Ngày 30/9, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, trong những năm qua, nông nghiệp Việt Nam liên tục tăng trưởng, phát triển toàn diện và đạt được những thành tựu to lớn; sản lượng lương thực, thực phẩm tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng, bảo đảm nguồn cung dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nông nghiệp nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tổn thất sau thu hoạch còn cao… gây ra các rủi ro, nguy hại đối với môi trường.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoam, trên thế giới, tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng chủ đạo. Tư lệnh ngành nông nghiệp cũng khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển nông nghiệp xanh. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của Bộ để cụ thể hóa các nhiệm vụ Chính phủ giao, đồng thời cũng để thực hiện quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, bền vững đã đề ra tại Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 tầm nhìn 2050 đó là "Phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn".
Theo đó, sau khi Thủ tướng ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 (1/10/2021) và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (22/07/2022), Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (12/9/2022).
Kế hoạch hành động bảo đảm phù hợp và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược khác của ngành có liên quan.
Hài hòa hóa các mục tiêu tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, tham gia tích cực thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính.
Bên cạnh đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh; gắn tăng trưởng xanh với thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp và nông thôn.
Bộ NN&PTNT xác định, việc thực hiện Kế hoạch hành động phải dựa trên cơ sở lồng ghép và tận dụng mọi nguồn lực, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ quốc tế cho phát triển ngành, nhất là trong lĩnh vực tăng trưởng xanh.
Mục tiêu cụ thể trong kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 được chỉ rõ qua các chỉ tiêu: Tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.
Đặc biệt Bộ NN&PTNT xác định sẽ chuyển đổi 300 nghìn ha đất lúa sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả cao hơn cả về kinh tế và môi trường; diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng trên 2% tổng diện tích đất trồng trọt. Tỉ lệ sản phẩm chăn nuôi hữu cơ đạt khoảng 2 - 3% tính trên tổng sản phẩm chăn nuôi sản xuất trong nước.
Cùng với đó mở rộng quy mô áp dụng các thực hành sản xuất nông nghiệp tốt nhằm nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng năng lực cạnh tranh và giảm phát thải khí nhà kính lĩnh vực nông nghiệp theo kế hoạch của quốc gia.
Xây dựng nông thôn mới đảm bảo đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững; hình thành lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên, bảo vệ và phát triển cảnh quan môi trường xanh, sạch đẹp văn minh.