TIẾP TỤC GIỮ TĂNG TRƯỞNG HAI CHỮ SỐ

Theo thống kê từ Bộ Tài chính , năm 2020, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) ước đạt 556.669 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2019.

Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 100.215 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 456.454 tỷ đồng.

Các DNBH đã đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 457.982 tỷ đồng, tăng 21% so với 2019. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 48.833 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 409.149 tỷ đồng.

Tổng dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm ước đạt 352.318 tỷ đồng, tăng 21%. Trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 24.203 tỷ đồng, các DNBH  nhân thọ ước đạt 328.115 tỷ đồng.

Tổng nguồn vốn chủ sở hữu của các DNBH ước đạt 115.945 tỷ đồng, tăng 21%. Trong đó các DNBH phi nhân thọ ước đạt 33.457 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 82.488 tỷ đồng.

Về tổng doanh thu phí bảo hiểm, năm 2020 toàn ngành ước đạt 182.654 tỷ đồng, tăngtrưởng 14%. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 55.094 tỷ đồng. Các DNBH nhân thọ ước đạt 127.560 tỷ đồng.

Các DNBH đã chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 45.675 tỷ đồng. Trong đó, các DNBH phi nhân thọ ước đạt 20.560 tỷ đồng, các DNBH nhân thọ ước đạt 25.115 tỷ đồng.

Vượt qua Covid-19, thị trường bảo hiểm “chốt sổ” 2020 ấn tượng - Ảnh 1.
 

5 NGUYÊN NHÂN TẠO ẤN TƯỢNG

Theo đánh giá của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, kết quả trên có được nhờ 5 nguyên nhân.

Đầu tiên, đó là việc Chính phủ kiên định thực hiện mục tiêu kép vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

Với mục tiêu này, Chính phủ đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Việc kiểm soát tốt dịch bệnh cũng tạo điều kiện và môi trường ổn định cho các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng khôi phục, đẩy mạnh triển khai hoạt động kinh doanh.

Thị trường bảo hiểm Việt Nam hiện có 70 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó có 31 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 18 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm, 19 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm và 01 chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Thứ hai, Bộ Tài chính đã kịp thời hoàn thiện các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp bảo hiểm nhằm phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm an toàn, bền vững, hiệu quả.

Cụ thể, ngày 11/11/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 89/2020/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 4 Thông tư trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, trong đó có nội dung sửa đổi về trích lập dự phòng nghiệp vụ giúp các doanh nghiệp giảm sức ép về vốn trong ngắn hạn và có khoảng thời gian phù hợp để thực hiện các phương án tài chính tổng thể, ổn định kinh doanh trong bối cảnh lãi suất đầu tư, lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm mạnh và dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến khó lường.

Thứ ba là việc cơ quan quản lý đã đồng hành cùng các doanh nghiệp thông qua việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Bộ Tài chính đã thực hiện các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm như giảm mức trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm năm 2020 từ mức 0,15% xuống 0,05% tổng doanh thu phí bảo hiểm; giãn, hoãn kế hoạch kiểm tra các DN sang năm 2021...

Thứ tư, bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm đã rất chủ động thích nghi hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình mới như: rà soát, cắt giảm chi phí nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, bổ sung vốn điều lệ để tăng cường năng lực tài chính và mở rộng các kênh phân phối...

Các doanh nghiệp cũng tăng cường đầu tư công nghệ thông tin và chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm của khách hàng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh triển khai các sản phẩm bảo hiểm sức khỏe và chăm sóc y tế với đa dạng quyền lợi, phạm vi bảo hiểm tại Việt Nam và trên toàn cầu.

Thứ năm, bản thân nhận thức về tầm quan trọng và ý nghĩa của bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe của người tham gia bảo hiểm đã được nâng lên đáng kể. Người dân đã chủ động hơn, trong việc tiếp cận và tham gia bảo hiểm.

Với những diễn biến khó lường và tác động tiêu cực từ dịch Covid-19, từ đầu tháng 6, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đưa ra đánh giá, năm 2020, mức tăng trưởng tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường dự kiến giảm còn 17,24% (năm 2019, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm là 20,54%).

Trong đó, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ dự kiến tiếp tục tăng trưởng như mục tiêu đã đề ra.

Còn doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ giảm nhẹ do dịch bệnh đã ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải hàng không, vận tải biển,… dẫn đến doanh thu phí bảo hiểm của các nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm hàng không,… giảm so với thời điểm trước khi dịch Covid-19 xảy ra.

Tuy nhiên, sau hơn nửa năm đầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh-thiên tai, trong những tháng cuối năm, liên tiếp những số liệu thống kê đều cho thấy sự phục hồi khả quan, tích cực của thị trường này .

Liên quan đến thị trường bảo hiểm, trong báo cáo mới đây, nhóm phân tích của CTCK SSI nhận định: sang năm 2021, tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm gốc sẽ cao hơn đối với cả mảng bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ, với dự báo tăng lần lượt 22% và 10-12% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, ngành bảo hiểm vẫn sẽ phải đối mặt với những rủi ro như môi trường lãi suất thấp sẽ làm cho lợi nhuận đầu tư gặp khó khăn và làm giảm lợi nhuận của các công ty bảo hiểm vì phần lớn danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm là tiền gửi ngân hàng và trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, nếu lợi suất trái phiếu chính phủ giảm hơn nữa, gánh nặng sẽ đặt lên dự phòng kỹ thuật bảo hiểm nhân thọ - ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận kế toán.

Theo Tuấn Việt

Bizlive