Đơn hàng xuất khẩu đồ gỗ của Công ty Triệu Phú Lộc (huyện Bắc Tân Uyên, Bình Dương) đã tăng gấp đôi từ đầu tháng 8/2020. (Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN)

Công ty xếp hạng tín nhiệm Moody's Analytics dự đoán nền kinh tế Việt Nam cùng với các nền kinh tế Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc) sẽ tăng tốc nhanh nhất (trên 7%) trong năm 2021.

Điều này đã đưa khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành khu vực dẫn đầu về sự phục hồi toàn cầu sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Ông Steve Cochraine, chuyên gia kinh tế và trưởng bộ phận phân tích của Moody's về khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết, nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương đang trên đà phát triển với sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và thương mại toàn cầu.

Sự phục hồi kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa do mỗi quốc gia ban hành. Đối tượng mà chính sách hướng tới là các hộ gia đình và công ty để có thể góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Moody's dự báo sự phục hồi kinh tế sẽ diễn ra trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương vào năm 2021. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế trong khu vực sẽ không toàn diện cho đến khi lĩnh vực du lịch và lữ hành quốc tế phục hồi hoàn toàn.

Cũng theo ông Steve Cochraine, sự phục hồi kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương trái ngược với châu Âu, nơi một số nền kinh tế lại có nguy cơ suy thoái sau khi làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19 lan rộng khắp châu lục này.

Trong khi đó, nhịp độ kinh tế của Nhật Bản, Philippines và Ấn Độ được ước tính sẽ đạt đỉnh trở lại vào nửa cuối năm 2022. Philippines và Ấn Độ là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tác động kinh tế và đại dịch COVID-19.

Tốc độ tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Nhật Bản và tình trạng suy thoái diễn ra từ quý 4/2019 sẽ trì hoãn mở rộng nền kinh tế của "đất nước Mặt Trời mọc"./.

Đình Ánh (TTXVN/Vietnam+)

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/viet-nam-se-la-mot-trong-nhung-nen-kinh-te-tang-truong-nhanh-nhat-2021/677749.vnp