Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến 20/9, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp đạt gần 22,2 tỷ USD, tăng hơn 4% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, vốn FDI thực hiện ước đạt gần 13,3 tỷ USD, giảm gần 4% so với cùng kỳ năm 2020. Như vậy, đây là tháng đầu tiên tổng vốn đăng ký cấp mới tăng trở lại sau 3 tháng giảm liên tiếp và là tháng đầu tiên trong năm ghi nhận vốn FDI giải ngân âm. Nguyên nhân được Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ ra là dịch covid diễn biến phức tạp những tháng gần đây, dẫn tới một số nhà máy bị ngưng hoặc giảm công suất.
Cụ thể, trong số 22,2 tỷ USD vừa nêu, vốn đăng ký cấp mới đạt gần 12,5 tỷ USD, tăng gần 21% về giá trị, với 1.212 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Số vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 6,4 tỷ USD, tăng gần 26% so với cùng kỳ, tương đương 678 lượt dự án điều chỉnh vốn. Tiêu biểu có thể kể đến dự án LG Display Hải Phòng tăng thêm 1,4 tỷ USD của nhà đầu tư Hàn Quốc vào ngày 30/8 vừa qua.
Trong khi đó, hoạt động góp vốn, mua cổ phần trong 9 tháng vừa qua đạt gần 3,2 tỷ USD, giảm gần 44% so với cùng kỳ, tương đương có 2.830 lượt góp vốn, mua cổ phần được thực hiện.
Dòng vốn FDI đã đầu tư vào 18 trên 21 ngành kinh tế, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 11,8 tỷ USD, chiếm hơn 53% tổng vốn FDI đăng ký. Ngành sản xuất, phân phối điện thu hút được số lượng dự án mới, điều chỉnh cũng như góp vốn mua cổ phần không nhiều nhưng có quy mô dự án lớn nên đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn FDI đăng ký. Tiếp theo là ngành kinh doanh bất động sản, với tổng vốn đăng ký đạt 1,78 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu xét về số lượng dự án mới, ngành công nghiệp chế biến chế tạo, bán buôn bán lẻ và hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ dẫn đầu, chiếm lần lượt hơn 33%, 28% và gần 15% tổng số dự án FDI.
Về đối tác, vốn FDI từ Singapore giảm hơn 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn tiếp tục duy trì vị trí dẫn đầu với tổng vốn đăng ký gần 6,3 tỷ USD, chiếm hơn 28% tổng vốn FDI mà Việt Nam hiện có. Một điểm bất ngờ là Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản vươn lên trở thành dòng vốn FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam với hơn 3,9 tỷ USD, tăng hơn 23% và chiếm gần 18% tổng vốn đầu tư. Vốn FDI từ Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,3 tỷ USD, chiếm gần 15% tổng vốn FDI mà Việt Nam hiện có.
Báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy 9 tháng vừa qua, vốn đầu tư của Singapore gấp 1,6 lần vốn đầu tư của Hàn Quốc và gấp gần 1,9 lần vốn đầu tư của Nhật Bản, do Singapore có dự án trị giá 3,1 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới hơn 49% tổng vốn đầu tư của Singapore. Hàn Quốc mặc dù xếp thứ 2 về vốn đầu tư, song lại là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như số lượt góp vốn mua cổ phần. Như vậy, nếu xét về số lượng dự án, Hàn Quốc là đối tác có nhiều nhà đầu tư quan tâm và đưa ra quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư nhất trong 9 tháng vừa qua.
Hiện có 58 trên 63 tỉnh, thành phố của cả nước đã thu hút được vốn FDI, trong đó Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 3,6 tỷ USD, chiếm hơn 16% tổng vốn FDI hiện có của cả nước. Với dự án điều chỉnh vốn tăng thêm 1,4 tỷ USD, Hải Phòng vươn lên đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 12% tổng vốn đầu tư. TP HCM đứng thứ 3 với gần 2,4 tỷ USD, chiếm gần 11% tổng vốn đầu tư.
Lũy kế đến ngày 20/9, cả nước có 34.141 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt 403,19 tỷ USD. Vốn FDI lũy kế thực hiện ước đạt 245,14 tỷ USD, bằng gần 61% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
NGỌC HÀ
NĐH