FTA mang đến đột phá về thương mại
Bộ Công Thương đã chủ động điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại bảo vệ nền sản xuất nội địa trước áp lực thực thi các cam kết cắt giảm thuế quan theo lộ trình của các FTA, đảm bảo hiệu quả quá trình hội nhập. (Nguồn: TTXVN)

Nguy cơ về rào cản phòng vệ thương mại

Nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng lợi thế cạnh tranh, Việt Nam đã tham gia 15 FTA. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ về rào cản thương mại, nhất là rào cản phòng vệ thương mại.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng cho biết, phòng vệ thương mại là công cụ hạn chế nhập khẩu được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các FTA cho phép các thành viên sử dụng trong điều kiện nhất định.

Do vậy, các nước có thể áp dụng biện pháp chống lẩn tránh phòng vệ thương mại khi chứng minh hàng hóa, nguyên liệu từ nước đang bị áp thuế được xuất khẩu, gia công thêm ở một nước thứ ba với giá trị gia tăng không đáng kể.

Đáng lưu ý, FTA mang lại tác động tích cực về mở cửa thị trường, đầu tư, công nghệ…nhưng song hành cùng tác động tích cực lại đan xen yếu tố tiêu cực đến nền kinh tế trong nước.

Cụ thể, hàng hóa nhập khẩu sẽ gia tăng khi thuế suất giảm dần và về 0%. Còn với doanh nghiệp sản xuất, tác động trước tiên chính là tăng áp lực cạnh tranh ngay tại chính thị trường nội địa.

Hơn nữa, khi Việt Nam có lợi thế tăng cường xuất khẩu, sản phẩm của doanh nghiệp trong nước sẽ có nguy cơ bị đối mặt với nhiều biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường nước ngoài.

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chỉ ra rằng, trước các tác động của hội nhập, cùng với chính sách bảo hộ của một số thị trường, số lượng vụ việc điều tra phòng vệ thương mại ở cả hai chiều xuất khẩu và nhập khẩu dự báo gia tăng.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Điều này cho thấy, Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng gặp không ít áp lực, thách thức từ hàng nhập khẩu lên thị trường nội địa.

Chẳng hạn, xuất khẩu tăng trưởng nhanh cho thấy năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều ngành đã cao hơn, hàng hóa của Việt Nam đã thâm nhập và có chỗ đứng tại nhiều thị trường thế giới.

Điều này tạo ra áp lực cạnh tranh đối với các ngành sản xuất tại nước nhập khẩu, khiến các ngành sản xuất này có thể phải yêu cầu Chính phủ sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ để bảo vệ doanh nghiệp.

Do đó, cùng với việc kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam ngày càng có khả năng trở thành đối tượng bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

Tính đến hết quý I/2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã là đối tượng của 212 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài. Trong số đó, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại chiếm 25 vụ và ngày càng có xu hướng gia tăng.

Các chuyên gia cho rằng, FTA thế hệ mới dự đoán sẽ tạo bước đột phá về thương mại, mang về thặng dư thương mại lớn trong năm 2022, tạo đà cho tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo.

Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường có FTA năm 2021 đều tăng trưởng trong bối cảnh dịch Covid-19. Cụ thể, xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 15%, Liên minh châu Âu (EU) tăng 14%; Hàn Quốc tăng 15,8%, Ấn Độ tăng 21%, New Zealand tăng 42,5%...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa vào Việt Nam năm 2021 đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm 2020. Điều này cho thấy, Việt Nam đang tận dụng hiệu quả các FTA để gia tăng kim ngạch xuất khẩu nhưng cũng gặp không ít áp lực, thách thức từ hàng nhập khẩu lên thị trường nội địa.

Thành thục ứng phó với các vụ kiện phòng vệ

Cùng với tiến trình hội nhập, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng ngày càng thành thục hơn trong việc ứng phó với các vụ kiện phòng vệ từ nước ngoài tới hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Là doanh nghiệp chuyên xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Phú Tài Nguyễn Sỹ Hòe chia sẻ, việc Hoa Kỳ đã khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với tủ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam tuy là thông tin ban đầu nhưng doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn bị ảnh hưởng.

Để tránh những thiệt hại, các hồ sơ chứng từ được công ty lưu giữ theo đúng quy định và chuẩn bị kịch bản cụ thể sẵn sàng nếu bị điều tra.

Theo ông Vũ Văn Phụ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhôm thanh định hình Việt Nam (Hiệp hội Nhôm Việt Nam), thời gian qua, ngành nhôm đã rất tích cực nghiên cứu, vận dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ thị trường trong nước cũng như ứng phó với các vụ điều tra của nước ngoài.

Do đó, sau 2 năm bị tác động bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp sản xuất ngành nhôm đều có sự ổn định vững chắc ở thị trường trong nước, chiếm lĩnh được niềm tin của người tiêu dùng.

Đến thời điểm hiện tại, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra, áp dụng 25 vụ việc phòng vệ thương mại; trong đó, có 16 vụ việc chống bán phá giá, 1 vụ việc chống trợ cấp, 6 vụ việc tự vệ và 2 vụ việc chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.

Điều này cho thấy, Việt Nam đã phát huy vai trò các biện pháp phòng vệ thương mại như một công cụ để bảo đảm môi trường thương mại công bằng nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực từ hàng nhập khẩu đến sản xuất trong nước.

Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp thuộc một số ngành như: đường mía, phân bón, sắt thép, sợi... đã cải thiện đáng kể tình hình sản xuất kinh doanh, thoát khỏi thua lỗ và từng bước ổn định sản xuất.

Tuy nhiên, để tránh hoàn toàn các vụ kiện phòng vệ thương mại là chuyện không thể, bởi phòng vệ thương mại luôn đi kèm với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Do đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với đơn vị liên quan tăng cường năng lực cho doanh nghiệp về phòng vệ thương mại cũng như nhận thức trong quy định pháp lý tại thị trường nước ngoài. Điều này góp phần đảm bảo tăng trưởng xuất nhập khẩu, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và ngành sản xuất trong nước.