Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)
Ông Hong Sun, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM)

Hàn Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam và Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Giao dịch thương mại giữa hai nước trong năm đầu tiên sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao chỉ đạt 500 triệu USD. Sau gần 30 năm, con số này đã tăng lên 78 tỷ USD vào năm 2021 và dự kiến đạt 100 tỷ USD vào năm 2023.

Hàn Quốc đang đứng thứ nhất về đầu tư trực tiếp; thứ hai về hợp tác phát triển (ODA), lao động và du lịch; thứ ba về hợp tác thương mại tại Việt Nam. Có được những thành quả nêu trên là nhờ sự quyết tâm của lãnh đạo cấp cao và chính phủ hai nước, sự nỗ lực không ngừng của doanh nghiệp cũng như vai trò kết nối của Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam.

Gần 9.800 doanh nghiệp Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam, hầu hết đều là thành viên của KOCHAM đang sinh sống và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và cả nước. Riêng tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác có gần 5.000 doanh nghiệp Hàn Quốc.

Doanh nghiệp Hàn Quốc đang có mặt ở mọi lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam, từ lĩnh vực may mặc đến điện tử, hạ tầng, năng lượng, ô tô, hàng không vũ trụ, bất động sản, tài chính ngân hàng, start-up đến cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, logistics và dịch vụ. Tôi cho rằng, giai đoạn tiếp theo sẽ có bước chuyển dịch và không đơn thuần là đầu tư trực tiếp, mà tập trung cho đầu tư gián tiếp, do nguồn vốn tại Hàn Quốc đang dư thừa với chi phí vốn tương đối thấp.

Các công ty Hàn Quốc đã góp vốn mua cổ phần tại rất nhiều công ty Việt Nam như SK Group đầu tư 1 tỷ USD vào Tập đoàn Vingroup và 470 triệu USD vào Tập đoàn Masan, hay KEB Hana Bank mua lại 15% vốn điều lệ của Ngân hàng BIDV…

Cho đến nay, 16 công ty tài chính là thành viên của Hiệp hội Tài chính (KOFIA) đang hoạt động ở Việt Nam trong lĩnh vực mua bán cổ phiếu, tham gia thị trường chứng khoán phái sinh... với tổng đầu tư lên tới hàng tỷ USD.

Các tập đoàn Hàn Quốc xuất hiện tại Việt Nam ngày càng nhiều trong lĩnh vực tài chính nhằm cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp Hàn và tập đoàn lớn của Việt Nam nhờ mạng lưới khách hàng rộng lớn tại Hàn Quốc và nhiều nước khác trên thế giới. Đây đều là các tập đoàn có tiềm lực tài chính mạnh tại Hàn Quốc và có khả năng huy động vốn với giá thấp. Vì vậy, tài chính-ngân hàng, một lĩnh vực được dự báo sẽ đón làn sóng đầu tư mạnh từ Hàn Quốc trong thời gian tới với bài toán hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam.

Ngoài ra các doanh nghiệp Hàn Quốc sẽ đầu tư mạnh trong lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) nếu Chính phủ Việt Nam sớm hoàn thiện khung pháp lý cho lĩnh vực này.

Trong thời gian tới, cùng với việc Chính phủ Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Hai bên sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư. Hàn Quốc sẵn sàng hợp tác với Việt Nam về chuyển đổi số, an ninh mạng, công nghệ sinh học.

Việt Nam - trọng tâm của làn sóng đầu tư của Hàn Quốc ở Đông Nam Á - sẽ là một điểm đến quan trọng và sự hợp tác của hai nước đã trở thành một trong những mô hình mẫu mực nhất trên thế giới về hợp tác kinh tế chặt chẽ.