Vụ SVB phá sản: Ngân hàng châu Âu chịu áp lực về vốn, người dân xếp hàng dài chờ rút tiền

Ngày 14/3, hai cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody's và S&P Global nhận định, tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ sau vụ phá sản của Silicon Valley Bank (SVB) chỉ có tác động nhỏ đến các tổ chức tài chính châu Âu.
Vụ SVB phá sản:
Hàng dài người chờ rút tiền tiết kiệm ở SVB. (Nguồn: Wall Street Journal)

Moody's cho rằng, cấu trúc của các ngân hàng châu Âu giúp hạn chế rủi ro từ phía bên kia Đại Tây Dương vì họ để nhiều tiền gửi hơn ở các ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, chứng khoán nợ chỉ chiếm một phần nhỏ hơn trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng châu Âu so với các thể chế tài chính ở Mỹ.

Theo đánh giá của Moody's, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tạo dựng được khả năng tiếp cận thanh khoản tốt hơn trong các trường hợp căng thẳng.

Trong khi đó, S&P Global Ratings cho biết, các ngân hàng châu Âu mà cơ quan này theo dõi và đánh giá, không có mô hình kinh tế hay các nguồn vay vốn giống như các ngân hàng Mỹ, nên rủi ro trực tiếp từ vụ phá sản của SVB đối với các ngân hàng này có khả năng sẽ không lớn.

Ủy viên phụ trách kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) Paolo Gentiloni, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã lên tiếng trấn an thị trường về “sức đề kháng” của châu lục này trước tình hình bất ổn về tài chính tại Mỹ.

Tuy nhiên, Moody's cảnh báo, việc thắt chặt lãi suất vẫn có thể ảnh hưởng đến các ngân hàng châu Âu và sự căng thẳng ngày càng gia tăng trong hệ thống ngân hàng Mỹ cũng sẽ làm giảm niềm tin của giới đầu tư và từ đó khiến các ngân hàng tại châu lục này phải chịu nhiều áp lực về vốn.

Liên quan vụ phá sản của SVB, theo trang tin The Boston Globe, sau khi ngân hàng này sụp đổ, các quan chức Mỹ đã thông báo thành lập một quỹ "bảo vệ" tiền gửi tại các ngân hàng đang gặp khó khăn nhằm hỗ trợ người gửi tiền.

Tuy nhiên, ngay cả khi được đảm bảo, những người gửi tiền tại SVB vẫn nóng lòng rút tiền ra khỏi đây.

Ngay từ khi mở cửa lại vào sáng ngày 13/3, tất cả chi nhánh của SVB đều đã chật kín khách hàng đến rút tiền.

Ông Karthik Ramalingam, một khách hàng đã đứng đợi hơn 2 tiếng tại một chi nhánh của SVB chia sẻ: "Những ngày qua thực sự rất căng thẳng. Chúng tôi chỉ hy vọng có thể liên hệ với ngân hàng và nhận lại tiền của mình".

Ông cho biết đã mở tài khoản ở một vài ngân hàng mới và coi như đây là một bài học.