Vậy là sao bao năm chờ đợi, người dân Hà Nội đã được trải nghiệm tuyến tàu điện trên cao đầu tiên, trải dài từ Hà Đông đến Cát Linh. Sáng nay, 6/11, WeBuy cũng đã nhanh chân lên tàu đi thử xem có được như kì vọng không.
WeBuy đi từ ga Thượng Đình về phía Cát Linh.
Lối đi lên có hẳn thang cuốn và mái che. Đi xuống thang bộ cũng được nhưng không hiểu sao lại không có mái che.
Lấy vé xong chỉ cần cà thẻ là vào bên trong.
Ga Thượng Đình sáng nay rất vắng vẻ.
Ban đầu bọn mình nghĩ chắc các ga sẽ đông người đến đi thử lắm, nhưng khi đặt chân vào cửa của ga Thượng Đình (Thanh Xuân) thì cực kì vắng vẻ, chỉ có khoảng hơn 10 người ngồi đợi tàu. Thế nhưng, khi tàu đến mới thấy bên trong rất đông, gần như kín chỗ hoàn toàn.
... nhưng lên tàu là đông nghẹt người.
Bước vào khoang tàu là cảm giác mát lạnh vì có hệ thống điều hòa, không hề bí bách dù 1 mét vuông 3 người đứng kế nhau. Ánh sáng trong khoang tàu (và cả ở các ga) đều rất đẹp, nịnh mắt nhìn cái gì cũng sáng choang sạch sẽ, chắc chắn sẽ thành địa điểm sống ảo mới của các bạn trẻ.
Trên tàu nhiều ghế ngồi, cột và xà ngang để bám tay, sức chứa tối đa lên tới 960 người. Các bạn đi nhớ nhìn kĩ bảng chỉ dẫn các ga kẻo lỡ bến. tàu đi rất nhanh, cửa chỉ mở trong khoảng 10 giây thôi là chạy tiếp (trừ các ga cuối).
Ánh sáng trên tàu rất nịnh mắt, bạn nào muốn có ảnh đẹp cứ lựa ngày sáng sủa mà lên chụp thôi.
Điểm cộng đầu tiên mình thấy là tàu đi rất êm, cảm giác như “lướt’ trên đường ray, tốc độ cao nhất chỉ khoảng 35km không quá nhanh nhưng quá đủ để di chuyển giữa các ga nhanh chóng. Mình vừa đặt chân lên tàu, chụp được bài bức ảnh đã thấy thông báo đến ga tiếp theo. Tính ra, đi từ Thượng Đình sang đến Cát Linh chỉ mất khoảng hơn 10 phút, nhanh hơn nhiều đi bằng xe máy, ô tô, nhất là giờ tan tầm.
Ga Cát Linh là ga cuối nên rất đông đúc từ sáng sớm.
Có một lưu ý nhỏ cho các bạn mới đi là nên để ý cửa tàu vì thời gian dừng ở mỗi ga rất nhanh, cửa mở chỉ khoảng 10 - 15 giây nên dễ bị đi quá bến. Ngoài ra, ở một số đoạn chuyển ray tàu vẫn có rung lắc và phát tiếng động do va chạm dưới gầm tàu, có lẽ không ảnh hưởng gì nhưng nếu trải nghiệm “mượt” hơn thì vẫn cho cảm giác yên tâm hơn.
Về khoản tiện nghi, WeBuy thấy các ga tàu và trên tàu đều được trang bị “tận răng”, gần như không thiếu cái gì. Trên tàu có nhiều chỗ ngồi, cột và móc để bám tay, thoải mái đứng nếu không quá đông. Tuy nhiên các tàu không gắn camera theo dõi nên các bạn vẫn phải cẩn thận, tự bảo quản đồ cá nhân.
Các Ga tàu có diện tích rất rộng, đầy đủ bảng chỉ dẫn, nhiều nhân viên trực để nhắc nhở mọi người đứng đúng chỗ, không lấn vạch và hướng dẫn khách đi rất tận tình. Ở một số ga hôm nay rất đông nên vẫn thiếu nhân viên nhưng sau này chắc chắn sẽ ổn định hơn.
Các ga đều được bố trí đầy đủ biển, bảng chỉ dẫn, phòng vệ sinh, hệ thống PCCC.
Tàu cho phép khách mang theo xe đạp cỡ nhỏ và xe scooter lên, rất tiện cho các bạn đi học, đi chơi trên cung đường này.
Các ga tàu điện có rất nhiều góc chụp đẹp mắt, hứa hẹn sẽ thành tụ điểm check-in mới của các bạn trẻ.
Dù vậy, có 2 điểm bọn mình thấy “lấn cấn” nhẹ. Một là đường ray đã có tình trạng rỉ sét rất nhiều mà không được xử lý dù hôm nay mới là ngày đầu tiên đi vào hoạt động chính thức. Hai là khe hở giữa mép ga chờ và cửa tàu khá rộng, khoảng hơn 10cm nên khi lên tàu phải thật cẩn thận, nhất là trẻ em. Thực ra hai vấn đề này không lớn lắm nhưng nếu xử lý được thì vẫn tốt hơn.
Vì tàu đã chạy thử vào năm nên đến nay nhiều đoạn đường ray đã rỉ sét.
Khe hở giữa cửa tàu và mép nhà ga vào khoảng hơn 10cm, ai đi cùng trẻ nhỏ nên cẩn thận kẻo lọt chân vào.
Nhìn chung WeBuy thấy tàu điện trên cao sẽ trở thành phương tiện đi lại chính của rất nhiều người vì tốc độ cao, không phải ngại nắng mưa, khói bụi và đặc biệt là tránh xa cảnh tắc đường. Mức giá vé 7.000đ/ga và 15.000đ/toàn chuyến (hiện tại đang là 0đ để người dân đi thử) không hề đắt đỏ mà tận hưởng tiện nghi hơn hẳn xe bus. Nếu thích, bạn có thể đăng ký vé theo tháng hoặc tuần để đi thoải mái hơn. Từ 6/11, tuyến tàu điện Hà Đông - Cát Linh sẽ hoạt động từ 5h sáng đến 23h đêm hàng ngày.
Pháp luật và bạn đọc