Thống kê BCTC quý 3/2020 của các ngân hàng cho thấy nợ xấu tăng mạnh trong trong 9 tháng đầu năm cả về con số tuyệt đối và tỷ lệ nợ xấu. Điều này được cho là dễ hiểu khi tăng trưởng tín dụng thấp, trong khi đó doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 nên gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, một trong những thông tin đáng chú ý là nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn cần trích lập 100%) ở nhiều ngân hàng tăng mạnh, có khi lên gấp 3-4 lần so với cuối năm 2019. Cùng với đó là các khoản lãi, phí phải thu trên bảng cân đối kế toán ngân hàng 9 tháng không tăng đáng kể, thậm chí giảm. Điều này rất khác so với kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng vài năm trở lại đây.
Để làm rõ hơn thực trạng nợ xấu và kết quả kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2020, Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu về vấn đề này.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng
Ông đánh giá thế nào về thực trạng nợ xấu ngân hàng 9 tháng đầu năm?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Việc nợ xấu ngân hàng tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm 2020 là điều không ngạc nhiên. Từ đầu năm đến nay nền kinh tế Việt Nam, cũng như cả thế giới chịu tác động nặng nề bởi dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp lao đao, đặc biệt là ngành nghề liên quan tới du lịch, dịch vụ, nghỉ dưỡng, hàng không, giao thông vận tải....Thực tế, không chỉ ở Việt Nam nợ xấu mới tăng mạnh mà đây là thực trạng chung của thế giới.
Ngay từ đầu năm Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Thông tư 01 cho phép các ngân hàng thương mại (NHTM) không phải chuyển nhóm nợ. Nhưng thực tế các ngân hàng cũng chỉ làm trong giới hạn nào đó, vì việc không chuyển nhóm nợ, không trích lập dự phòng sẽ đưa tới 2 rủi ro lớn. Một là ngân hàng không kiểm soát được nợ xấu khi vẽ bức tranh quá tốt đẹp, có thể dẫn tới tình trạng "gậy ông đập lưng ông". Thứ 2 là nếu đã là nợ xấu thì không trích lập bây giờ thì sau này cũng phải trích lập, không thiệt hại bây giờ thì sau này cũng sẽ thiệt hại khi nợ xấu không được cải thiện.
Vì vậy, cho phép các không chuyển nhóm nợ để không phải trích lập dự phòng chưa chắc đã là tốt cho ngân hàng. Dĩ nhiên, trong ngắn hạn thì việc này có lợi về lợi nhuận của ngân hàng, lợi cho khách hàng tiếp tục vay nhưng thực tế đã là nợ xấu thì không trước thì sau cũng phải trả giá.
Cùng với hiện tượng nợ xấu tăng mạnh, đặc biệt là nợ nhóm 5 thì trong bảng cân đối kế toán của các ngân hàng, khoản lãi phí dự thu tăng thấp, không tăng hoặc thậm chí giảm. Ông nhận định thế nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Lãi phí dự thu là con dao hai lưỡi với ngân hàng. Vì nếu lãi dự thu không thu được mà cứ hạch toán làm lợi nhuận thì đến cuối cùng cũng phải thoái lãi dự thu. Nó làm cho lợi nhuận ngân hàng nhìn đẹp hơn nhưng lại không thực chất. Bởi vậy các ngân hàng cần hạch toán hết sức thận trọng với khoản thu này.
Việc nợ xấu tăng cao và lãi dự thu giảm cũng có logic với nhau, khi ngân hàng hạch toán nợ xấu một cách phù hợp thì phải thoái lãi dự thu. Thường thì lãi dự thu giảm thì nhóm 5 sẽ tăng mạnh.
Như vậy có thể nói là các ngân hàng đang cẩn trọng hơn với nợ xấu?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là như vậy. Nợ xấu tăng cao và lãi dự thu chỉ tăng nhẹ hoặc giảm trong 9 tháng đầu năm cho thấy các ngân hàng đang cẩn trọng hơn trong hạch toán lãi dự thu, đưa nợ xấu về đúng nhóm của nó. Điều này tốt cho ngân hàng.
Theo ông nợ xấu sẽ thực sự lộ rõ vào thời điểm nào?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Nợ xấu sẽ thực sự thể hiện rõ và đúng bản chất vào năm 2021. Tôi nghĩ năm nay lợi nhuận ngành ngân hàng vẫn sẽ tốt vì nợ xấu chưa bộc lộ hết. Tuy nhiên, tình hình sẽ trở nên tệ hơn vào năm 2021.
Một trong những thông tin gần đây được đại diện NHNN đưa ra là "nợ xấu 9 tháng đầu năm tăng một phần do yếu tố kỹ thuật", ông bình luận sao về ý kiến này?
TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cái đó cũng đúng, nếu dư nợ xấu tăng mà tổng dư nợ không tăng thì tỷ lệ nợ xấu tăng lên là dễ hiểu. Nhưng thực chất tình hình nợ xấu rõ ràng tệ hơn năm 2019 nhiều và sẽ tiếp tục tác động, tăng trong năm 2021.
Nhà đầu tư
Link nguồn: https://cafef.vn/ts-nguyen-tri-hieu-ngan-hang-da-can-trong-hon-voi-no-xau-20201101200324803.chn