Nếu áp giá sàn, hành khách không còn được mua vé giá 0 đồng. Trong ảnh: khách mua vé tại phòng vé VNA ở TP.HCM - Ảnh: C.TRUNG
Theo kiến nghị của Vietnam Airlines (VNA), mức giá trần sẽ tăng từ 50.000 - 250.000 đồng/khách. Giá sàn được kiến nghị theo 2 phương án: bằng 35% mức giá trần theo từng cự ly hoặc chi phí biến đổi trung bình 1 ghế theo từng nhóm cự ly của các hãng hàng không giá rẻ.
Đơn cử, giá trần hiện nay cho nhóm đường bay 500 - 850km, giá trần 2,2 triệu đồng/vé sẽ tăng lên 2,25 triệu đồng/vé; 850 - 1.000km từ 2,79 triệu đồng/vé lên 2,89 triệu đồng/vé... Với cự ly nêu trên, giá sàn được đề xuất lần lượt là 570.000 - 787.500 đồng/vé, 755.000 - 1 triệu đồng/vé.
Mức giá sàn hiện nay là 0 đồng. Như vậy, nếu kiến nghị của VNA thành hiện thực, theo một chuyên gia hàng không, có thể không còn giá vé 0 đồng, 79.000 đồng... như nhiều hãng khuyến mãi trước đây. Các doanh nghiệp du lịch cũng bị ảnh hưởng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo VNA cho biết kiến nghị điều chỉnh mức giá sàn là trên cơ sở mức phí khai thác hợp lý của hàng không, đảm bảo các hãng không phá giá, cạnh tranh không lành mạnh. Còn điều chỉnh mức giá trần là cho phù hợp với tình hình thị trường và chi phí đầu vào.
Theo VNA, cơ sở tăng giá trần và áp giá sàn là bài toán để hãng hàng không vượt qua khó khăn trong giai đoạn COVID-19, giảm bớt cạnh tranh, giẫm đạp lên nhau để tự làm yếu mình. Không chỉ cạnh tranh nội địa, khi thị trường phục hồi, hàng không quốc tế "nhảy vào" thì nội lực của hàng không VN yếu đi.
Do đó, có thể nghiên cứu áp giá sàn vé máy bay trong giai đoạn nhất định nhưng phải trong giai đoạn COVID-19. Đến khi thị trường phục hồi có thể xem xét bỏ giá sàn... Tuy vậy, theo vị chuyên gia hàng không, nếu áp dụng theo ý muốn của VNA, cạnh tranh sẽ giảm, người tiêu dùng bất lợi.
Năm 2017, VNA từng đòi áp giá sàn từ 600.000 - 1,2 triệu đồng tùy theo chặng bay gây phản ứng trái chiều, sau đó Bộ GTVT kết luận không đồng ý áp giá sàn.
C.Trung