Thành công từ những lần thất bại…
Những ngày đầu năm 2022, chúng tôi tình cơ biết đến anh Trần Đăng Khoa (ngụ quận Tân Phú, TP.HCM) thông qua một người bạn vốn có “số má” trong làng câu cá TP.HCM. Qua đó, anh Khoa được nhiều người biết đến, bởi ngoài là cần thủ từng đoạt nhiều giải thưởng ở các cuộc thi câu cá giải trí thì anh còn có sự khác biệt. Đó chính là việc tự tay làm ra mồi câu cá Kim Ngư (mồi câu cá thuần Việt 100%, có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho môi trường và người sử dụng...).
Trao đổi với phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam, anh Trần Đăng Khoa còn nhớ như in cơ duyên anh đến với mồi câu cá Kim Ngư và những lần thất bại khó quên. Có thể nói, nếu không có thất bại thì không có mồi câu cá Kim Ngư do tự tay anh Khoa làm ra như hiện nay. Anh Khoa kể lại: “Ai cũng có ký ức một thời, đặc biệt lúc còn nhỏ, thường quen với cảnh sáng sớm hay chiều về… tự tay đào giun, bắt côn trùng tìm đến các con suối, kênh rạch để câu cá. Đến khi lớn lên, mặc dù bận rộn với công việc nhưng không ít người vẫn tìm đến ký ức tuổi thơ đó, hoặc đơn cử câu cá là để giải trí, xả “stress…””.
Cũng bởi lý do đó, có lần được một người bạn dẫn đi câu cá tại một hồ câu cá giải trí. Tại đây, anh Trần Đăng Khoa và người bạn dùng cần câu tay để tìm lại cảm giác “chinh phục” con cá. “Ngày hôm đó, chính tay tôi câu được rất nhiều con cá, to, nhỏ cũng có... Cảm giác tuổi thơ dội về, khiến bao nhiêu muộn phiền tan biến đi. Giây phút được quên đi mọi thứ để tập trung vào câu cá thật thú vị”, anh Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Không dừng lại ở đó, ngoài việc tìm lại ký ức tuổi thơ, giúp xả “stress…” Anh Khoa lại cho thấy một góc nhìn đầy tiềm năng, một cơ hội phát triển “ngành nghề” mới. Đó là ý tưởng táo bạo, tự tay làm ra mồi câu cá của người Việt, dành cho người Việt. Theo anh Khoa, thời điểm này trên thị trường chủ yếu đang phát triển các loài mồi câu cá nhập ngoại của các nước như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan, Campuchia…
Nói là làm, anh Khoa bắt đầu nối duyên với “nghề” làm mồi câu cá. Cũng thời điểm này, anh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: buồn vui lẫn lộn, từ thất bại đến thành công rồi tạm gác công việc.
Tháng 4/2013 anh Khoa hợp tác với ông chủ của một diễn đàn về câu cá để cho ra đời mồi câu cá GC. Đến 2/2014 do nhiều biến cố khách quan, chủ quan, mỗi người một hướng đi, mồi câu GC ít xuất hiện trên thị trường và dần biến mất. Cũng trong năm 2014, một lần anh Trần Đăng Khoa kết hợp với đối tác để cải tiến mồi CG cũ và đưa ra thị trường dòng sản phẩm mới là mồi câu cá HK Trung Thu. Trải qua gần 1 năm hoạt động, đến tháng 2/2015 một lần nữa anh Khoa tạm gác lại “tham vọng”.
Từ đó anh Khoa nhận ra rằng, mọi việc tưởng chừng suôn sẻ, thế nhưng “trái đáng” cũng có thể đến bất cứ lúc nào. Đơn cử, từ lúc khởi nghiệp cho đến nay thì cũng nhiều lần công ty rơi vào tình trạng cạn kiệt tiền mặt phải vay mượn, thâm hụt vốn lưu động. Nhưng thiếu hụt tài chính lại không phải là vấn đề nghiêm trọng. “Với mình Công ty sẽ đổ vỡ khi có lợi ích cá nhân, mâu thuẫn quan điểm giữa các thành viên. Làm việc với con số thì dễ, nhưng với con người thì khó vô cùng. Lúc này, cần phải quan sát, tìm hiểu, nói chuyện với từng người và với tất cả. Hạ cái tôi của mình xuống, chân thành trong hành động và lời nói để tìm ra sự ức chế là do đâu, chia rẽ là do lợi ích hay hiểu lầm và giải quyết nó”, anh Khoa chia sẻ.
Mồi câu cá của người Việt… thân thiện với môi trường!
Tháng 5/2015, nhờ niềm đam mê thôi thúc, cùng sự phát triển mạnh mẽ trở lại của phong trào câu tay, anh Khoa một lần nữa gạt bỏ sự thất bại vốn theo mình nhiều năm. Anh quyết định quay trở lại sản xuất mồi câu cá. “Với mong muốn làm ra một loại mồi câu hiệu quả, hoàn toàn tự nhiên cho môi trường và do người Việt sản xuất. Tôi đã cho ra đời loại mồi câu cá mới mang thương hiệu Kim Ngư (Sản phẩm kế thừa tinh hoa sau những năm gắn bó với nghề mồi cá)”, anh Khoa cho biết.
Cũng từ đó, các sản phẩm tự tay anh Khoa làm ra bắt đầu xuất hiện trên thị trường gồm: Các loại mồi câu cá đóng gói sẵn đạt tiêu chuẩn; Sản xuất các loại tinh chất, hương liệu dùng cho câu cá có thành phần tự nhiên; Sản xuất thức ăn thủy hải sản đóng bao; Tổ chức các hoạt động câu cá thể thao… Khi sản phẩm được đưa ra, bản thân anh Khoa và đồng nghiệp tự nhủ phải đặt lợi ích và niềm tin của khách hàng lên hàng đầu. Không chạy theo lợi nhuận mà vi phạm đạo đức kinh doanh. Đáng nói, mồi câu cá Kim Ngư tồn tại để tạo ra các sản phẩm mồi câu cá có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho môi trường và người sử dụng.
Trao đổi với chúng tôi khi nhắc đến việc người Việt Nam tự tay tạo ra mồi câu cá thuần Việt, ông Nguyễn Hữu Thuần (63 tuổi, Phó Chủ nhiệm CLB câu cá thể thao Việt Nam) bày tỏ quan điểm, bản thân ông rất ủng hộ khi biết tin anh Trần Đăng Khoa tự tay làm ra mồi câu Kim Ngư. Bởi, do chính người Việt làm ra, khá đầy đủ mồi câu cá như Rô phi, Diêu hồng, cá Chép, cá Trôi, cá Trê, cá Tra… Đáng nói, việc mồi câu cá này vốn có nguồn gốc tự nhiên, an toàn cho môi trường và người sử dụng là điều mà giới cần thủ rất quan tâm.
Nhắc về vấn đề “ưu ái” cho môi trường, anh Khoa chia sẻ, bản thân anh luôn nêu cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên: Chỉ bắt cá đủ tiêu chuẩn, đủ trọng lượng; Không chích điện kéo lưới bắt cá con; Không xả rác ra môi trườngxung quanh sau khi câu cá; Chỉ dùng những loại mồi an toàn với môi trường… “Về vấn đề này, thiết nghĩ đây là việc làm khó, cần phải có cơ quan chức năng vào cuộc, cấp phép để xây dựng tiêu chuẩn cho ngành sản xuất mồi câu nói riêng và môn câu cá thể thao nói chung được phát triển”, anh Khoa nói.
Cũng từ đây, thấy được thế mạnh của anh Trần Đăng Khoa và tiềm năng từ mồi câu Kim Ngư, mới đây anh Vũ Đăng Khoa (35 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) đã chung tay hợp tác để phát triển “ngành nghề” mới mẻ này. Anh Vũ Đăng Khoa chia sẻ: “Đây là một “ngành nghề” mới đầy tiềm năng để phát triển, nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức. Tôi muốn thử sức bản thân ở lĩnh vực mới này… Và kỳ vọng trong tương lai với mồi câu cá Kim Ngư thuần Việt 100% sẽ đáp ứng được nhu cầu của nhiều người, đặc biệt là giới cần thủ trong nước”.