Bộ Tài chính cho biết đang khẩn trương thực hiện đồng bộ giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mới phát sinh của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (DN), tiếp tục tăng cường tính công khai, minh bạch và hiệu quả của thị trường. Thông tin được Bộ Tài chính đưa ra sau công điện của Thủ tướng Chính phủ về thị trường trái phiếu DN, trong đó yêu cầu khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu DN, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong năm 2022 và năm 2023.
Doanh nghiệp phát hành "dễ thở" hơn
Các chuyên gia, công ty chứng khoán đánh giá việc dự thảo sửa đổi Nghị định 65 của Bộ Tài chính với nhiều quy định lùi thêm 1 năm sẽ "dễ thở" hơn cho DN, đặc biệt là giảm áp lực đối với trái phiếu sắp đáo hạn, DN cũng không phải cấp tập mua lại trái phiếu trước hạn như vừa qua.
Theo dữ liệu được Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC), trong 11 tháng của năm 2022, giá trị phát hành trái phiếu DN ra công chúng giảm mạnh 60% và giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ giảm 56% so với cùng kỳ năm trước. Xu hướng phát hành trái phiếu riêng lẻ tiếp tục giảm, khi tháng 11-2022 chỉ có 5 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ được ghi nhận, với giá trị 1.934 tỉ đồng.
Mấu chốt nhất vẫn là gỡ khó pháp lý cho dự án bất động sản .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho biết dự thảo sửa đổi Nghị định 65 đề cập việc lùi thời gian đáo hạn trái phiếu tối đa là 2 năm; cho phép chuyển đổi hoặc bổ sung tài sản khác sẽ giúp DN có dư địa để xoay xở. Như trước đây, DN bảo đảm cho trái phiếu phát hành bằng cổ phiếu, nay có thể bổ sung bằng bất động sản hoặc tài sản khác. Đây là "khoảng mở" cho DN phát hành mới thuận lợi hơn.
Thời gian qua, thị trường trái phiếu DN rơi vào tình trạng thiếu thanh khoản khi bản thân DN không thu xếp được nguồn vốn chi trả và quy định quá chặt trong vấn đề tài sản bảo đảm. Đơn cử, DN thế chấp tài sản để phát hành trái phiếu là cổ phiếu nhưng giá cổ phiếu liên tục rớt mạnh, nhà đầu tư thấy rủi ro và không muốn "ôm" thêm cổ phiếu. Nay, theo quy định mới họ có thể nhận thế chấp bằng tài sản khác như bất động sản sẽ giúp nhà đầu tư yên tâm hơn. Tuy vậy, với DN đã phát hành, các quy định trên có thực thi được hay không lại phụ thuộc rất lớn vào thỏa thuận giữa DN và trái chủ (nhà đầu tư mua trái phiếu).
"Việc lùi thời gian áp dụng quy định về nhà đầu tư chuyên nghiệp cũng giúp DN bớt áp lực, có cơ hội phát hành trái phiếu mới. Vì thời gian qua, quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp khiến nhà đầu tư cá nhân không đủ điều kiện tham gia thị trường, thanh khoản giảm mạnh. Giờ dự thảo cho dời sang năm 2024, DN có thể tranh thủ phát hành trái phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư cá nhân" - ông Nguyễn Thế Minh nói.
Phải giải quyết căn cơ khó khăn của doanh nghiệp
"Thực chất là thêm thời gian để các DN tái cấu trúc khoản nợ. DN phát hành mới cũng bớt áp lực hơn. Xu hướng mua lại trái phiếu trước hạn cũng không còn dồn dập như thời gian qua, bớt áp lực dòng tiền cho DN. Đây là những giải pháp mang tính "hoãn binh" nhưng với điều kiện phải có sự chấp thuận của trái chủ" - ông Đỗ Bảo Ngọc nói.
Quan trọng nhất, theo các chuyên gia, để xử lý triệt để khó khăn của các DN, nhất là DN bất động sản, không chỉ gỡ khó về trái phiếu mà căn cơ là khơi thông các nguồn vốn khác, đặc biệt giải quyết vấn đề pháp lý để các dự án bất động sản có thể tiếp tục triển khai. Mấu chốt nhất vẫn là gỡ khó pháp lý cho các DN bất động sản.
Tại công điện gửi Bộ Tài chính về thị trường trái phiếu DN, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính khẩn trương có các biện pháp kịp thời, chấn chỉnh, ổn định và thúc đẩy hoạt động của thị trường trái phiếu DN phát triển bền vững; có biện pháp hiệu quả bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư theo đúng quy định pháp luật. Yêu cầu các tổ chức phát hành thực hiện nghĩa vụ hoàn trả gốc, lãi theo đúng cam kết; trường hợp có khó khăn, tổ chức phát hành trái phiếu chủ động đàm phán với nhà đầu tư để xem xét có biện pháp cơ cấu lại khoản nợ trái phiếu, cơ cấu lại lãi suất, thời hạn thanh toán, các điều kiện chi trả, thanh toán...
Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng - Bộ Tài chính, cho biết thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ cố gắng phát triển thị trường trái phiếu đồng bộ trên cả 2 kênh là phát hành trái phiếu ra công chúng và phát hành trái phiếu riêng lẻ. Đối với kênh phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, do những biến động thị trường vừa qua, lãnh đạo Bộ Tài chính đã có chỉ đạo để giải pháp bình ổn, yêu cầu DN phải bố trí mọi nguồn lực để thanh toán gốc và lãi trái phiếu đến hạn theo đúng quy định, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư theo đúng quy định...
Thái Phương
nld