te-liet-1628334774.jpg

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu gạo 7 tháng đầu năm 2021 đạt gần 3,6 triệu tấn, trị giá 1,937 tỷ USD; giảm 10,6% về lượng và giảm 0,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Xuất khẩu gạo sụt giảm do tác động từ dịch bệnh và phải cạnh tranh gay gắt với các đối thủ, dẫn tới giá xuất khẩu hiện ở mức thấp nhất trong vòng 16 tháng qua.

LƯỢNG LÚA GẠO THU MUA SỤT GIẢM

Trong tháng 7/2021, giá gạo xuất khẩu chào bán trên thế giới bình quân đạt 421 USD/tấn, là mức thấp nhất trong vòng 1 năm đối với gạo Việt Nam; trong vòng 19 tháng đối với gạo Thái Lan và trong vòng 7 tháng đối với gạo Ấn Độ.

Riêng đối với gạo xuất khẩu của Việt Nam, giá gạo trắng 5% tấm bình quân trong tháng 7 ở mức 465-470 USD/ tấn, là mức thấp nhất kể từ tháng 7/2020.

Trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát đi ngày 7/8/2021, cho biết từ đầu năm đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống 1.509,6 nghìn ha lúa, ít hơn cùng kỳ năm 2020 là 14.454 nghìn ha.

Đến nay, vụ lúa Hè Thu đã thu hoạch 702 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha; sản lượng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ 793 nghìn tấn. Dự kiến, thu hoạch trong tháng 8/2021 được 680 nghìn ha.

"Lúa vụ Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo sạ 365.239 ha, đạt 53,32% so với kế hoạch và ít hơn so với cùng kỳ năm trước 15.557 ha".

Thu hoạch lúa Hè Thu bị chậm lại làm chậm tiến độ xuống giống lúa Thu Đông. Mặt khác, xe vận chuyển giống không lưu thông được qua địa bàn các tỉnh do thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nên làm ảnh hưởng đến tiến độ gieo sạ.

Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long trong tuần từ 2/8 đến 7/8: đầu tuần ổn định; giữa tuần giá lúa giảm từ 50 – 300 đồng kg sau đó cuối tuần tăng nhẹ.

Cụ thể: Giống IR50404 có giá bán đầu tuần từ 4.400 đ/kg, giảm 900 – 1.300 đ/kg so với cùng kỳ năm trước. Lúa thuộc giống OM9577 và OM9582: giá bán đầu tuần từ 5.600 đ/kg - 5.800 đ/kg, đến cuối tuần giảm còn 4.600 – 4.800 đ/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đ/kg. Giống nếp tươi Long An ổn định từ đầu tuần đến cuối tuần 4.400 -4.750 thấp hơn cùng kỳ năm trước 550 - 800 đ/kg.

Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng, hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg; giá lúa thường tại kho tăng nhẹ 40 đồng, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa.

Về tình hình thu mua lúa gạo vụ hè thu 2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông, cho biết hiện sản lượng thu mua sụt giảm 20-30%.

Nguyên nhân là do đứt gãy chuỗi cung ứng lúa hàng hóa: từ ngoài đồng, đến nhà máy, đến giao ra cảng và lên tàu xuất khẩu. Trong khi, kênh phân phối nội địa cũng khó khăn giao hàng đường bộ hay đường thủy. Một số doanh nghiệp phải đang thực hiện hợp đồng từ tồn kho, chưa mua cho hợp đồng mới.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo, hiện nay, doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn như phương tiện vận chuyển giữa các nơi (đồng ruộng về nhà máy sấy/nhà máy xay xát chế biến…) trên địa bàn các tỉnh/thành Đồng bằng sông Cửu Long phải qua nhiều chốt kiểm dịch và phải có giấy xác nhận âm tính với Covid-19.

Tình trạng này dẫn đến việc nhiều chủ phương tiện từ chối chuyên chở do các chi phí phát sinh, thậm chí có đồng ý vận chuyển nhưng lại không thể được xét nghiệm vì lực lượng y tế không đáp ứng được nhu cầu (hết sinh phẩm xét nghiệm nhanh hoặc các cơ quan có chức năng hạn chế số lượng mẫu nhận xét nghiệm mỗi ngày).

Bên cạnh đó, việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh, đặc biệt là đường bộ hiện đang gặp nhiều khó khăn khi tài xế ở một số địa phương phải xét nghiệm định kỳ 3 ngày 1 lần, nhưng các cơ sở y tế chức năng tại địa phương lại không đáp ứng được nhu cầu.

KHÁCH HÀNG CÓ NHU CẦU, DOANH NGHIỆP "BÓ TAY"

Theo nhận định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tại giá lúa gạo và các hàng nông sản khác giảm sâu, không phải do cung cầu mà là do đứt gãy nghiêm trọng chuỗi cung ứng.

Khách hàng đối tác quốc tế vẫn có nhu cầu nhập khẩu gạo Việt Nam, nhưng các doanh nghiệp không giao hàng được, nông dân không bán được sản phẩm, nhà máy không mua được hàng do thiếu hoặc không có ghe, sà lan giao lên Cảng.

"Tân Cảng là Cảng container chính ngưng nhận giao gạo xuất khẩu từ tháng 7/2021 và chưa rõ khi nào có thể tiếp tục, lượng container ứ đọng tại Cảng Cát Lái lớn do chỉ còn 50% nhân sự làm việc”

(Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).

Hàng hóa tại kho không được khử trùng, giám định kịp thời theo quy định. Hàng giao ra Cảng thiếu hoặc không có bốc xếp giao lên Tàu biển. Công nhân bốc xếp phải “3 tại chỗ” rất khó khăn trong điều kiện trên tàu.

Để tháo gỡ khó khăn cho thu mua, tiêu thụ và xuất khẩu gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị: Ưu tiên tiêm vaccine cho lực lượng trong chuỗi cung ứng: tài xế, ghe, salan vận chuyển, công nhân tại các nhà máy, bốc xếp tại cảng, giám định hàng hóa, khử trùng, nhân sự giao nhận xuất nhập khẩu gạo.

Đồng thời đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép các doanh nghiệp thực hiện xét nghiệm Covid-19 theo hình thức mẫu gộp đối với từng bộ phận nhân viên làm việc trong nhà máy.

Trong trường hợp, doanh nghiệp áp dụng phương thức “3 tại chỗ” thì chỉ áp dụng xét nghiệm Covid-19 đầu vào, sau đó giao cho doanh nghiệp có kế hoạch tự quản lý nhân viên và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Đối với Uỷ ban nhân dân các địa phương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách ưu tiên tiêm vaccin cho những thành phần lao động bắt buộc phải tham gia trực tiếp trên hiện trường, trong chuỗi cung ứng lúa gạo: tài xế, tài công, người đi thu mua, nhân viên nhà máy, nhân viên xuất nhập khẩu, nhân viên điều phối hiện trường.

Ngoài ra, cần tạo điều kiện đi lại cho các nhân sự trên trong thời gian giãn cách vì lực lượng này đang duy trì xuất khẩu cho cả nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét và chỉ các ngân hàng thương mại cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo vay thêm vốn để thu mua dự trữ lúa gạo vụ hè thu; giảm lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn cho vay để thương nhân có đủ thời gian quay vòng vốn hoàn nợ.

Đề nghị Bộ Tài chính xem xét hỗ trợ thuế, các khoản phí cho doanh nghiệp trong thời gian dịch bệnh, hiện các chi phí test nhanh và PCR, chi phí ăn, ở cho các lao động 3 tại chỗ là do doanh nghiệp chịu toàn bộ.

Chu Khôi

VnEconomy