Vụ tranh chấp đất ở Đồng Nai: Chánh án TANDTC kháng nghị toàn bộ bản án phúc thẩm

Nhiều nội dung chưa được làm rõ trong bản án sơ thẩm và phúc thẩm, do đó Chánh án TANDTC quyết định kháng nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm. Chánh án đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo hướng hủy các bản án để giải quyết vụ việc lại từ đầu.

Như Công lý và Xã hội đã phản ánh những vấn đề cần được làm rõ trong vụ án tranh chấp 26.981m2 đất tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, giữa nguyên đơn là ông Lê Văn Sơn, bà Phan Thị Hải (ngụ xã Phước An, huyện Nhơn Trạch), bị đơn là bà Nguyễn Thị Diền. Sau khi TAND cấp cao tại TP Hồ Chí Minh ban hành Bản án phúc thẩm số 697/2020/DS-PT ngày 22/12/2020, bà Diền đã có đơn đề nghị kháng nghị. Ngày 9/9/2021, Chánh án TAND Tối cao ban hành Quyết định kháng nghị số 51/2021/KN-DS đối với bản án trên.

Theo hồ sơ, trước 1975 vợ chồng cụ Nguyễn Văn Liều và cụ Huỳnh Thị Thìn (tất cả đã mất) khai phá được diện tích đất 46.293m2 thuộc thôn Vũng Gấm, xã An Phước, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai ngày nay. Các cụ có 4 người con gồm: Ông Nguyễn Văn Đâu, bà Nguyễn Thị Xàng, bà Nguyễn Thị Hiếu, ông Nguyễn Văn Phi.

tranh-chap-1636537100.jpg

Bà Diền vẫn ở trong ngôi nhà trên mảnh đất tranh chấp thờ ông nội và cha là liệt sỹ.

Năm 1950, vợ chồng cụ Liều, Thìn giao cho ông Đâu, bà Xàng, bà Hiếu phần đất 46.293m2 để sinh sống và canh tác nông nghiệp. Riêng ông Phi đi lập nghiệp nơi khác, từ đó về sau, ông Phi không liên quan đến diện tích đất trên.

Ông Đâu sinh ra ông Nguyễn Văn Dô, sau đó ông Đâu tham gia kháng chiến chống Pháp, năm 1952 hy sinh. Ông Dô ở cùng bà Xàng, bà Hiếu canh tác diện tích đất trên. Ông Dô lập gia đình, năm 1964 sinh ra bà Nguyễn Thị Diền, sau đó ông Dô cũng tham gia chống Mỹ và hy sinh năm 1966. Vợ ông Dô tái giá theo chồng, bà Diền ở với bà Xàng, bà Hiếu, đồng thời cùng các bà tiếp tục canh tác 46.293m2 đất trên.

Quá trình sinh sống, bà Diền cùng bà Xàng, bà Hiếu tôn tạo, trông giữ, bảo vệ, dựng nhà ở trên đất ở ổn định. Đến năm 1980, bà Diền cất 1 căn nhà riêng trên đất và canh tác nông nghiệp ổn định.

Năm 1998, bà Xàng đi đăng ký quyền sử dụng 46.293m2 đất, bà Diền nghĩ bà Xàng đăng ký cho cả gia đình nên bà không hề thắc mắc. Ngày 09/4/1999, UBND huyện Nhơn Trạch cấp GCN QSDĐ số L 578653 cho bà Xàng đứng tên hộ sử dụng toàn bộ 46.293m2 đất. Ngày 24/3/2003, bà Xàng qua đời, ngày 07/4/2003, bà Hiếu đi làm thủ tục nhận thừa kế toàn bộ diện tích đất do bà Xàng đứng tên mà bà Diền không hề hay biết. Năm 2008, khi biết được quyền lợi bị xâm phạm, bà Diền khiếu nại bà Hiếu ra cơ quan chức năng, sau đó khởi kiện ra Tòa án.

Hồ sơ cho thấy, nguồn gốc 46.293m2 đất trên là tài sản chung do cụ Liều, cụ Thìn khai phá, sử dụng để lại. Lúc còn sống, các cụ đã giao toàn bộ diện tích đất trên cho các con là: ông Đâu, bà Xàng, bà Hiếu. Diện tích 46.293m2 là tài sản chung sở hữu theo phần, mỗi người một phần bằng nhau. Như vậy, ông Đâu bà Xàng, bà Hiếu được xác định là hàng thừa kế thứ nhất của vợ chồng cụ Liều.

Ông Đâu sinh ra ông Dô, ông Dô sinh ra bà Diền. Do ông Đâu, ông Dô đã chết nên bà Diền là hàng thừa kế duy nhất được hưởng di sản từ ông nội để lại. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm cho rằng, bà Diền không được hưởng tài sản là chưa đảm bảo quyền lợi, không đúng quy định pháp luật.

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 51/2021/KN-DS ngày 9/9/2021 của Chánh án TAND Tối cao nêu: Căn cứ 3 đơn xin đăng ký sử dụng đất ngày 7/4/2003 của cụ Hiếu, UBND xã Phước An đều xác nhận nguồn gốc đất do ông bà để lại trước năm 1975. Có nghĩa, đất không phải do bà Xàng khai phá, mà bà Xàng đứng tên trên GCN mang tính chất đại diện cho tài sản chung cho cả gia đình mà thôi.

quyet-dinh-1636537166.jpg

Quyết định kháng nghị của Chánh án TANDTC đề nghị giải quyết lại vụ án.

Quyết định giám đốc thẩm nêu: Quá trình giải quyết đơn khiếu nại của bà Diền và yêu cầu xác minh của Tòa án, UBND xã Phước An và UBND huyện Nhơn Trạch đều có văn bản xác định nguồn gốc đất của vợ chồng cụ Liều để lại cho các con là cụ Đâu, cụ Xàng, cụ Hiếu canh tác, sử dụng. Do đó Quyết định kháng nghị nhận định: “Có căn cứ để xác định các thừa kế của vợ chồng cố Liều là cụ Xàng, cụ Hiếu và bà Diền (thuộc hàng thừa kế thứ 3 của vợ chồng cụ Liều, được thừa kế chuyển tiếp từ cụ Đâu, cụ Dô)”.

Quyết định kháng nghị cũng cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm xác định diện tích 46.293m2 đất có nguồn gốc của vợ chồng cụ Liều nhưng cho rằng bà Diền không phải hàng thừa kế thứ nhất, không thuộc diện thừa kế thế vị của vợ chồng cố Liều nên không có quyền tranh chấp tài sản trên; Cụ Xàng, cụ Hiếu đã được cấp QSDĐ hợp pháp theo Luật đất đai 1993 là không đúng, không đảm bảo quyền lợi của bà Diền.

Quyết định kháng nghị cũng cho rằng, các bản án chưa đánh giá tính hợp lệ của bản di chúc của bà Hiếu; các cơ quan ban ngành tỉnh Đồng Nai cấp GCNQDĐ cho ông Hải, bà Sơn ngày 17/10/2014 khi Tòa án đang giải quyết tranh chấp đối với diện tích đất này là không đúng quy định tại điều 188, Luật Đất đai 2013; có dấu hiệu tẩu tán tài sản để tránh nghĩa vụ trong quan hệ tranh chấp với bà Hiếu.

Từ các căn cứ trên, Chánh án TANDTC quyết định kháng nghị toàn bộ Bản án dân sự phúc thẩm số 697/2020/DS-PT, đề nghị Hội đồng Thẩm phán TANDTC xét xử theo hướng hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm để giải quyết lại toàn bộ vụ án theo đúng quy định pháp luật.

Bà Diền mong rằng, pháp luật sẽ sớm được thực thi công bằng, bảo vệ được quyền lợi chính đáng đối với diện tích đất mà bà đã gắn bó gần như cả cuộc đời.

VĂN KỲ