Cửa hàng xăng dầu trên đường Thụy Khuê thông báo bán xăng dầu theo giờ - Ảnh: N.AN
Khảo sát của báo Tuổi Trẻ Online tại Hà Nội trong ngày đi làm trở lại, cơ bản nhiều cửa hàng xăng dầu vẫn mở cửa bán hàng, đáp ứng nhu cầu cho người tiêu dùng và không có hiện tượng cây xăng phải nghỉ bán. Tuy nhiên, rải rác một số cửa hàng treo biển bán theo khung giờ, đặc biệt trong thời điểm Tết Nguyên đán.
Đơn cử, cửa hàng trên đường Thụy Khuê (quận Tây Hồ, Hà Nội) đưa ra thông báo giảm thời gian bán hàng vào dịp Tết Nguyên đán, từ mùng 1 và mùng 2 Tết bán từ 8-9h sáng đến 22-23h đêm; từ mùng 3 đến mùng 6 Tết bán hàng từ 4h sáng đến 24h đêm.
Anh Hải (Hoàng Quốc Việt - Hà Nội) cho hay vừa rồi đổ xăng ở một cây xăng đầu đường Hoàng Quốc Việt, do đi xe máy nên anh thường lựa chọn sử dụng xăng E5RON92. Tuy nhiên, cửa hàng này thông báo hết xăng E5RON92 nên đề nghị khách hàng chuyển sang sử dụng, mua xăng RON95.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một đại diện của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) khẳng định luôn đảm bảo cung ứng xăng dầu theo hợp đồng đã ký kết với các đại lý, nhà phân phối. Tuy vậy, trên thực tế thời gian qua do căng thẳng nguồn cung xăng dầu khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất, nhiều đơn vị thay đổi nhu cầu đặt hàng nên Petrolimex chỉ có thể đáp ứng theo hợp đồng đã cung cấp.
Trong khi đó, đại diện một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu tại phía Nam cho hay từ sau Tết Nguyên đán, tình hình cung ứng xăng dầu càng căng thẳng hơn khi lượng xăng dầu dự trữ ngày càng giảm, trong khi nguồn cung chưa được cải thiện.
Thông thường, từ ngày 25 đến 28 hằng tháng, các nhà máy lọc dầu sẽ công bố sản lượng bán hàng cho các thương nhân đầu mối, nhưng đến nay chưa có bất cứ thông báo nào về sản lượng có thể cung cấp để các doanh nghiệp chủ động trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong khi đó, nguồn cung dự trữ đang ngày càng cạn dần, khi từ đầu năm 2022, thực hiện theo quy định của nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu, yêu cầu dự trữ bắt buộc với thương nhân đầu mối giảm từ 30 ngày xuống còn 20 ngày, nên khi bị giảm nguồn cung đột ngột từ nhà máy lọc dầu, nguồn hàng mà doanh nghiệp dự trữ cũng chỉ đủ cung cấp ra thị trường khoảng chục ngày.
"Giá xăng dầu thế giới biến động mạnh nhưng kỳ điều hành ngày 1-2 vừa qua vào đúng kỳ nghỉ Tết nên dừng điều hành, khiến doanh nghiệp càng bán ra càng lỗ, mỗi lít xăng lỗ tới 1.500 đồng và dầu lỗ 1.000 đồng" - vị này cho hay.
Ông Trần Duy Đông, vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết đã nắm được tình hình trên nên thực hiện theo công điện của bộ trưởng Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.
Trong trường hợp phát hiện đơn vị nào găm hàng, chờ tăng giá, không thực hiện đúng quy định về kinh doanh, phân phối xăng dầu, sẽ xử lý nghiêm theo quy định. Đồng thời, để đảm bảo nguồn cung, bộ đã làm việc với các đơn vị đầu mối, đánh giá kỹ lưỡng tổng cung, tổng cầu để có phương án nhập khẩu bù đắp phần thiếu hụt.
Tuy nhiên, khi được hỏi về tình hình Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, ông Đông cho biết hiện nhà máy này vẫn đang duy trì từ 60 - 80% công suất và chưa rõ khi nào có thể ổn định trở lại sản xuất với công suất bình thường.
N.AN
Tuổi Trẻ