Nhìn lại vài năm qua ở VN, Bùi Chát là một trong số ít nghệ sĩ có tốc độ phát triển nghề nghiệp mạnh mẽ và vững chắc, với 6 triển lãm cá nhân trong gần 2 năm. 6 triển lãm này không phải là lấy tác phẩm chia cho số lượng triển lãm, mà mỗi lần xuất hiện đều có ý niệm và kỹ thuật riêng.
Bùi Chát là họa sĩ tự đào tạo (self-taught), với sự tập trung cao độ cho công việc, nên liên tục tìm tòi và sáng tạo. Nếu chỉ muốn làm triển lãm để lấy số lượng, thì số tác phẩm đã có dư sức làm 10 triển lãm cá nhân, với mỗi triển lãm hơn 30 tác phẩm.
Triển lãm thứ 6 lấy tên Vùng lụa, không phải vẽ với chất liệu lụa, mà giới thiệu 19 tác phẩm sơn dầu, được sáng tác rải rác trong các năm 2021 và 2022 - những năm chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19. Với nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng thì Vùng lụa: “thoạt trông, như những bức tranh lụa. Tuy nhiên, đây không chỉ là trò chơi “giả chất liệu” thuần túy, mang tính hình thức. Mà mỗi bức tranh ở đây đều gợi mở những xúc cảm những suy tưởng vừa sâu lắng, vừa mênh mang, miên man như trước những “lung linh đáy nước in trời” - vừa thật gần gũi, vừa bất định, mơ hồ”.
Xem Vùng lụa, chúng ta có thể liên tưởng đến tinh thần của chủ nghĩa thoát ly (escapism), muốn chạy trốn khỏi thực tại để sống trong cảm giác an toàn, thoải mái của thế giới tưởng tượng, hư vô. Cũng có thể liên tưởng đến các tác phẩm văn học thoát ly hiện thực thời 1930-1945 của Việt Nam. Hiện thực lúc Covid-19 quá cần phải thoát ly. Có lẽ vì vậy mà Bùi Chát chọn một bảng màu mỏng mảnh, mờ ảo kiểu tranh lụa để bày tỏ cõi lòng.
Nguyên Hưng nhận định: “Vẫn tiếp tục với khuynh hướng giao động giữa Trừu tượng trữ tình và Biểu hiện trừu tượng, và theo tinh thần ứng biến - mỗi “giai đoạn” trong hội họa Bùi Chát, là sự ứng biến theo những tình huống khác nhau của hoàn cảnh và tinh thần. Và, bản thân những sự ứng biến này, cũng đã tạo thành những tình huống mới trong hội họa của anh. Điều này khiến cho tiến trình hội họa của anh, tuy vẫn còn ngắn ngủi, đã đầy những biến động, biến đổi - đáng ngạc nhiên”.
Xem Vùng lụa, họa sĩ Ngô Lực chia sẻ: “Trong nhiều năm theo dõi và đồng hành cùng Bùi Chát tôi thấy ở anh một tinh thần tiên phong, dám dấn thân tìm tòi trong sáng tạo nghệ thuật và trong nhiều hoạt động khác nhau. Anh không bị giới hạn bản thân trong bất kỳ hoàn cảnh nào, nếu nhìn theo góc độ đó, và đã từng tiếp xúc những hoạt động và những công việc khác trước đó của Bùi Chát (đọc tiểu sử trên Google) sẽ thấy những hoạt động hội họa của Bùi chát trong thời gian gần đây là những hoạt động thú vị và đáng để tò mò, tìm hiểu”.
Ngô Lực nói tiếp: “Hơn 5 cuộc triển lãm diễn ra trong một thời gian ngắn, và được coi như những tình huống khác nhau, nó thể hiện sự chuyển biến một cách không lường trước của cả khán giả lẫn tác giả, mỗi một tình huống sẽ có những khoảnh khắc tiếp cận với nghệ thuật khác nhau, có đôi khi nghiêm nghị, bí hiểm, lúc chỉ là một khoảnh khắc thoáng qua, và có lúc thì như một sự vui vẻ được lấy cảm hứng từ những câu nói bông đùa. Tất cả được diễn ra một cách chân thật nhất, thực tại nhất, trong sự nhìn nhận của tác giả về tác phẩm, cũng như thái độ đối với nghệ thuật, và điều ấy là điều khác biệt của tác phẩm Bùi chát với đa số các triển lãm hội họa khác”.
Bùi Chát theo học và tốt nghiệp cử nhân văn chương, rồi cử nhân luật, anh chưa từng học bất cứ một trường hoặc khóa học nghệ thuật nào.
Trước khi trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp, Bùi Chát là một thi sĩ, là thành viên chủ chốt của Mở Miệng – nhóm nghệ sĩ nổi bật nhất của thơ Việt Nam đương đại. Bùi Chát đã từng xuất bản 7 tập thơ, thơ anh được dịch và giới thiệu qua một vài ngôn ngữ khác. Bùi Chát cũng được xem là một người hoạt động xuất bản đáng nể.
Sau nhiều lần phải bỏ dở con đường hội họa, Bùi Chát cầm cọ lại một cách chuyên tâm vào năm 2019, hiện Bùi Chát đang chủ trương một lối hội họa riêng có tên gọi là Hội họa Tình huống (Solverism).
Bùi Chát thực hiện liên tiếp 5 triển lãm cá nhân trong vòng chưa tới một năm rưỡi, Vùng lụa là triển lãm thứ Sáu của anh.
Bộ sưu tập này được anh sáng tác trong gần 2 năm từ 2021 đến 2022, trong khoảng thời gian dịch covid kéo dài. Bộ tranh như là một liệu pháp tâm lý tác giả sử dụng nhằm chống chọi với thực tại, và để sống sót qua giai đoạn đầy khủng hoảng của mình.