Những nỗi đau đến từ định kiến

Chỉ vì không có sự lắng nghe, thấu hiểu và sẻ chia, nhiều cái chết thương tâm đến khi còn quá trẻ. Trước đây, cộng đồng mạng từng xôn xao trước cái chết dại dột của đôi bạn trẻ Trần A. và Tú A., tự tử trong một nhà nghỉ trên phố Ngô Quyền (Hà Đông, Hà Nội). Thực chất, Trần A. và Tú A. là một cặp đôi đồng tính nữ. Trong quan hệ tình cảm, Trần A. là “chồng”, còn Tú A. là “vợ”. Do áp lực từ nhiều phía, cặp đôi này đã phải chọn cách giải quyết tồi tệ nhất là tự tử để kết thúc cuộc đời khi còn quá trẻ. 

Trước hiện trạng xót xa đó, chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247 cũng chia sẻ một vài câu chuyện tương tự: “Xã hội ngày càng phát triển, những vấn đề nóng của xã hội cũng ngày càng được biết đến nhiều hơn, trong đó có nhóm người thuộc cộng đồng LGBT. Tuy nhiên theo thống kê tại trung tâm tư vấn tâm lý 247 trong 5 năm qua, tiếp cận 350 trường hợp thuộc nhóm LGBT, thì có 315 trường hợp chịu áp lực lớn từ chính gia đình của mình.

Một thực tế ở hiện tại, xã hội Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền bình đẳng, tôn trọng cuộc sống của nhóm người thuộc cộng đồng LGBT. Còn thực tế đa số vẫn mang tâm lý kỳ thị, gia đình thì tạo áp lực rất lớn”.

Vị chuyên gia tâm lý phân tích: “Trong quá trình hỗ trợ tâm lý, tôi có gặp một bạn trẻ 25 tuổi thuộc nhóm cộng đồng LGBT. Mặc dù bạn trẻ đã rất dũng cảm tìm đến trung tâm nhưng trong 4 tiếng hỗ trợ tư vấn, 1 tiếng đầu tiên bạn ấy gần như không dám chia sẻ gì. Sau khi bạn trẻ cảm nhận được sự an toàn từ phía chuyên gia không phán xét gì con người của mình thì mới bắt đầu bộc bạch những áp lực, khó khăn từ chính bố mẹ, anh chị em và xã hội đang đè lên mình.

Văn hoá - Tự tử vì đồng tính: Hồi chuông cảnh báo nỗi bất hạnh từ định kiến

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247 chia sẻ câu chuyện áp lực giới tính từng "gỡ rối".

Bố mẹ bắt mặc váy, đánh phấn, để tóc dài cho giống con gái… tất cả những sự yêu thương không đúng cách đó đều là áp lực con mình phải chịu đựng. Rồi khi bước ra ngoài, mọi người nhìn mình với ánh mắt phán xét, xì xào...”.

“Hầu hết các ca tôi từng gặp các bạn trẻ đều cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn trong chính gia đình và xã hội. Họ thường xuyên nghĩ đến việc giải thoát cuộc sống của mình”, anh nhấn mạnh.

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển cũng bày tỏ: “Tôi cũng khá “sốc” khi nghe những câu chuyện tự tử khi tuổi đời còn quá trẻ, chỉ vì sinh ra không được gia đình và xã hội chấp nhận giới tính thật sự mà bị trầm cảm dẫn đến tự tử.

Có lẽ, trước đây, câu chuyện giới tính của nhiều người vẫn được giữ kín hoặc thể hiện một cách nhẹ nhàng. Nhưng sau những vụ tự tử khiến dư luận bàng hoàng, giống như cộng đồng người LGBT đang muốn nói lên tiếng nói, bộc lộ để đòi quyền lợi của bản thân, nhưng gặp những rào cản quá lớn từ chính gia đình, xã hội nên thất bại, và phải đưa ra quyết định đau lòng…”.

Ngăn những nỗi đau

PGS.TS Lê Quý Đức cũng cho rằng: “Đã đến lúc, chúng ta phải nhìn nhận một cách “rộng mở” hơn. Bản thân những người thuộc cộng đồng LGBT đã phải chịu thiệt thòi khi sinh ra không được sống với con người thật, đó cũng có thể xem như một nỗi bất hạnh.

Chính vì thế, cần phải thay đổi nhận thức, không thể để những định kiến quá lớn lao từ trước ảnh hưởng đến cuộc sống, hạnh phúc của những người trong cộng đồng LGBT. Họ cũng là những công dân, có những quyền lợi chính đáng, được nói lên tiếng nói và được mưu cầu hạnh phúc… Thay vì kỳ thị và phân biệt, chúng ta hãy học cách bảo vệ họ”.

Văn hoá - Tự tử vì đồng tính: Hồi chuông cảnh báo nỗi bất hạnh từ định kiến (Hình 2).

PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng viện Văn hóa và phát triển.

Chuyên gia tư vấn tâm lý Lê Văn Thắng cho rằng: “Tôi nghĩ rằng, để tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra thì yếu tố quyết định nhất chính là những người trong cuộc (cộng đồng LGBT), họ cần nhận thức rõ về bản thân mình. Họ là một công dân, họ có quyền được sống và làm việc theo pháp luật, chứ không phải sống vì dư luận”.

“Theo thống kê những khó khăn nhóm người thuộc cộng đồng LGBT tại trung tâm đã được hỗ trợ, tôi nhận thấy rằng để giúp cho cuộc sống của họ tốt hơn thì điều đầu tiên chính là gia đình cần hiểu được vấn đề này, chấp nhận con người thật của con mình, để sát cánh bên con, bảo vệ con.

Phụ huynh khi nhận thấy con mình không “ổn” thì nên liên lạc tới các trung tâm tư vấn tâm lý để được tư vấn cách ứng xử với con, cũng như hỗ trợ cho chính con mình.

Đối với xã hội, cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao sự hiểu biết về vấn đề này. Đồng thời, các cơ quan luật pháp có thể đưa ra những quy định về pháp lý để bảo vệ họ”, Giám đốc trung tâm tư vấn tâm lý 247 nhấn mạnh.