Vàng có tuần tăng giá mạnh nhất 7 tuần bất chấp nhà đầu tư "nhòm ngó" các kênh đầu tư khác

Dù còn nhiều trở ngại nhưng thị trường vàng vẫn có một tuần khởi sắc ngoài dự báo...

Giá vàng trong phiên giao dịch cuối tuần (12/3) tăng sau khi USD yếu đi và thị trường chứng khoán giảm điểm, mặc dù lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Đà tăng của phiên này góp phần đẩy giá trong tuần qua tăng mạnh nhất trong 7 tuần, dù các nhà đầu tư bắt đầu “nhòm ngó” đến những địa chỉ đầu tư khác ngoài vàng.

Kết thúc phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,2% lên 1.724 USD/ounce, dù trong phiên có lúc giá giảm 1,4%; tính chung cả tuần giá vẫn tăng 1,4% - nhiều nhất trong vòng 7 tuần. Giá vàng kỳ hạn tháng 4/2021 kết thúc phiên cuối tuần ở mức giảm 0,2% xuống 1.719,8 USD/ounce.

Bart Melek, người phụ trách mảng chiến lược hàng hóa của TD Securities cho biết: "(Chỉ số) đồng USD đã suy yếu một chút khi giảm từ khoảng 92 xuống còn hơn 91,6". Theo ông: "Có một chút rủi ro về mặt tâm lý, và tôi nghi ngờ ngưỡng giá tâm lý 1.700 USD khi mọi người chưa thực sự sẵn sàng để tạo động lực cho thị trường vàng hồi phục".

Các nhà phân tích của Capital Economics cho biết: "Với nhu cầu vàng vật chất đang rất thấp, chúng tôi nghi ngờ (vào triển vọng giá vàng), có thể xuống dưới 1.600 USD/ounce trong năm nay", và "Với việc dự báo giá kim loại công nghiệp sẽ giảm vào cuối năm nay thì chúng tôi sẽ không ngạc nhiên nếu giá bạc cũng giảm tương tự như giá vàng".

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã tăng lên 1,642%, mức cao nhất trong vòng hơn một năm. Trong khi đó, chỉ số đồng USD gần đây tăng khá nhiều khiến vàng trở nên không hấp dẫn đối với những người mua vàng bằng những loại tiền tệ khác.

Dĩ nhiên, những nhà đầu tư xem vàng như một tài sản an toàn khi xảy ra lạm phát có thể vẫn mua vàng vào khi vẫn còn những biện pháp kích thích kinh tế, nhưng lợi suất trái phiếu kho bạc tăng rõ ràng làm giảm sức hấp dẫn của vàng vì vàng vốn không sinh lời bằng hình thức lãi suất.

Tổng thống Mỹ, Joe Biden, hôm 11/3 đã ký dự luật gói kích thích kinh tế trị giá 1,9 nghìn tỷ USD thành Luật và cho biết ông đang nỗ lực để đưa nước Mỹ trở lại bình thường vào ngày 4/7.

Việc gói kích thích khổng lồ này được thông qua cùng với tiến độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 được thúc đẩy khiến triển vọng nền kinh tế Mỹ trở nên tươi sáng hơn nhiều so với dự đoán vào đầu năm nay.

Điểm đáng chú nhất của gói cứu trợ này là các khoản trợ cấp trực tiếp lên tới 1.400 USD cho hầu hết những người Mỹ trưởng thành, sẽ kích thích chi tiêu của người tiêu dùng – là động lực kinh tế quan trọng trong năm nay. Kinh tế Mỹ tăng trưởng sẽ khiến vàng bị lu mờ giữa nhiều danh mục đầu tư khác.

Trên thực tế, các nhà đầu tư đã rút tiền ra khỏi vàng từ nhiều tuần nay. Số liệu của Hội đồng Vàng thế giới (WGC) cho thấy lượng vàng do các quỹ hoán đổi (ETF) nắm giữ đã giảm 84,7 tấn, trị giá 4,6 tỷ USD trong tháng 2/2021.

Lượng vàng các quỹ ETF nắm giữ là "chỉ báo" về kinh tế, Theo đó, khi cuộc khủng hoảng Covid-19 lên cao trào, dòng tiền chảy vào các quỹ này đã tăng nhanh chóng bởi nhà đầu tư coi vàng là tài sản an toàn giữa bối cảnh các ngân hàng trung ương tràn ngập tiền, lợi suất trái phiếu giảm khiến vàng dù không sinh lời nhưng vẫn mặc nhiên trở nên hấp dẫn. Động thái đó đẩy giá vàng lên cao kỷ lục 2.072,5 USD/ounce vào tháng 8/2020.

Tuy nhiên, dòng tiền đã chảy mạnh ra khỏi các quỹ này vào tháng 11 và 12/2020. Đến cuối tháng 2/2021, các quỹ chỉ còn nắm giữ 3.681 tấn vàng, trị giá 207 tỷ USD.

Với tình hình hiện tại, dự báo giá vàng trong thời gian tới sẽ có xu hướng giảm. Tuy nhiên, trong ngắn hạn (tuần tới), xu hướng biến động giá sẽ chưa rõ rệt như trong tuần vừa qua.

Tham khảo: Reuters

Vũ Ngọc Diệp

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị