Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ nhân dịp bước sang năm mới 2023, TS. Nguyễn Thị Hương, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã "phác họa" tổng thể tình hình, triển vọng của kinh tế thế giới và khu vực, đồng thời đưa ra dự báo cho kinh tế Việt Nam.
Nhận định chung về kinh tế thế giới và khu vực
Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế gần đây nhất, tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt được thấp hơn từ 0,5 đến 1,4 điểm phần trăm so với dự báo trước đây. Bức tranh kinh tế toàn cầu năm 2023 tiếp tục gặp nhiều khó khăn với dự báo tăng trưởng chậm lại; gia tăng khả năng suy thoái trong ngắn hạn; lạm phát cao và các vấn đề địa chính trị, xung đột vũ trang; thiên tai, dịch bệnh, ...
Phân tích rõ hơn, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, theo số liệu của Ngân hàng thế giới (WB), bình quân giai đoạn 2015-2019, kinh tế thế giới đạt mức tăng trưởng 3,2%. Tuy nhiên, sau khi bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 và xung đột vũ trang Nga-Ukraine, bình quân 3 năm 2020-2022 tăng trưởng kinh tế thế giới đạt khoảng từ 1,6%-1,8%, giảm một nửa so với bình quân của giai đoạn trước. Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2020 giảm 3,3 %; năm 2021 tăng 5,8% và ước tính cho năm 2022 tăng từ 2,4%-3,2%.
"Tại thời điểm tháng 12/2022, hầu hết các tổ chức quốc tế đều điều chỉnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 so với các dự báo đưa ra trước đó", bà Hương thông tin thêm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2% trong năm 2022 so với thời điểm tháng 7/2022, nhưng giảm 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng năm 2023, đạt mức 2,7%. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 đạt 3,1%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2022 và sẽ chậm lại ở mức 2,2% vào năm 2023. Fitch Ratings (FR) điều chỉnh tăng 0,2 điểm phần trăm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 so với dự báo trong tháng 9/2022, đạt 2,6% trước khi giảm xuống còn 1,4% trong năm 2023.
Báo cáo bổ sung Triển vọng phát triển kinh tế tháng 12/2022 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng kinh tế của một số nền kinh tế lớn so với dự báo đưa ra trong tháng 9/2022. Cụ thể, dự báo tăng trưởng GDP của Hoa Kỳ tăng 0,1 điểm phần trăm, đạt 1,7% trong năm 2022; khu vực đồng Euro tăng 0,5 điểm phần trăm lên mức 3%; giữ nguyên dự báo tăng trưởng của Nhật Bản ở mức 1,4%; Trung Quốc giảm 0,3 điểm phần trăm xuống còn 3%.
Trong khu vực Đông Nam Á, ADB nhận định tăng trưởng năm 2022 của Philippines đạt 7,4% (tăng 0,9 điểm phần trăm); Malaysia đạt 7,3% (tăng 1,3 điểm phần trăm); Indonesia đạt 5,4%; Singapore đạt 3,3% (giảm 0,4 điểm phần trăm); Thái Lan đạt 3,2% (tăng 0,3 điểm phần trăm).
Đối với Việt Nam, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7% và giảm xuống 6,2% trong năm 2023. WB dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam đạt 7,2%, tăng 1,9 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 4/2022 và giảm xuống còn 6,7% trong năm 2023. ADB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam thêm 1 điểm phần trăm so với dự báo trong tháng 9/2022, đạt 7,5% và giảm xuống còn 6,3% trong năm 2023.
Năm bản lề khẳng định vị thế Việt Nam
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam đã vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức sau gần 3 năm chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực do xung đột vũ trang và vấn đề địa chính trị trên thế giới.
Năm 2022, kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, tổng sản phẩm trong nước (GDP) cả năm tăng 8,02%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022, vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra (từ 6,0-6,5%).
Tuy nhiên, bà Hương cũng lưu ý rằng mức tăng trưởng bình quân 3 năm (2020-2022) của Việt Nam chỉ đạt 4,48%, vẫn thấp hơn nhiều so với bình quân 5 năm trước đó (là 7,09%). Từ nay đến cuối năm, để đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7% của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, thì mức tăng trưởng bình quân 3 năm còn lại cần đạt 7,35%.
"Như vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của giai đoạn 2021-2015 là thách thức không nhỏ đối với nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh năm 2023, thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực và các vấn đề địa chính trị khu vực, toàn cầu;… có chiều hướng diễn biến nhanh, phức tạp, trái quy luật, khó dự báo hơn", Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh.
Đối với Việt Nam, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đây cũng là năm Việt Nam khẳng định vị thế mới khi nước ta sẽ đạt ngưỡng 100 triệu dân và quy mô GDP cán mốc 10 triệu tỷ đồng. Vì vậy, theo bà Hương, cần khai thác tối đa nội lực, huy động và thu hút làn sóng đầu tư, tận dụng mọi cơ hội tham gia sâu, rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu để tiếp tục khẳng định vị thế và uy tín của nước ta trên tầm cao mới./.