Ngày 25/7, Thời báo Ngân hàng tổ chức Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp".

TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho biết: Năm 2020 – 2021, tăng trưởng kinh tế Việt Nam dường như không đồng điệu so với kinh tế thế giới và chủ yếu rơi vào nhóm chính sách: chính sách giãn cách xã hội, phòng tránh dịch bệnh của mỗi quốc gia và quy mô, cách thực hiện gói hỗ trợ chưa từng có trên thế giới. Do đó, tăng trưởng của mỗi quốc gia trong thời kỳ này đều khác nhau.

Mặc dù năm 2020, tăng trưởng kinh tế Việt Nam thấp nhưng vẫn là một "ngôi sao sáng" thì sang năm 2021, tăng trưởng kinh tế như một "ngôi sao đang rơi" trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi mạnh.

Năm 2022, trái ngược với nền kinh tế thế giới suy giảm, nền kinh tế Việt Nam phục hồi rất tốt. Tuy nhiên, con số 8% che đậy sự khó khăn của nền kinh tế Việt Nam từ giữa quý III/2022. Nên nếu nói đúng, từ quý III/2022 đến nay, thậm chí là tới 2024, kinh tế Việt Nam có thể khá đồng điệu với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới.

Những dự báo gần đây nhất, cùng với chữ "suy giảm" thì góc nhìn giai đoạn tháng 6 – 7 này đối với kinh tế trong nước và thế giới, mức nhích lên của năm 2024 đều là cái nhìn "ít lạc quan".

Đặc biệt với Việt Nam, tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong phần lớn các dự báo 1 tháng gần đây đều trong khoảng dưới 5% - 5,5%. Vậy nên, mục tiêu tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức 6% là vô cùng khó khăn.

TS. Võ Trí Thành: Lãi suất không phải "liều thuốc vạn năng" - Ảnh 1.

TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Trong hội thảo, TS. Võ Trí Thành đã chỉ ra 2 "cơn gió ngược" cùng những bất định, rủi ro từ bên ngoài với kinh tế Việt Nam. Cơn gió ngược thứ nhất đến từ sự suy giảm kinh tế thế giới, các đối tác thương mại, đầu tư chính của Việt Nam và mức độ phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc.

"Cơn gió ngược" thứ 2 là các điều kiện tài chính tiền tệ chưa bao giờ "ngặt nghèo" như hiện nay: lãi suất, sức ép lên tỷ giá, lạm phát. Nhưng theo TS. Võ Trí Thành, "cơn gió ngược" thứ 2 có thể sẽ dịu đi do lạm phát đã qua đỉnh và giảm nhanh hơn rất nhiều so với kỳ vọng. Các chính sách tiền tệ dần dần sẽ nhẹ nhàng hơn. Đặc biệt, ngày mai (26/7) có thể là lần tăng lãi suất cuối cùng trước khi giữ nguyên hoặc giảm của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) và tăng tối đa 0,25%.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn là dấu hỏi lớn. Đặc biệt, hiện nay, giá hàng hóa, lương thực, gạo… tăng mạnh. Nguyên nhân do cuộc chiến Ukraine và Nga, Ukraine không xuất khẩu ngũ cốc, một số nước tăng cường an ninh lương thực…

Bên cạnh đó, TS. Võ Trí Thành còn chỉ ra những rủi ro, bất định khác như: biến đổi khí hậu, xung đột địa chính trị, cạnh tranh nước lớn, nợ tài chính…

Không chỉ vậy, bên trong nền kinh tế Việt Nam còn có 2 vòng xoáy "nặng nhất": vòng xoáy tài chính - tiền tệ và vòng xoáy kinh tế thực.

"Từ cuối năm ngoái, chúng ta vấp phải vấn đề thanh khoản, vấn đề về bảng cân đối tài sản của nhiều ngân hàng, áp lực tỷ giá, sự rung lắc của thị trường chứng khoán và trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực bất động sản. Bên cạnh đó, cũng có một số vấn đề liên quan đến cách xử lý. Điều đó dẫn đến niềm tin thị trường sụt giảm", ông Thành cho hay.

TS. Võ Trí Thành: Lãi suất không phải "liều thuốc vạn năng" - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội thảo "Tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp".

6 tháng qua, bằng nỗ lực và sự may mắn, hiện nay, vấn đề tài chính tiền tệ, thanh khoản cơ bản được cải thiện. Áp lực lãi suất, tỷ giá, lạm phát cũng được hạ nhiệt. Chính phủ tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản bằng biện pháp sửa đổi pháp lý, hỗ trợ tài chính – tiền tệ, tái cấu trúc thị trường bất động sản. Tuy nhiên, kết quả ghi nhận còn hạn chế và có lẽ, sẽ phục hồi tốt hơn giai đoạn đầu năm 2024.

Từ quý IV/2022, kinh tế thực giảm sút rõ rệt nhất qua xuất khẩu. Trong suốt quá trình cải cách, chưa bao giờ ghi nhận mức giảm về xuất khẩu thương mại như nửa đầu năm 2023. Dù vậy, bán lẻ và đầu tư công ghi nhận tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng đã có dấu hiệu giảm sút, đề ra một thách thức mới. 

Để thực hiện được mục tiêu GDP cả năm đạt 6%, chúng ta vẫn có thể kỳ vọng vào tình hình thế giới và nỗ lực khắc phục từ bên trong.

Theo TS. Võ Trí Thành, ngoài hy vọng vào tình hình thế giới, chúng ta cần nỗ lực khắc phục từ bên trong, đặc biệt là các chính sách mà Chính phủ đang đặt ra, cố gắng thực hiện như: Kích cầu tiêu dùng, kích cầu tiêu dùng, Đầu tư công… Hơn nữa, ông kỳ vọng xuất khẩu bớt khó khăn.

Chia sẻ về vấn đề hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành chỉ ra những yếu tố ảnh hưởng, trong đó có lãi suất. Nếu lãi suất quá cao, doanh nghiệp không thể vay mượn và ông nhấn mạnh: Lãi suất không phải "liều thuốc vạn năng". Tiếp theo, chúng ta cần khắc phục nền kinh tế tổng thể để doanh nghiệp có cơ hội tiếp xúc, kết nối thị trường, tăng cơ hội kinh doanh bởi "nước nổi, bèo nổi".

Cuối cùng là chính sách nới lỏng nhưng không buông lỏng, không để đồng tiền trở nên dễ dãi. Do đó, ông Thành chia sẻ, cần có một vài mẹo để đạt được kết quả tốt nhất nhưng mẹo linh hoạt để đạt hiệu quả cao, không nên dùng mẹo lách luật.