Ngày 5/12, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị "Kết nối tiêu thụ sản phẩm Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)".
Chương trình OCOP được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 7/5/2018 với 3 mục tiêu: Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh; chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Qua hơn 5 năm thực hiện, đến nay cả nước đã có 63/63 tỉnh, thành phố đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP. Đã có 10.322 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 67,3% sản phẩm 3 sao, 31,2% sản phẩm 4 sao, 0,8% sản phẩm tiềm năng 5 sao và 42 sản phẩm 5 sao. Bên cạnh đó, đã có 5.361 chủ thể OCOP, trong đó có 38,1% là hợp tác xã, 24,2% là doanh nghiệp, 34,9% là cơ sở sản xuất/hộ kinh doanh, còn lại là tổ hợp tác.
Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: Vùng Đồng bằng sông Hồng chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.
Sản phẩm phải tinh tuý khi đến tay người tiêu dùng
Chia sẻ thông tin tại hội nghị, ông Đặng Quý Nhân cho biết, OCOP là đặc sản của địa phương nên sản phẩm có thể là "độc nhất vô nhị" và phải tinh túy khi đến tay người tiêu dùng.
So sánh với một nước đi đầu trong phát triển sản phẩm OCOP là Nhật Bản, ông Đặng Quý Nhân đặt vấn đề: "Tại sao bánh Mochi của Nhật Bản lại trở thành đặc sản và ngon, ngọt, mềm, thơm đến thế. Bánh vẫn được làm từ bột gạo nếp, tương tự như chiếc bánh dày của Việt Nam nhưng cách làm khác nhau tạo nên chất lượng, giá trị sản phẩm khác nhau".
Một ví dụ khác là sản phẩm chè, cùng một loại chè nhưng chè Việt Nam uống có vị đắng rõ rệt hơn chè của Nhật Bản.
"Cùng là thu hoạch từ tháng 7 hàng năm nhưng chè của Việt Nam hái 10 ngày 1 lứa nên rất đắng. Chè của Nhật đến khi được thu hoạch thì được che tối, 2 tháng mới hái một lần nên trà rất ngon. Điều đó cho thấy sản phẩm OCOP của Việt Nam phải cải tiến rất nhiều để cho chất lượng tốt hơn", ông Đặng Quý Nhân nói.
Hay với sản phẩm mì gạo, đại diện Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho rằng, không thể chấp nhận bó mì OCOP buộc bằng dây lạt.
"Người bán nói rằng do giá rẻ lắm nên không thể làm bao bì, đóng gói khác nhưng tôi không cho là vậy. OCOP là đặc sản địa phương, có thể là độc nhất vô nhị nhưng sản phẩm làm ra phải tinh túy.
20 năm trước ngành chè đựng chè trong túi nilong trắng theo cân nhưng giờ họ đã thay bằng bao bì khác. Chè trong túi nilong trắng sẽ bị oxy hóa khi gặp ánh sáng nên phải bao bì tối và không phải đóng theo 1 cân mà giờ là 1 ấm. Đây là một tiến bộ của ngành chè mà các ngành khác cũng phải học", ông Đặng Quý Nhân cho hay.
Khách cần được trải nghiệm sản phẩm
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Hoa Quân, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam (Bộ VH-TT&DL) cho biết, Việt Nam đón khoảng 120 triệu khách du lịch mỗi năm. Hiện nay, khách du lịch có xu hướng tự tìm tour trên các ứng dụng trực tuyến và thích khám các vùng quê. Đây là cơ hội cho các sản phẩm OCOP.
"Cùng là trà hay hoa quả sấy, nếu chỉ bày trên kệ thì không hấp dẫn. Khách du lịch cần có được trải nghiệm và chứng kiến cách làm, cách đảm bảo vệ sinh. Mặc dù cả nước có hơn 10.000 sản phẩm OCOP nhưng các điểm tập trung sản phẩm OCOP chưa nhiều, điểm phục vụ khách du lịch lại càng hiếm", ông Hoàng Hoa Quân nói.
Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Bộ Công Thương đã xây dựng được cơ sở dữ liệu về các sản phẩm OCOP và hệ thống các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn cả nước thông qua chuyên mục về Chương trình OCOP tại trang thông tin điện tử http://sanphamvungmien.vn.
Cùng với đó, Bộ Công Thương đã xây dựng tiêu chí điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP là căn cứ để địa phương xây dựng điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Bộ Công Thương đã cấp kinh phí và trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ 25 địa phương (21 địa phương trong giai đoạn 2019-2020 và 4 địa phương trong năm 2023) xây dựng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn.
Một số địa phương bằng nguồn kinh phí của mình đã triển khai xây dựng các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP theo tiêu chí của Bộ Công Thương và với bộ nhận diện điểm bán thống nhất như: Hà Nội (hơn 85 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn gần 30 quận, huyện, thị xã), Quảng Ninh (30 trung tâm và điểm bán hàng OCOP), Bắc Kạn (10 điểm), Bến Tre (12 điểm), Thanh Hóa (05 điểm)….
Ngoài ra, sản phẩm OCOP cũng được tiêu thụ qua các sàn thương mại điện tử hay thông qua các hoạt động văn hóa - du lịch..