Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được 'thăng hạng'

Sáng 6/12, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP), trực thuộc trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cùng Viện Friedrich Naumann Foundation (FNF) phối hợp tổ chức Hội thảo "Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường".
Vị trí của Việt Nam trên bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được 'thăng hạng'
Việc quan tâm đến chỉ số tự do kinh tế tương đối cần thiết với Việt Nam. Toàn cảnh Hội thảo “Thúc đẩy tự do kinh doanh và nâng cao hiệu quả thị trường”. (Nguồn: Doanh nghiệp hội nhập)

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Anh Thu, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, từ năm 2014, cùng với sự ra đời của Nghị Quyết 19, nay là Nghị quyết 02 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, Việt Nam đã xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hướng tới phát triển bền vững là một trọng tâm cải cách quan trọng, thường xuyên.

Qua 8 năm nỗ lực cải cách hướng tới thị trường tự do và cải thiện môi trường kinh doanh, vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng uy tín toàn cầu đã được “thăng hạng", thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã thay đổi vượt bậc, xếp thứ 78 (năm 2014) lên vị trí 6 (năm 2019), chỉ số tự do kinh tế năm 2022 cũng tăng 6 bậc từ vị trí 84 từ vị trí 90.

Tuy nhiên, theo đánh giá của VEPR, trên cơ sở rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về cải cách đăng ký tài sản mà Chính phủ đề ra tại các Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQCP cho thấy rằng hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp chưa được thực hiện.

Do vậy 8 năm qua, kết quả cải cách đăng ký tài sản ở nước ta chậm chuyển biến và cách xa mục tiêu Chính phủ đề ra. Trong 10 lĩnh vực của môi trường kinh doanh thì đăng ký tài sản là lĩnh vực chậm chuyển biến nhất cùng với hai lĩnh vực thuộc trách nhiệm của cơ quan tư pháp, đó là giải quyết tranh chấp hợp đồng và giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Ông Fred McMahon, Cchủ trì nghiên cứu về tự do kinh tế Viện Fraser (Canada) cho rằng, tự do kinh tế, hay còn hiểu là hiệu quả thị trường ở Việt Nam, bị giới hạn nhiều bởi yếu tố. Trong đó đáng chú ý là quyền tài sản chưa được bảo đảm; tồn tại nhiều trở ngại trong thực hiện giao dịch thương mại quốc tế; cũng như những rào cản, bất cập về thể chế (quy định) đối với các hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó, việc quan tâm đến chỉ số tự do kinh tế tương đối cần thiết với Việt Nam. Các chỉ số về tự do kinh tế đóng góp quan trọng vào việc hoạch định chính sách. Đây là thời đại của thương mại tự do toàn cầu, các nền kinh tế thị trường đã mang lại những lợi ích to lớn cho nhân loại.

Còn theo bà Nguyễn Minh Thảo, chuyên gia về Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mặc dù đã có sự cải thiện nhờ sự quyết liệt của Chính phủ trong những năm gần đây, cụ thể, giai đoạn 2014-2015, Chính phủ đã đưa ra 40 văn vản chỉ đạo về cải thiện môi trường kinh doanh, vì thế các bộ, ngành đã có sự vào cuộc, nhiều điều kiện kinh doanh được cắt giảm.

Tuy nhiên, bà Nguyễn Minh Thảo nhận thấy: "Từ năm 2020 đến nay, có thể do tác động của dịch bệnh nên tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị chững lại".

Trước bối cảnh đó, TS. Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng CIEM khuyến nghị, cần thực hiện truyền thông mạnh mẽ và hiệu quả về sự cần thiết phải đẩy mạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh để phục hồi và duy trì tăng trưởng cao và bền vững.

TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định: "Việt Nam cần nhấn mạnh tới những khó khăn, thách thức hiện tại đối với cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ra, cần truyền thông mạnh mẽ về những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, những nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương, các thực tiễn tốt trong cải cách cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh..."