chuyên gia Citigroup dự báo khả năng nguồn cung khí đốt của Nga nếu bị ngưng lại sẽ đẩy giá khí đốt lên vượt mức 170 euro/megawatt giờ.
Đồng euro sẽ giảm xuống mức 0,98USD/euro nếu giá khí đốt chạm mức 200 euro. Còn nếu ở mức giá 250 euro, tỷ giá đồng euro sẽ còn 0,95USD/euro.
Về lý thuyết, ECB có thể can thiệp bằng cách bán đồng USD nhằm vực dậy đồng euro, giống như những gì ECB đã làm vào năm 2000 khi đó đồng euro từng xuống mức 0,83USD/euro.
Tuy nhiên ngân hàng đã phát đi thông điệp sẽ không can thiệp vào lần này bởi tỷ giá thực của đồng euro so với đồng tiền của các nước đối tác sau khi điều chỉnh lạm phát cao hơn so với thời điểm năm 2002, lần gần nhất đồng euro cân bằng với đồng USD.
Theo Ngọc Diệp/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn