Mới đây, 52 doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ đã đến Việt Nam thảo luận về các cơ hội đầu tư và hợp tác kinh doanh. Trong đoàn, có những tên tuổi lớn như: Boeing, SpaceX, Netflix, Pfizer, Abbott, Meta, Amazon, Apple… Đây là đoàn doanh nghiệp Mỹ lớn nhất, hùng hậu nhất từ trước tới nay đến Việt Nam, theo chương trình do Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) tổ chức.

TS. Nguyễn Quốc Việt: Doanh nghiệp Mỹ ‘gõ cửa’ tăng trưởng xanh, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm!
TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội. (Nguồn: Diễn đàn Doanh nghiệp)

Doanh nghiệp Mỹ quan tâm chuyển đổi xanh

Chia sẻ quan điểm với TG&VN về sự kiện này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) thuộc Trường Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá, đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư mở ra triển vọng về nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong tương lai gần của đất nước hình chữ S.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, thời gian qua, Việt Nam là cái tên quên thuộc của các nhà đầu tư khắp nơi trên thế giới và Mỹ cũng không ngoại lệ.

Việt Nam sở hữu rất nhiều lợi thế như môi trường kinh tế tiềm năng, chính trị ổn định và là tâm điểm của sự dịch chuyển vốn đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu.

Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á cũng là nơi có sức hút FDI hấp dẫn, do dân số tương đối lớn, thị trường mạnh, tình hình tăng trưởng kinh tế ổn định.

Không chỉ thế, chỉ trong khoảng 10 năm qua, Việt Nam đã ký hàng chục Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới, tạo thuận lợi giảm thuế, đáp ứng các nhu cầu khác nhau để từ đó có thể thích ứng với tình hình kinh tế mới.

Ông chia sẻ: "Ngoài ra, tầng lớp trung lưu của chúng ta đang ngày một tăng, làm thị trường tiêu dùng Việt Nam hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư Mỹ. Trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chủ yếu đến từ khu vực Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc… nhưng vài năm trở lại đây đã có sự thay đổi".

Nói riêng về doanh nghiệp Mỹ, Phó Viện trưởng VEPR cho rằng, lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Mỹ đã có khoảng hơn 1.200 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký khoảng 11,4 tỷ USD, xếp thứ 11 trong tổng số các nước có vốn đầu tư tại Việt Nam.

Số liệu của Bộ Kế hoạch Đầu tư cho thấy, riêng hai tháng đầu năm 2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của các nhà đầu tư Mỹ đạt 11,68 triệu USD. Trong đó, có 8 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký cấp mới đạt hơn 7 triệu USD; 11 dự án góp vốn mua cổ phần, với giá trị vốn góp đạt khoảng 4,7 triệu USD.

TS. Nguyễn Quốc Việt cho hay, trong chuyến thăm đến Việt Nam vừa qua, ông Ted Osius, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc USABC đặc biệt nhấn mạnh, phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam đặt mục tiêu khám phá tiềm năng hỗ trợ chiến lược chuyển đổi số và chương trình chuyển đổi xanh của Việt Nam, nhằm đáp ứng các cam kết về phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

“Điều này cho thấy, lĩnh vực chuyển đổi xanh của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp Mỹ. Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực về kinh tế xanh và công nghệ. Các doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng vào tương lai và muốn đóng góp tích cực hơn vào quá trình này”, TS. Nguyễn Quốc Việt nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Quốc Việt: Doanh nghiệp Mỹ ‘gõ cửa’ tăng trưởng xanh, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm!
Đoàn doanh nghiệp Mỹ chụp ảnh lưu niệm cùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Nguồn: PLO)

Làm gì để đón làn sóng “FDI xanh”?

Cũng theo Phó Viện trưởng VEPR, với hàng ngàn dự án trải khắp các tỉnh, thành, khu vực FDI ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Khu vực này là nguồn lực quan trọng đóng góp lớn vào tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội và đóng góp chung tăng trưởng của nền kinh tế.

FDI cũng góp phần quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực và cạnh tranh hơn; đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy và mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu và từng bước đưa Việt Nam tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.

Song song với đó, khu vực FDI giúp chuyển giao và phát triển công nghệ, tham gia và thúc đẩy tiến trình công nghiệp hoá tại Việt Nam; tạo việc làm, tạo thu nhập, tăng năng suất lao động và cải thiện chất lượng nguồn nhân lực; góp phần tích cực hoàn thiện thể chế kinh tế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Lĩnh vực chuyển đổi xanh của Việt Nam đang nhận được sự quan tâm của doanh nghiệp Mỹ. Việt Nam có thể dẫn đầu khu vực về kinh tế xanh và công nghệ. Các doanh nghiệp Mỹ kỳ vọng vào tương lai và muốn đóng góp tích cực hơn vào quá trình này.

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Quốc Việt nhận thấy: “Việt Nam chưa có nhiều dự án FDI vào vào một số ngành, lĩnh vực chất lượng cao; cấu trúc FDI chưa như mong muốn và kỳ vọng chính sách; hiệu quả kinh doanh cũng có những mặt chưa được như kỳ vọng; không giúp tối đa hóa hiệu ứng lan tỏa với ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam; một số dự án đã gây tác động tiêu cực đến môi trường”.

Do đó, Phó Viện trưởng VEPR khẳng định, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để đón làn sóng “FDI xanh” từ Mỹ và nhiều quốc gia khác. Cụ thể như:

Thứ nhất, cần xem lại chính sách tăng trưởng xanh sao cho tập trung, trọng điểm, tránh việc ôm đồm khái niệm dẫn đến đa mục tiêu và lồng ghép rộng quá, dẫn đến khó khả thi về nguồn lực, thời gian, cách thức triển khai.

Thứ hai, cần rà soát tổng thể hệ thống pháp luật để đồng bộ các chính sách tăng trưởng xanh với việc điều chỉnh pháp luật ở các lĩnh vực khác nhau, nếu không các dự án gắn tăng trưởng xanh (cả có yếu tố đầu tư công lẫn đầu tư tư nhân) sẽ khó triển khai hoặc được nhận các ưu đãi theo hướng tăng trưởng xanh do mẫu thuẫn/vướng luật chưa đồng bộ.

Thứ ba, tăng trưởng xanh gắn với các biện pháp hỗ trợ chính sách hoặc ưu đãi đầu tư cần cụ thể và minh bạch hơn, tránh cơ chế nhà nước can thiệp, trở thành cơ chế xin-cho, lợi ích nhóm.

Thứ tư, các chính sách gắn với kích thích lợi ích kinh tế, nên chuyển (hoặc ít ra là cân bằng) giữa kích thích đầu cung (thông qua hỗ trợ/ưu đãi đầu tư-doanh nghiệp sản xuất) sang hỗ trợ cầu (tác động quyết định lựa chọn của người tiêu dùng đầu cuối các sản phẩm, dịch vụ có yếu tố xanh/sạch - nhất là thông qua trợ giá, hỗ trợ kết nối các sản phẩm, dịch vụ đến tiêu dùng đầu cuối).

Thứ năm, cần bám sát các chuẩn mực và thông lệ tốt quốc tế, tránh sự tuỳ tiện hoặc nguỵ biện chính sách khi đưa ra các tiêu chuẩn/quy định gắn với tăng trưởng xanh, tạo những rào cản môi trường kinh doanh hoặc gây những chi phí tuân thủ tốn kém quá mức, từ đó ảnh hưởng đến cơ hội đầu tư kinh doanh hoặc tốn kém cho xã hội quá lớn.