Khi "cơn sốt" qua đi
Ghi nhận của PV, nếu như cách đây khoảng nửa năm, lan đột biến được nhiều người thổi giá lên đến hàng tỉ đồng thì đến thời điểm hiện tại, các chủ vườn đang có xu hướng bán tháo, giảm giá lan hơn 90% so với thời kỳ "hoàng kim".
Bên cạnh đó, trong các hội nhóm chơi lan, nhiều chủ vườn đã có động thái liên tục livestream để bán tháo các lô hàng trong kho với giá rẻ mạt.
Thậm chí, nhận thấy giá lan trượt dốc nhanh chóng, một số chủ vườn còn sẵn sàng sử dụng các mánh khóe, “bóc phốt” nhau để hạ uy tín kinh doanh, lôi kéo khách hàng về phía mình.
Chia sẻ trên mạng xã hội, một chủ vườn tên N.L liên tục đưa ra các định hướng đầu tư cho khách hàng: "Chủ vườn B bán lan với giá thấp kỉ lục đang khiến cho các nhà đầu tư mất niềm tin. Nếu tình hình này tiếp tục diễn ra, đồng nghĩa với việc các nhà đầu tư phải tháo chạy, rút khỏi cuộc chơi. Mọi người cứ bình tĩnh nghe theo em để đầu tư sáng suốt. Cố gắng rót tiền vào giống lan mới bên em đang cung cấp, chẳng mấy mà thu hồi được vốn, thậm chí lãi gấp 3 - 4 lần".
Trong khi đó, một chủ vườn tên V.A.V cũng đang bị nhiều người "bóc phốt" khi liên tục quảng cáo cho giống lan mới, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Dù cung cấp cho khách hàng với số lượng lớn với giá cao cắt cổ, thế nhưng khi muốn yêu cầu xác nhận nguồn hàng thì chủ vườn này đều né tránh trả lời.
Tương tự, lợi dụng tình hình dịch COVID-19, một chủ vườn lan có tên A.T còn sử dụng mánh khóe, chiêu trò để kêu gọi mọi người tham gia đấu giá các giống lan tại vườn, ủng hộ vào quỹ phòng chống dịch. Tuy nhiên, chủ vườn lan này ngay sau đó đã bị nhiều người vạch trần thủ đoạn ăn cắp hình ảnh của vườn khác để trục lợi cá nhân.
Mất tiền tỉ vì "ôm" lan đột biến
Đắng cay nhất phải kể tới những người đầu tư số tiền lớn vào lan đột biến nhưng phải nếm trái đắng khi không thể đẩy "hàng" đi. Anh Nguyễn Trọng Hùng - một người chơi lan tại Phú Thọ cho biết: "Tôi vừa mua một giỏ lan “Hồng Yên Thủy” với giá 120 triệu đồng từ năm ngoái, nhưng nay không thể tìm được khách mua. Trong khi đó, chủ vườn bán cho tôi đã cao chạy xa bay chỉ sau chưa đầy 1 tháng".
Mới đây, trong đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng, anh Nguyễn Văn S. (sinh năm 1979, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết đã bỏ đến gần 10 tỉ đồng từ vay vốn ngân hàng và cả bạn bè, người thân để mua lan đột biến.
Theo đó, từ tháng 11 đến tháng 12.2020, anh S mua lan tại các nhà vườn ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội; huyện Hoài Đức (Hà Nội), huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) và huyện Yên Thủy (tỉnh Hoà Bình).
Tuy nhiên, khi mua lan về, anh S tiến hành kiểm tra lại nguồn gốc không đúng với thỏa thuận ban đầu. Hoa cho ra màu tím, không phải màu trắng ngọc như lan đột biến. Đến lúc này, anh S liên hệ lại với các nhà vườn thì đã bị khóa tài khoản, ngắt mọi liên lạc.
Trước đó, cuối năm 2020, Công an huyện Tân Sơn, Phú Thọ đã khởi tố vụ án, khởi tố 3 bị can về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới 3 tỉ đồng; đối tượng sử dụng phương thức tinh vi là tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan Phi Điệp thường bằng keo và chiếm đoạt tiền của nhiều người.
Theo cơ quan công an, nhiều người nhìn từ bên ngoài tưởng việc kinh doanh lan đột biến dễ kiếm lời nên bất chấp rủi ro, cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng, người thân, thậm chí “tín dụng đen” để đầu tư.
Tuy nhiên, giá trị lan đột biến được định giá tự do, không có căn cứ, là cơ hội cho hành vi thổi giá, gây hấp dẫn giả để dụ người chơi mới, kém hiểu biết tham gia.
Các hoạt động mua bán, giao dịch lan đột biến diễn ra tự phát, không có kiểm soát từ cơ quan chức năng, có nguy cơ biến tướng thành hoạt động đa cấp hoặc rửa tiền. Do không có đảm bảo, chứng nhận hợp pháp về chất lượng lan đột biến nên dễ phát sinh lừa đảo, tranh chấp sau giao dịch.
ĐÌNH TRƯỜNG (Lao Động)
Dân Việt