TS Nguyễn Đình Cung: Muốn phục hồi kinh tế thì phải chi mạnh tay hơn

TS Nguyễn Đình Cung cho rằng muốn phục hồi kinh tế thì phải chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn, mạnh tay chi nhiều hơn trước đây.

Mạnh dạn chấp nhận một mức bội chi ngân sách cao hơn hiện nay, chi tiêu Chính phủ mạnh tay hơn trong giai đoạn này để phục hồi kinh tế là khuyến nghị của TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương.

"Chúng ta không thể tự ta trói ta ở mức bội chi 3-4% như hiện nay mà nên chi tiêu nhiều hơn nữa, mà phải mạnh tay hơn. Không thể chi bủn xỉn như trước nữa", ông Cung nói tại Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022-2023 sáng 1/10.

Hội nghị do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức.

De nghi ho tro doanh nghiep bang tien anh 1

Hội nghị tham vấn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư để chuẩn bị xây dựng chương trình phục hồi kinh tế. Ảnh: MPI.

Chấp nhận bội chi ngân sách

Ông Cung cho rằng Việt Nam vẫn còn những dư địa để phục hồi kinh tế trong các năm tới. Đó là tỷ lệ lạm phát thấp, dự trữ ngoại tệ ổn định, hệ thống tài chính ổn định, đặc biệt là tỷ lệ bội chi ngân sách còn thấp.

Ông đề xuất giai đoạn này, muốn phục hồi kinh tế, Chính phủ cần xem xét đẩy mạnh chi hơn nữa. Đồng thời, cần nhanh chóng phục hồi, củng cố các đọng lực của nền kinh tế, sử dụng nguồn lực hợp lý, đúng đối tượng.

Ông mong muốn Chính phủ sớm ban hành kiểm soát an toàn dịch bệnh để mở cửa lại nền kinh tế. Ngoài ra, cần xem xét miễn nhiều sắc thuế, thay chỉ vì hoãn và giãn thuế.

Đồng tình, TS Cần Văn Lực chỉ cho rằng các nước trên thế giới đang chi mạnh tay hơn để cứu trợ nền kinh tế. Nhiều nước sẵn sàng chấp nhận thâm hụt ngân sách, tăng tỷ lệ nợ công lên để hỗ trợ nền kinh tế. Ông cho biết tỷ lệ bội chi ngân sách toàn cầu đã tăng thêm 7 điểm % (từ 3,2% lên 10,2%) trong thời gian qua.

Vị này cho biết ADB, WB sẵn sàng cho Việt Nam vay với lãi suất dưới 1% trong 7-8 năm.

"Chúng ta nên chấp nhận việc nới lỏng một cách phi chu kỳ như thế này, sau đó sẽ có lộ trình vào củng cố tài khóa, củng cố lại kinh tế vĩ mô", ông Lực nêu ý kiến

Ông Lực đề xuất Chính phủ chuyển đổi chiến lược, từ mục tiêu kép đến đa mục tiêu. Cần thêm mục tiêu an sinh, y tế, an ninh lương thực, an sinh xã hội, năng lực trước các cú sốc bên ngoài. Ngoài ra, sau khi thay đổi mô hình và chiến lược phòng chống dịch thì phải nhất quán trong thực hiện.

"Thế nào là sống chung với dịch thì phải thống nhất. Mỗi địa phương, mỗi ngành, mỗi cơ quan lại đang hiểu một cách khác nhau", ông nói.

Ông cũng cho rằng không nên phân rủi ro dịch bệnh theo khu vực địa lý mà nên phân theo nhóm ngành kinh tế. Ví dụ như ngành xây dựng không thể có nhiều nguy cơ mắc bệnh như ngành du lịch, nghỉ dưỡng. Do đó, cần sớm có sự thay đổi.

Tại hội nghị, ông Andrew Jeffries, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), cho rằng Việt Nam cần đưa ra một lộ chắc chắn và an toàn để mở cửa trở lại.

Về trung hạn, đại diện ADB khuyến nghị các ngân hàng tại Việt Nam cần cẩn trọng khi tỷ lệ nợ xấu có thể gia tăng. Đối với những nhân tố khách quan, chi phí logistics toàn cầu cũng như tại Việt Nam đang tăng mạnh, Việt Nam cần chủ động đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển lĩnh vực vận tải đa phương tiện…

De nghi ho tro doanh nghiep bang tien anh 2

Theo chuyên gia, độ phủ tiêm chủng tỷ lệ thuận với tốc độ phục hồi kinh tế. Ảnh: Hoàng Giám.

Đồng quan điểm, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam, cho rằng gói hỗ trợ của Việt Nam còn bé, lại chủ yếu tập trung vào các chính sách giảm hoãn thuế, không hỗ trợ trực tiếp vào chi tiêu.

“Việt Nam cần nới lỏng các điều kiện hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt để giảm khó khăn cho các đối tượng bị ảnh hưởng, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế”, ông Francois Painchaud nói.

Cũng theo tổ chức này, trong khi ngân sách Trung ương có thặng dư thì ngân sách địa phương lại thâm hụt, cần có chính sách về mặt tài khóa để khắc phục. Liên quan đến thu ngân sách, đại diện IMF khuyến nghị thay vì tập trung vào miễn giảm hoãn thuế, cần hướng đến giảm gánh nặng cho doanh nghiệp, cụ thể là chuyển khoản lỗ của doanh nghiệp về các năm trước.

Đơn giản thủ tục cho doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ

Cũng tại hội nghị, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (VASMIE), đánh giá các gói hỗ trợ của Chính phủ ban hành còn thấp và việc giảm hoãn thuế còn mang tính cầm chừng; mức độ hỗ trợ còn ít so với nhu cầu; thời gian hỗ trợ ngắn; thủ tục rườm rà.

Đại diện VASMIE kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan điều chỉnh các gói hỗ trợ phù hợp hơn với các bên cần hỗ trợ. Còn giải pháp căn cơ là đẩy nhanh tốc độ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 80% dân số trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần thay đổi gói hỗ trợ theo sát nhu cầu của doanh nghiệp hơn bởi nhiều chính sách hiện nay không còn phù hợp với thực tế. Nhiều doanh nghiệp hiện vẫn chịu lãi suất tín dụng 9-10%, đề nghị giảm xuống 7-8% cho tất cả khoản vay, kể cả khoản vay cũ.

De nghi ho tro doanh nghiep bang tien anh 3

Dệt may và du lịch là 2 ngành hàng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Ảnh: Nam Khánh.

Đối với ngành du lịch, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Du lịch Việt Nam, thông tin từ đầu năm 2020 đến nay, hiệp hội đã triển khai nhiều chương trình kích cầu du lịch nội địa nhưng đều phải dừng lại vì các đợt bùng phát dịch.

Từ nay đến giữa năm 2022, ngành du lịch đặt mục tiêu phục hồi. Theo bà Lan, để mục tiêu này trở nên thực tế hơn, các chính sách tiền tệ mà Chính phủ đưa ra cần thông thoáng và có các khoản hỗ trợ bằng tiền mặt. Hiện nay, khoảng 90% doanh nghiệp lữ hành gần như tê liệt vì phải đóng của, 60% doanh nghiệp rất khó phục hồi lại được.

Chính phủ cần có chính sách cụ thể hỗ trợ từng loại doanh nghiệp lữ hành, từ doanh nghiệp phải phá sản, giải thể đến các doanh nghiệp cố gắng hoạt động trở lại; tạo điều kiện đón khách du lịch quốc tế, có sự ưu tiên trong tiêm vaccine cho nhân lực trong lĩnh vực du lịch; xác định áp dụng ứng dụng công nghệ 4.0 vào ngành.

Đối với ngành dệt may, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết từ quý II, ngành mới bắt đầu bị ảnh hưởng nhưng tình hình hiện tại rất bi đát. Sau khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy do thiếu nguồn cung nguyên vật liệu nhập từ Trung Quốc, thị trường châu Âu giảm nhu cầu, giờ đến lượt doanh nghiệp không đáp ứng được kế hoạch sản xuất.

Vấn đề xa hơn là sau khi Việt Nam khống chế được dịch, dự báo chỉ khoảng 60-65% lao động có thể quay trở lại làm việc. Việc quay trở lại này cũng không hề dễ dàng khi tay nghề công nhân có nguy cơ giảm sút. Ngoài ra, doanh nghiệp đối mặt với nguy cơ đứt gãy dòng tiền, chi phí quá lớn trong khi sản xuất lại bị đình trình.

Đại diện VITAS kiến nghị Chính phủ cần giao chỉ tiêu kinh tế cho các địa phương, để đảm bảo mục tiêu kép; tiêm vaccine sớm cho lao động ngành để duy trì sản xuất. Đồng thời, kiến nghị người được tiêm vaccine có thể được lao động, sản xuất nhằm duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

VĂN HƯNG