Theo các nhà phân tích của Citi, sau 1 năm đầy bất ổn với các yếu tố như phong tỏa phòng dịch và sự chưa rõ ràng về quy định của chính phủ khiến tâm lý nhà đầu tư hoang mang, năm nay, động lực tăng trưởng đã trở nên rõ ràng hơn với Trung Quốc. Điều này khiến tâm lý các nhà đầu tư được giải tỏa và thúc đẩy việc đầu tư vào quốc gia này, đặc biệt trong bối cảnh ngành ngân hàng toàn cầu đối mặt nhiều rủi ro.
Cụ thể, các chuyên gia kinh tế cho rằng Trung Quốc có thể là một quốc gia ngoại lệ trong khi các nền kinh tế ở Mỹ và châu Âu đối mặt với nguy cơ gián đoạn tài chính ngày càng cao. Bởi lẽ, sự mở rộng nhanh chóng các hoạt động kinh tế đã giúp quốc gia này tạo ra một "hàng rào" bảo vệ tăng trưởng, tránh bị ảnh hưởng bởi các biến cố từ các thị trường khác.
“Từ lâu, chúng tôi đã thảo luận về quan điểm của mình rằng Trung Quốc có thể tạo ra một 'hàng rào' bảo vệ tăng trưởng lớn trong năm nay, những căng thẳng ngân hàng toàn cầu gần đây có lẽ đã củng cố luận điểm này”, nhà kinh tế trưởng người Trung Quốc Xiangrong Yu của Citi cho biết.
Được hỗ trợ bởi các chính sách của chính phủ
Các nhà kinh tế của Citi cho biết: “Ít nhất Trung Quốc có thể là một 'nơi trú ẩn an toàn' nhờ vào mức tăng trưởng cao, tình hình tài chính lành mạnh, kỷ luật chính sách và chu kỳ kinh tế chính trị mới”.
Theo đó, những động thái như quyết định cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) cho thấy “sự đảm bảo về hỗ trợ chính sách trong bối cảnh biến động toàn cầu”, nhằm hỗ trợ cho vay và thu hút thanh khoản toàn cầu. Được biết, cuối tháng 11 năm ngoái, PBOC đã ra quyết định giảm tỷ lệ đối với hầu hết các ngân hàng xuống 0,25%, quyết định sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 27/3.
Kể từ khi đại dịch bắt đầu, Trung Quốc đại lục cũng duy trì chính sách tiền tệ tương đối dễ dàng trong khi không công bố các gói kích thích lớn - chẳng hạn như hỗ trợ tiền mặt lớn cho người tiêu dùng.
“Có lẽ rút ra bài học từ những gì Mỹ đã trải qua trong những năm gần đây, PBOC đã thận trọng trong việc nới lỏng ngay cả trong thời kỳ đại dịch và có thể nhanh chóng chuyển sang chế độ quan sát khi tăng trưởng trở lại đúng hướng”, các nhà kinh tế tại Citi cho biết.
Họ cũng lưu ý rằng việc tái cấu trúc chính phủ của Trung Quốc vào đầu tháng này là một ví dụ về nỗ lực giảm bớt rủi ro tài chính. Trong đó, chính quyền đã giao nhiệm vụ kiểm soát ngành ngân hàng cho một ủy ban tài chính trung ương trực thuộc Đảng Cộng sản.
Đồng NDT được củng cố
Do GDP của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng trưởng tương đối nổi bật trong năm nay, các nhà kinh tế của Citi cũng dự báo đồng NDT cũng sẽ tăng giá. Theo đó, đồng tiền của Trung Quốc được dự báo sẽ tăng lên mức 6,6 NDT/USD vào khoảng tháng 9 năm nay, cũng là mức cao nhất của NDT tính từ tháng 4/2022.
“Với những tác động ngoài ý muốn từ việc tăng lãi suất mạnh đang xuất hiện ở nước ngoài, dòng vốn chảy vào Trung Quốc có thể tiếp tục tăng lên sau khi thương mại mở cửa trở lại và môi trường chính trị duy trì ổn định. Chúng tôi vẫn tin rằng dòng vốn chảy vào Trung Quốc tiếp tục được duy trì và kỳ vọng tỷ giá NDT/USD sẽ tăng lên mức 6,6 trong 6-12 tháng tới”.
Quan điểm này cũng được củng cố do đồng bạc xanh đang có xu hướng giảm giá trong thời gian gần đây. Đặc biệt, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell chỉ ra rằng chu trình tăng lãi suất có thể sắp kết thúc, chỉ số USD đã giảm xuống mức thấp 101,915 vào ngày 23/3. Chỉ số này đã giảm khoảng 1,4% từ đầu tuần đến nay.
Môi trường pháp lý "tích cực"
Lawrence Lok, Giám đốc tài chính của công ty quản lý tài sản Hywin, chia sẻ với CNBC rằng bối cảnh ở Trung Quốc hiện tại rất khác so với những gì đang xảy ra ở Mỹ và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi lãi suất tăng nhanh.
Về mặt quy định, ông Lok cho biết công ty của ông nhận thấy nỗ lực rõ ràng của Bắc Kinh nhằm tăng khả năng tham gia của các tổ chức tài chính nước ngoài vào thị trường địa phương.
“Môi trường pháp lý thực sự tích cực đối với lĩnh vực tài chính ở Trung Quốc thời điểm hiện tại. Có thể nó không thân thiện lắm đối với một số lĩnh vực như công nghệ cao, nhưng tôi nghĩ đối với lĩnh vực tài chính, chúng khá tích cực”, ông Lawrence nhận định.