Trước thềm kỳ họp thứ 11 của Quốc hội (khai mạc ngày 24/3), Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có văn bản trả lời cử tri về tình hình vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ.
BizLIVE tóm lược một số nội dung liên quan từ ý kiến cử tri và trả lời của NHNN.
CỬ TRI LO LẮNG
Gửi kiến nghị đến Quốc hội, cử tri một số tỉnh cho rằng, thời gian qua, tình hình tham nhũng, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng trở thành vấn đề rất đáng lưu ý với tính chất ngày càng tinh vi, phức tạp; sự suy thoái đạo đức của cán bộ thực thi nhiệm vụ, một số vụ vi phạm có tổ chức, hành vi vi phạm ngày càng nghiêm trọng.
Cử tri đề nghị ngành ngân hàng có giải pháp hiệu quả hơn trong quản lý tiền tệ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan thực hiện có kết quả các biện pháp đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng.
Trả lời kiến nghị nêu trên, NHNN khẳng định, thời gian qua, ngành ngân hàng đã tích cực triển khai thực hiện nhiều biện pháp nhằm phòng chống, ngăn ngừa, phát hiện, xử lý kịp thời những vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng.
Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, do tính chất nhạy cảm, phức tạp của lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngành ngân hàng vẫn tiếp tục phát sinh những vụ việc sai phạm.
Các sai phạm này xuất phát từ hai nhóm nguyên nhân cơ bản.
Nhóm thứ nhất là nguyên nhân chủ quan từ phía tổ chức tín dụng (TCTD) và cán bộ, nhân viên gồm có hệ thống quản trị, kiểm soát, kiểm toán nội bộ của một số TCTD chưa được củng cố thường xuyên, dẫn đến sơ hở trong quản lý, điều hành; các chính sách, quy định quản lý, kiểm soát nội bộ, các quy trình, thủ tục nghiệp vụ của một số TCTD còn bất cập, chưa chặt chẽ (đặc biệt là trong hoạt động cấp tín dụng, thẩm định cho vay, đầu tư tài chính, thanh toán, chuyển tiền) dẫn đến các đối tượng bên ngoài lợi dụng để gây thiệt hại cho TCTD.
Một số TCTD chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của NHNN về bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động, nhất là các quy định về bảo đảm an toàn kho, quỹ, giao dịch tiền mặt. Một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng lợi dụng chức vụ, quyền hạn tham ô, tham nhũng, biển thủ công quỹ, câu kết với các đối tượng bên ngoài để phạm tội. Phương tiện chống lại tội phạm công nghệ cao tấn công từ ngoài của các ngân hàng còn hạn chế…
Trong nhóm nguyên nhân thứ hai là khách quan từ thực trạng kinh tế - xã hội và các đối tượng tội phạm khác, NHNN nêu các nguyên nhân do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu giai đoạn trước nên những yếu kém, tồn tại của nền kinh tế nước ta nói chung, các TCTD nói riêng đã dồn tích lại từ lâu, nay bộc lộ đầy đủ, rõ ràng. Điều này đã làm nảy sinh ngày càng nhiều vi phạm trong lĩnh vực kinh tế, trong đó ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn các loại tội phạm cũng như những cán bộ ngân hàng thoái hóa biến chất, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, tham nhũng và có các hành vi vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, trong nhiều vụ việc, khách hàng vay có hành vi lừa đảo, cố ý làm trái, giả mạo giấy tờ, con dấu, cung cấp thông tin thiếu trung thực để chiếm đoạt tiền của ngân hàng.
Nhiều khách hàng vay vốn cố ý sử dụng vốn sai mục đích, dùng tài sản bảo đảm cho nhiều nghĩa vụ nợ khác nhau không hợp pháp. Những khó khăn trong sản xuất kinh doanh khiến cho nhiều khách hàng vay chây ỳ, không trả nợ cho ngân hàng, thậm chí có động cơ chiếm dụng tài sản của ngân hàng.
Mặt khác, NHNN được Chính phủ giao nhiều nhiệm vụ hết sức quan trọng và nặng nề, đặc biệt là các nhiệm vụ về cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu. Trong điều kiện hành lang pháp lý chưa đồng bộ, nguồn lực triển khai các nhiệm vụ được giao còn hạn chế, đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả và chất lượng công tác thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm trong ngành Ngân hàng.
10 NHÓM HÀNH VI VI PHẠM PHỔ BIẾN
Tại văn bản trả lời, NHNN cũng đề cập tình hình thực hiện các giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian qua.
Theo đó, qua công tác quản lý nhà nước về hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng và kết quả điều tra, xét xử các vụ án liên quan đến lĩnh vực ngân hàng trong thời gian qua và trên cơ sở tổng kết thực tiễn hoạt động ngân hàng, NHNN đã tổng hợp và phân loại thành 10 nhóm hành vi vi phạm phổ biến.
Để quán triệt và cảnh báo trong toàn hệ thống, ngày 11/10/2017, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-NHNN về tăng cường phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định tiền tệ, tài chính (Chỉ thị số 07/CT-NHNN).
Theo đó, NHNN đã yêu cầu chủ tịch HĐQT/hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) các TCTD khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra và có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định pháp luật; rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định, quy trình nội bộ, bảo đảm minh bạch, chặt chẽ, không tạo sơ hở để lợi dụng, sai phạm.
Triển khai Chỉ thị số 07, các TCTD đã xây dựng chương trình hành động và kế hoạch triển khai thực hiện trong toàn hệ thống: phổ biến, quán triệt tới toàn thể cán bộ, người lao động nội dung Chỉ thị số 07; phổ biến các hành vi vi phạm qua công tác thanh tra, kiểm tra, quán triệt nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, nâng cao đạo đức nghề nghiệp và thông tin cho cán bộ, nhân viên về những phương thức, thủ đoạn, vi phạm mới; vận động cán bộ, nhân viên tích cực tham gia phòng, chống, ngăn ngừa, phát hiện, tố giác vi phạm pháp luật, vi phạm các quy định của TCTD.
Biện pháp tiếp theo là tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát toàn diện các mặt hoạt động tại các TCTD, tăng cường kiểm tra đột xuất để phòng ngừa, phát hiện và xử lý sớm các hành vi vi phạm; báo cáo kịp thời các hành vi vi phạm theo quy định để khắc phục, chỉnh sửa kịp thời; đề xuất cấp có thẩm quyền có hình thức xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị có trách nhiệm liên quan tới sai phạm.
Hệ thống bước đầu thực hiện công bố công khai, minh bạch, chính xác thông tin về sở hữu, tình hình tài chính, cơ cấu quản lý, quản trị rủi ro và quản trị công ty theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; ban hành đầy đủ các quy định, hướng dẫn nội bộ và quy định quản lý hồ sơ tài sản bảo đảm và các hồ sơ khác; rà soát, sửa đổi các quy định nội bộ về tiền gửi, tiền vay, bảo mật thông tin khách hàng; thực hiện kiểm tra, đối chiếu giao dịch hàng ngày bảo đảm ngăn ngừa việc cán bộ, nhân viên lợi dụng, chiếm đoạt tài sản của khách hàng.
NHNN tổ chức giám sát chặt chẽ, thường xuyên chỉ đạo, yêu cầu, đôn đốc các TCTD thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 07/CT-NHNN; định kỳ hằng năm, xây dựng báo cáo đánh giá công tác đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động ngân hàng trên toàn hệ thống.
Bên cạnh đó, trước những diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, trong thời gian qua, NHNN đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm, vi phạm pháp luật.
Cụ thể như: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, nâng cao vai trò, hiệu quả quản lý nhà nước và chỉ đạo điều hành của NHNN trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng; nâng cao chất lượng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng; chỉ đạo, yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và TCTD quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của NHNN trong việc ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động ngân hàng, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
NHNN cũng tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống các TCTD, nâng cao trật tự, kỷ cương và hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, quản lý nhà nước trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng...
TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ
Về giải pháp trong thời gian tới, tại văn bản trả lời, NHNN cho biết, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục tập trung triển khai một số giải pháp phòng, chống, ngăn ngừa vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.
Cụ thể là tăng cường công tác thanh tra, giám sát, đấu tranh phòng, chống tội phạm để kịp thời phát hiện các rủi ro, sai phạm trong hoạt động của các TCTD và có các biện pháp xử lý nghiêm minh, đúng thẩm quyền và đúng quy định pháp luật.
Thường xuyên chỉ đạo giám đốc và chánh thanh tra, giám sát NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý TCTD trên địa bàn và chịu trách nhiệm nếu TCTD xảy ra sai phạm.
Thường xuyên rà soát các quy định pháp luật để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện theo hướng quy định chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, không để sơ hở để tổ chức, cá nhân có thể lợi dụng và cố tình sai phạm.
Chỉ đạo, chấn chỉnh các TCTD nâng cao chất lượng quản trị, điều hành, rà soát các quy định, quy trình nội bộ, tăng cường trình độ, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật để điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân sai phạm.
Tiếp tục thực hiện nghiêm túc việc tăng cường công tác an ninh, an toàn tại các điểm giao dịch, phòng ngừa tội phạm cướp tiền tại ngân hàng, đảm bảo an toàn kho quỹ, giao dịch tiền mặt; chú trọng đến công tác an ninh, an toàn hệ thống thông tin để phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, lừa đảo khách hàng của các ngân hàng trên không gian mạng.
Cơ quan trả lời kiến nghị cử tri cũng cho biết sẽ tăng cường hơn nữa sự phối hợp công tác, chia sẻ thông tin giữa NHNN và các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan chức năng trong việc phát hiện, cảnh báo và xử lý các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng; tích cực chủ động và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các sai phạm, vi phạm pháp luật, tham nhũng của các tập thể và cá nhân trong ngành.
Bizlive
Link nguồn: https://cafef.vn/vi-sao-phat-sinh-nhieu-vu-viec-trong-linh-vuc-ngan-hang-20210313110652368.chn