Theo TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, đang nổi lên 6 xu hướng đầu tư - kinh doanh mới trong và sau dịch COVID-19.
Đó là xu hướng đầu tư vào những tài sản an toàn hơn như vàng hay trái phiếu Chính phủ Mỹ, Nhật… Thứ hai là xu hướng mua bán & sáp nhập (M & A) dự báo sẽ tăng mạnh do yêu cầu phải tái cơ cấu toàn diện từ ảnh hưởng của COVID-19.
Bên cạnh đó, đã diễn ra xu thế cắt giảm chi phí và nhân sự cùng với việc chuyển đổi kinh doanh số. Ngoài ra, còn có một xu thế đáng chú ý là xu thế thay đổi chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị.
Bài học nhãn tiền từ dịch COVID-19 cũng cho thấy chính phủ, doanh nghiệp và người dân ngày càng quan tâm hơn đến chăm lo sức khỏe, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đây là điều đáng mừng và quốc gia nào sớm coi đây là quốc sách sẽ có được sức đề kháng tốt hơn, nhiều khả năng phát triển bền vững và hài hòa hơn.
Riêng lĩnh vực dịch vụ tài chính, vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, không chỉ mang lại những tác động tiêu cực như tăng trưởng tín dụng thấp, nợ xấu tăng, lợi nhuận giảm; dịch COVID-19 cũng mang lại 3 điểm tích cực.
"Một là giúp đẩy nhanh hơn xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt. Hai là, đẩy mạnh hơn xu hướng Fintech, Bigtech thâm nhập vào thị trường tài chính, tạo sức ép cạnh tranh khiến ngành ngân hàng phải đẩy nhanh tiến trình số hóa. Ba là, những thay đổi cơ bản trong hành vi khách hàng dẫn tới những như nhu cầu mới về sản phẩm, dịch vụ. Đây là cơ hội để các tổ chức tài chính rà soát, phát triển các sản phẩm của mình để phục vụ tốt hơn và nâng cao trải nghiệm khách hàng", TS. Cấn Văn Lực nói.
Từ những xu thế trên, TS. Cấn Văn Lực cho biết, có thể nhận diện thấy ít nhất có 5 nhóm cơ hội đầu tư – kinh doanh quan trọng trong thời gian tới.
Thứ nhất, theo nhận định của Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đó là cơ hội đầu tư – kinh doanh số. "Với mục tiêu duy trì hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn dịch bệnh cùng với xu thế CMCN 4.0 hiện nay, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã và đang tổ chức hoạt động, kinh doanh trên nền tảng tự động hóa, phát triển tài chính số, ngân hàng số, Fintech, thương mại điện tử,… Theo đó, các dịch vụ hỗ trợ sẽ có nhiều cơ hội phát triển nhanh như kho vận (logistics), giao hàng nhanh (fast shipping), đóng gói, cung ứng nền tảng (platforms), livestream sự kiện, an ninh mạng,…", TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Thứ hai, cơ hội xuất hiện từ xu thế tăng đầu tư công, nhất là đầu tư giải quyết an sinh xã hội, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo, hạ tầng ICT, dịch vụ y tế, giáo dục, ứng phó biến đổi khí hậu...
Những khoản đầu tư này đang được các nước quan tâm thực hiện vì chúng vừa có tác động tích cực ngắn hạn (thúc đẩy tăng trưởng) cũng như tạo tiền đề phát triển lâu dài. Những bên có liên quan đến mảng đầu tư này như nhà tài trợ, doanh nghiệp tham gia (cả Nhà nước, tư nhân và FDI), định chế tài chính, tổ chức tư vấn, địa phương… đều là những người hưởng lợi từ xu thế này.
Thứ ba, cơ hội đầu tư – kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất trang thiết bị y tế, dịch vụ y tế, chăm lo sức khỏe, dược phẩm, sản phẩm xanh, sản phẩm thân thiện môi trường đã và đang mở rộng hơn. Cơ hội này đã có được trong những năm gần đây và dịch bệnh lại càng thúc đẩy nhu cầu thiết yếu này.
Thứ tư, xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư đã và đang diễn ra. Xu thế này còn tiếp diễn vì quá trình dịch chuyển thường diễn ra ít nhất khoảng 1-3 năm, các DN tiếp tục đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Chính phủ các nước có động thái khuyến khích, hỗ trợ… Việt Nam nói chung, các địa phương và doanh nghiệp Việt nói riêng cần chuẩn bị tâm thế, hạ tầng và dịch vụ khu công nghiệp, nguồn nhân lực và cơ chế, chính sách tốt hơn để lường đón và tận dụng cơ hội này.
Thứ năm, nhà đầu tư có nhiều cơ hội để xem xét đầu tư chứng khoán (TTCK) và Bất động sản (BĐS). Mặc dù đây vẫn được xem là những kênh đầu tư tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn so với các tài sản an toàn như vàng, trái phiếu chính phủ hay gửi tiết kiệm ngân hàng, nhưng đi kèm với rủi ro luôn là lợi nhuận.
Đối với BĐS, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, dù năm 2020, tình hình kinh tế có nhiều biến động, thị trường BĐS suy giảm mạnh, tuy nhiên theo dự báo của DKRA Việt Nam (tháng 11/2020), quý 4/2020 sẽ có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn cung mới và lượng tiêu thụ của phân khúc căn hộ có thể sẽ tăng hơn so với quý 3/2020 với khoảng 7.000 căn hộ được đưa ra thị trường. Đối với thị trường thứ cấp, có lẽ sẽ cần khoảng thời gian dài hơn (ít nhất 1-2 năm) để có thể hồi phục hoàn toàn. Đồng thời, với lãi suất vay mua nhà giảm cộng với chính sách/gói ưu đãi của một số chủ đầu tư, đây cũng là thời điểm khá thuận lợi cho đầu tư mua nhà ở.
Đối với kênh đầu tư chứng khoán, cùng xu hướng TTCK toàn cầu, TTCK Việt Nam cũng biến động khá mạnh và sụt giảm (hết ngày 4/11/2020, VNINdex giảm khoảng 2% so với đầu năm). Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, TTCK Việt Nam vẫn ở mức tích cực, tổng vốn hoá tăng, thanh khoản thị trường tốt, giá cả hợp lý. Với khả năng phục hồi và tăng trưởng kinh tế khá nhanh được dự báo ở mức 6,5-7% giai đoạn 2021-2025 và khả năng TTCK Việt Nam được nâng hạng giai đoạn 2022-2023 là khá cao, kênh đầu tư này được dự báo có nhiều khả quan.
Nên cẩn trọng với các kênh tiềm ẩn rủi ro
Với đa số nhà đầu tư cá nhân, tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư hiệu quả do tính an toàn, ổn định và rủi ro thấp. Đối với kênh ngoại tệ, có lẽ nhà đầu tư không nên nắm giữ do mức lợi nhuận mang lại không đáng kể khi tỷ giá thời gian tới được dự báo tiếp tục ổn định, mức giảm giá VND so với USD sẽ không quá 1% cả năm 2020 và khoảng 1-2% năm 2021.
Kênh BĐS và TTCK là tương đối tiềm năng với các nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao hơn. Tuy nhiên, các đặc điểm chung như chủ yếu là các nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ, thông tin thị trường kém minh bạch, tâm lý đám đông, hiện tượng đẩy giá,...khiến 2 thị trường này dễ biến động và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Do đó, các nhà đầu tư nên chủ động tự nâng cao kiến thức về thị trường cũng như năng lực, phân tích, ra quyết định để bảo vệ, đảm bảo lợi ích của chính mình.
Dẫu biết bối cảnh hiện này là khó khăn và thách thức với đa phần các chủ thể trong nền kinh tế Việt Nam, nhưng doanh nghiệp và nhà đầu tư không nên vì thế mà tham gia đầu tư vào các kênh tiềm ẩn nhiều rủi ro như tín dụng đen, đầu tư đa cấp, cho vay qua apps,... Có thể thấy thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư đã chịu thiệt hại nặng nề do tham gia những kênh đầu tư đầy rủi ro này.
Nhà đầu tư