Phát biểu tại Hội thảo "Một triệu căn nhà ở xã hội: Giải pháp nâng cao khả năng thụ hưởng cho người thu nhập thấp" do báo Nông thôn Ngày nay/ Dân Việt điện tử tổ chức ngày 28/6 tại Hà Nội, nhiều chuyên gia kinh tế đã chỉ ra những hạn chế, vướng mắc trong chính sách để hiện thực hóa mục tiêu nhà ở cho hàng triệu người thu nhập thấp.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng: Cả chục năm nay chúng ta nói về nhà ở xã hội nhưng thực tế trong suốt thời gian phải nói thẳng rằng... không thành công.

TS Vũ Đình Ánh: "Không ngạc nhiên khi nhiều người lái ô tô đi mua nhà ở xã hội" - Ảnh 1.

TS Vũ Đình Ánh, chuyên gia tài chính, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý giá (Bộ Tài chính) (Ảnh: Viết Niệm).

Và nhìn lại vì sao lại như vậy? Có lẽ chỉ dùng một từ thôi đó là "loay hoay" trong câu chuyện gỡ vướng. Tôi khẳng định rằng, chắc chắn không gỡ được và càng gỡ sẽ càng vướng!

Thứ nhất đó là vấn đề thời gian, hiện chúng ta chỉ còn khoảng 5-6 năm thực hiện, 1 triệu căn là một chương trình, tôi dự tính phải khoảng 1 triệu tỷ đồng. Mà triển khai trong 5- 6 năm với cách thức quản lý, triển khai như hiện tại là không thể thực hiện nổi.

Thứ hai, nếu chúng ta tiếp tục thực hiện thì thực hiện được bao nhiêu, tỷ lệ sai phạm tăng lên bấy nhiêu. Chúng ta vẫn lúng túng trong câu chuyện vị thế của nhà nước, cơ quan nhà nước là thế nào?

Theo ông Ánh, chúng ta chưa giải quyết được vấn đề căn cốt nhất trong chương trình nhà ở xã hội là mua-bán. Kéo theo câu chuyện tín dụng, vay thì không có tiền.

"Chúng ta đang làm chính sách cho người thu nhập thấp nhưng đối tượng hướng đến lại là những người không thu nhập thấp. Bởi vậy, không ngạc nhiên khi thấy nhiều người lái ô tô đi mua nhà ở xã hội", TS Ánh nói.

Theo ông này phải làm rõ vấn đề là mua-bán, hay cho thuê hay thuê-mua. Mỗi một hình thức này sẽ kéo theo một loạt các vấn đề khác đi theo. Ông Ánh cho rằng hiện tại đang chuyện phân cấp chính sách cho chính quyền địa phương chứ không có chính sách thống nhất từ trên xuống dưới, dẫn đến có hiện tượng "thích thì làm, không thích thì thôi".

Vì vậy, để chương trình 1 triệu nhà ở thành công, TS Vũ Đình Ánh cho rằng cần phải thay đổi toàn bộ thể chế chứ không thể loay hoay vài vấn đề nhỏ lẻ như hiện nay.

Không có đột phá, khó có khả thi 1 triệu căn nhà ở xã hội

Tại hội thảo, PGS, TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính khẳng định với những cách làm hiện nay, xây dựng nhà ở xã hội sẽ gặp muôn vàn khó khăn. Theo ông Cường, để giải quyết câu chuyện nhà ở xã hội, cần phải chia sẻ lợi ích, tham gia sâu của ba bên, trong đó có nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

TS Vũ Đình Ánh: "Không ngạc nhiên khi nhiều người lái ô tô đi mua nhà ở xã hội" - Ảnh 2.

PGS, TS Vũ Sỹ Cường, chuyên gia phân tích tài chính, Học viện Tài chính (Ảnh: Viết Niệm)

Với vai trò nhà nước, hiện chúng ta mới chỉ làm một thứ là miễn giảm thuế đất, còn chúng ta chưa miễn giảm thuế và phí. Với doanh nghiệp, chúng ta đừng kỳ vọng ngân hàng thương mại họ làm tốt, bởi không ai trông vào lợi nhuận khi làm nhà ở xã hội. Nếu không có lợi ích kèm theo khác, doanh nghiệp khó làm, bản thân doanh nghiệp làm nhà ở xã hội không phải là làm kiểu từ thiện, nếu họ làm thì cũng cần có chính sách thuế khác khuyến khích, chứ không phải chính sách chung chung như hiện nay.

Ông Cường lấy ví dụ: "Doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cần có mặt bằng đất sạch, địa phương cần giao đất sạch cho họ. Rồi tiếp sau là miễn giảm các loại thuế, phí liên quan...", ông Cường nói.

Đối với người dân, là đối tượng, khách hàng, ông Cường cho rằng: "Lâu nay chúng ta đang hiểu nhà ở xã hội đang quá đơn giản, là nhà ở xã hội chỉ dành cho người thu nhập thấp. Tại sao lại chỉ giới hạn như vậy? trong khi nhóm đối tượng người thu nhập trung bình cũng cần có nhà ở. Vậy chúng ta cần thiết phải quy định nhóm nào được tham gia mua nhà ở xã hội để phổ cập thêm phạm vi, khách hàng, nhằm hỗ trợ người dân", ông Cường phân tích.

Ông Cường cho rằng, không có chính sách phân biệt ưu đãi khiến hạn chế về phạm vi khiến nhà ở xã hội đang đi vào đường hẹp. "Chúng ta cần có chính sách, người có mức thu nhập từ trung bình, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi thấp hơn. Người có mức thu nhập thấp, khi mua nhà ở sẽ được hưởng ưu đãi cao hơn và người ưu tiên đặc biệt sẽ được hưởng mức ưu đãi đặc biệt, trong đó có lãi suất và thời gian vay", ông Cường nói.

 

 An Linh-Ong Lý