Bên lề Diễn đàn Thương hiệu Việt Nam 2022 do Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức chiều ngày 20/4, ông Nguyễn Quốc Thịnh - Chuyên gia Thương hiệu, Thành viên Ban chuyên gia Chương trình Thương hiệu quốc gia (THQG) Việt Nam cho biết, 2 năm qua dưới tác động của dịch bệnh COVID-19, cộng đồng DN Việt Nam gặp vô vàn khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2022 ứng phó linh hoạt với đại dịch, Chính phủ đã có sự điều chỉnh khá ngoạn mục, với việc mở cửa thị trường, phát triển kinh tế. Đây chính là cơ hội để các DN phát triển thị trường cũng như thương hiệu, danh tiếng của mình.
 
"2 năm dịch bệnh cũng là khoảng thời gian để DN tái cơ cấu, định hình lại, tư duy lại và điều chỉnh chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu của mình, đặc biệt là chiến lược phát triển thương hiệu vươn ra thị trường quốc tế. Trong khi còn khá nhiều quốc gia chưa mở cửa trở lại như Việt Nam thì đây chính là cơ hội rất tốt để DN Việt Nam thu hút đầu tư, kêu gọi các đối tác nước ngoài đến với Việt Nam và cũng có thể vươn ra thị trường thế giới mạnh mẽ trong thời gian tới", ông Thịnh nhìn nhận.
 
Việc phát triển thương hiệu sản phẩm và DN có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Diễn đàn THQG là nơi cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia và cộng đồng DN có thể chia sẻ, bày tỏ quan điểm nhằm định hướng vấn đề phát triển thương hiệu nói chung, trong đó có THQG của Việt Nam.
 
 
Ông Nguyễn Quốc Thịnh cho rằng, DN cần nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu hàng ngày, hàng giờ.
 
Theo ông Thịnh, chương trình THQG Việt Nam hướng đến mục tiêu cao nhất là tạo dựng hình ảnh của đất nước Việt Nam trên thị trường thế giới, trong đó có mục tiêu quan trọng là lựa chọn thương hiệu, sản phẩm của các DN đạt tiêu chí của chương trình để sau đó trở thành đối tác của chương trình.
 
"Nói cách khác chúng ta đang chọn mặt gửi vàng, chọn ra những thương hiệu có uy tín để rồi lan tỏa, quảng bá, giới thiệu với nước ngoài, để từ đó dần tạo dựng hình ảnh của đất nước Việt Nam. Vì thế những DN có sản phẩm đạt THQG như một sự chứng thực của Chính phủ, của cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam, có ý nghĩa với DN. Và người tiêu dùng hoàn toàn có thể dựa vào những nhãn hiệu, logo của chương trình được gắn trên sản phẩm để khẳng định rằng sản phẩm có uy tín.
 
Năm 2020, trong số vài trăm ngàn DN, chương trình mới lựa chọn được 120 DN có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Đây là sự ghi nhận rất đáng trân trọng của Chính phủ cũng như của cộng đồng DN", ông Thịnh nói.
 
Cũng theo ông Thịnh, bên cạnh một số thương hiệu của Việt Nam đã xuất hiện trên thị trường quốc tế và được thế giới công nhận, còn rất nhiều thương hiệu, sản phẩm của DN chưa được thị trường quốc tế biết đến.
 
"Theo đó, DN cần có sự đầu tư và quan tâm nhất định đến vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu. Nên nhớ rằng xây dựng thương hiệu hoàn toàn không chỉ là việc chúng ta thiết kế ra cái logo, tạo cái tên đẹp để đem đi quảng bá, giới thiệu. Xây dựng thương hiệu về thực chất là tạo dựng hình ảnh, danh tiếng cho chính sản phẩm và DN của mình, làm sao để sản phẩm của mình có uy tín trên thị trường, có được lòng tin của người tiêu dùng.
Để làm được điều đó, DN phải nỗ lực hàng ngày, hàng giờ, chứ không phải chỉ có thiết kế logo. Một người bảo vệ DN cũng góp phần xây dựng thương hiệu theo cách của DN đó. Nhân viên bán hàng cũng góp phần xây dựng thương hiệu cho chính sản phẩm mà họ bán ra thị trường. DN hãy hiểu đúng điều đó và nỗ lực xây dựng thương hiệu để sản phẩm của mình có uy tín thực sự đối với cộng đồng người tiêu dùng", ông Thịnh khuyến nghị.
 
Với cơ quan quản lý Nhà nước, theo ông Thịnh nên có sự đầu tư và quan tâm nhiều hơn nữa cho hoạt động đào tạo, tư vấn, cung cấp thông tin để hỗ trợ DN nâng cao năng lực xây dựng và phát triển thương hiệu của mình.
 
"Những vấn đề liên quan đến chính sách, cơ chế thì đương nhiên chúng ta phải điều chỉnh thường xuyên. Không có một chính sách nào bền vững mãi theo thời gian. Tuy nhiên, trong Chương trình THQG Việt Nam có 1 mục tiêu rất quan trọng, đó là hỗ trợ giúp DN nâng cao năng lực, xây dựng và phát triển thương hiệu của mình", ông Thịnh cho biết.
 
Đối với việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu DN tại nước ngoài, thực tế mỗi thị trường khác nhau, hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu phải khác nhau. DN cần hiểu xây dựng thương hiệu với đích đến là người tiêu dùng. Chỉ có người tiêu dùng mới đủ năng lực và thẩm quyền để đánh giá một thương hiệu thành công hay không.