Nghị quyết 128 của Chính phủ về Nghị quyết của Chính phủ về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả dịch bệnh Covid-19” có hiệu lực từ ngày 11/10 đã đánh dấu bước chuyển lớn trong tư duy, quan điểm chống dịch của Việt Nam.

Theo đó, trên toàn quốc tạm thời không áp dụng Chỉ thị 15, 16 và nhiều hoạt động, cơ sở kinh doanh được mở cửa dù có dịch.

Tuy nhiên, đến ngày 13/10, tại các chốt kiểm soát cửa ngõ ra vào Hà Nội vẫn đang áp dụng theo hình thức kiểm tra cũ, kiểm soát phương tiện người ra vào thành phố theo Chỉ thị 16.

Ở Quảng Ninh, tất cả người từ địa phương khác vào tỉnh phải có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ, ngoài ra, còn có các yêu cầu riêng đối với người đến, về từ các vùng khác nhau.

Trao đổi với Zing, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội), cho rằng những câu chuyện “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc mở đường bay hay nới lỏng các hoạt động sau thời gian dài giãn cách xã hội ở các địa phương đã cho thấy nhiều bất cập.

Áp đặt Zero Covid làm cho hàng loạt vấn đề nghiêm trọng phát sinh

- Chính phủ, Thủ tướng liên tục chỉ đạo việc lưu thông và vận tải phải thống nhất trên toàn quốc, các địa phương không ban hành giấy phép con, không cát cứ. Song, thực tế cho thấy nhiều nơi không tuân thủ, vẫn chọn giải pháp an toàn là đóng cửa. Theo ông, vì sao có thực trạng này?

- Có một loạt vấn đề bất cập ở đây. Thứ nhất là chúng ta đang bị mắc kẹt giữa hai hai chuẩn: Sống chung với dịch và Zero Covid.

Sống chung với dịch và Zero Covid là hai hệ chuẩn khác nhau. Sống chung với dịch nghĩa là coi virus này như một phần của tự nhiên, cho dù không mong muốn vẫn không thể tránh khỏi, giống như không thể tránh khỏi bão lũ, hạn hán hay nhiều loại bệnh tật khác.

Hang loat dia phuong van ap dat Zero Covid anh 1

TS Nguyễn Sỹ Dũng - nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: Hoàng Hà.

Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể giảm thiểu tác hại của Covid-19 như giảm thiểu tác hại của bão lũ, hạn hán. Cách quan trọng nhất là tiêm chủng, sử dụng thuốc, khống chế các ca mắc Covid-19 dưới mức có thể làm hệ thống y tế bị quá tải.

Nếu chúng ta đã làm được những điều trên, hãy yên tâm mà sống và làm việc bình thường. Covid-19 chỉ còn là một thứ bệnh đặc hữu hoàn toàn có thể chữa trị.

Trên thực tế, tỷ lệ tử vong vì Covid-19 đang thấp hơn rất nhiều loại bệnh khác. Ví dụ, trong năm 2020, số người tử vong vì ung thư ở nước ta là gần 123.000. Trong khi đó, khoảng gần 2 năm (2020 và 2021), số người tử vong vì Covid-19 ở nước ta chưa bằng 1/6 con số trên - khoảng 20.000 người.

Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao (rất nhiều địa phương đã đạt được tỷ lệ này) và những người bị phát bệnh được chữa trị kịp thời, đúng cách, tỷ lệ tử vong còn thấp hơn rất nhiều.

"Zero Covid" là loại trừ Covid-19 khỏi cuộc sống. Để làm được điều này phải xét nghiệm, truy vết, chữa trị cưỡng bức hàng chục vạn người, cách ly cưỡng bức hàng trăm nghìn người, phong tỏa diện rộng và dài hạn làm cho hàng chục triệu người bị khốn đốn.

Tuy nhiên, những việc làm như vậy là hoàn toàn vô vọng, khi biến chủng Delta đã lây lan sâu rộng trong cộng đồng. Hơn nữa, đất nước ta đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới, mà thế giới lại chấp nhận sống chung với dịch.

Áp đặt các biện pháp "Zero Covid" làm cho hàng loạt vấn đề kinh tế, xã hội nghiêm trọng phát sinh. Một loạt vấn đề sẽ trở nên to lớn và nghiêm trọng hơn cả vấn đề đại dịch gấp nhiều lần.

Cảnh tượng hàng trăm nghìn người dân tháo chạy về quê dưới trời mưa gió do bị áp lực quá sức chịu đựng vì bị phong tỏa cứng chỉ là một hệ lụy được hiển thị mà thôi.

Sự mắc kẹt giữa hai hệ chuẩn vẫn chưa được giải thoát. Chính vì vậy đây là vấn đề hệ trọng nhất cần được giải quyết hiện nay.

Vấn đề thứ hai là sự xung đột giữa các mục tiêu. Muốn chung sống an toàn thì phải mở cửa kinh tế. Các hoạt động kinh tế sôi động trở lại thì khả năng dịch bệnh lây lan là không tránh khỏi.

Nếu chúng ta vừa muốn mở cửa kinh tế, vừa muốn không để dịch bệnh lây lan, hai mục tiêu này sẽ xung đột với nhau. Muốn một lúc cả hai, chúng ta sẽ chẳng đạt được mục tiêu nào cả.

Quan trọng là phải chấp nhận một mức độ lây lan của dịch bệnh như Singapore và các nước Âu - Mỹ. Vấn đề là khi đạt được tỷ lệ tiêm chủ 70% dân số, thì sự lây lan này không còn nguy hiểm nữa.

Lý do là vì 98% số người đã tiêm chủng đều có thể tự nhiễm và tự khỏi. Nhờ đó, hệ thống y tế không bị quá tải và dư thừa năng lực để chữa trị cho tất cả người bị bệnh.

Vấn đề thứ ba là cần điều chỉnh chế độ trách nhiệm. Trước đây chế độ trách nhiệm là: "Để dịch bệnh bùng phát người đứng đầu phải chịu trách nhiệm", nhưng giờ cần đổi là: "Phải kết hợp hài hòa giữa khống chế dịch bệnh với phục hồi kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội, không đạt được mục tiêu này người đứng đầu phải chịu trách nhiệm".

Cơ hội, thách thức đan xen khi mở cửa trở lại

- Sau vài tháng dịch căng thẳng và nhiều địa phương phải giãn cách xã hội trong suốt thời gian dài, tình hình đang dần được kiểm soát. Ông nhìn nhận thế nào về cơ hội, thách thức của việc mở cửa trở lại, khôi phục nền kinh tế vào thời điểm này?

- Đây là thời điểm cơ hội và thách thức đan xen lẫn nhau. Cơ hội để trở lại với cuộc sống bình thường mới và nhanh chóng khắc phục những tổn hại do dịch bệnh gây ra là rất rõ ràng. Nhưng thách thức của việc không thể vượt qua hệ chuẩn “Zero Covid” cũng hiện hữu.

Nếu chúng ta có thể điều chỉnh kịp thời nhiều biện pháp phòng chống dịch như Nghị quyết 128 mà Chính phủ vừa ban hành, doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất trở lại; nhiều doanh nghiệp FDI có thể không chuyển hợp đồng ra nước ngoài; nhiều người lao động sẽ sớm có việc làm; nền kinh tế sẽ tránh được nguy cơ bị suy thoái.

Hang loat dia phuong van ap dat Zero Covid anh 2

Người dân, doanh nghiệp đang kỳ vọng việc mở cửa trở lại và nới lỏng các hoạt động sau thời gian dài giãn cách. Ảnh: Y Kiện.

Tuy nhiên, hệ chuẩn “Zero Covid” vẫn có thể tác động tiêu cực đến năng lực tư duy của chúng ta. Hậu quả là phản ứng chính sách ở các địa phương vẫn thiếu mạch lạc và thiếu nhất quán. Mặc dù Chính phủ đã đề ra chủ trương là phải thích ứng để sống chung an toàn với dịch và mở cửa trở lại nền kinh tế, hàng loạt các địa phương vẫn tiếp tục áp đặt các giải pháp “Zero Covid”.

Nghị quyết 128 vừa được Chính phủ ban hành sẽ tạo ra khuôn khổ thể chế quan trọng để chúng ta từng bước khắc phục ảnh hưởng tiêu cực của hệ chuẩn "Zero Covid".

Để sống chung an toàn với dịch, có lẽ, cần phải có thêm một số khuôn khổ và giải pháp mới. Tuy nhiên, Nghị quyết 128 là bước chuyển cần thiết. Chúng ta cũng khó có thể nhảy một bước từ hệ chuẩn này sang hệ chuẩn kia ngay được.

- Cuộc hồi hương lịch sử của hàng trăm nghìn người trong tuần qua cũng là minh chính cho việc triển khai chính sách bất cập, thiếu thống nhất. Theo ông, chúng ta cần rút ra bài học gì sau câu chuyện này?

- Có một vài bài học kinh nghiệm ở đây. Thứ nhất, công tác bảo đảm an sinh xã hội cần phải làm tốt hơn.

Chính quyền các cấp cùng các tổ chức đã có nhiều cố gắng để bảo đảm an sinh xã hội cho những người lao động bị mất việc làm vì dịch bệnh và lệnh phong tỏa. Tuy nhiên, rõ ràng là hàng trăm nghìn người vẫn chưa yên tâm vì công tác này.

Thứ hai, sự gắn kết giữa người lao động với người sử dụng lao động cần được quan tâm củng cố. Do mối quan hệ này rất lỏng lẻo, nhiều người lao động không biết được là đến bao giờ họ mới có việc làm trở lại. Mà như vậy thì an toàn hơn cho họ là trở về quê.

Thứ ba, các biện pháp phòng, chống dịch và truyền thông cần phải khoa học, cân bằng và tương thích. Cách thức phòng, chống dịch và làm truyền thông như vừa rồi đã tạo ra áp lực rất lớn.

Điều này tác động lên sức khỏe về thể chất và tinh thần của người lao động vừa bị mất việc làm, vừa bị phong tỏa trong những khu nhà chật hẹp. Họ tháo chạy về quê một phần còn vì áp lực ấy.

Thứ tư, lao động nhập cư cần được tích hợp thành cư dân đô thị, chứ không nên để họ đã xây dựng gia đình, đã sinh con đẻ cái vẫn chỉ có vị thế và điều kiện ăn ở của những lao động mùa vụ. Chương trình nhà ở, phúc lợi xã hội, cung cấp dịch vụ y tế, giáo dục cho lao đông nhập cư cần được triển khai để họ thật sự trở thành những cư dân thành thị.

- Xin cảm ơn ông!

HOÀI THU thực hiện