Theo đó, dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh đi qua TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Long An, Bình Dương. Đây là dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 sơ bộ khoảng 122.774 tỷ đồng.

Dự án được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), loại Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), có sự tham gia của nguồn vốn Nhà nước (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương), phần còn lại là nguồn vốn của nhà đầu tư.

Theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh là tuyến vành đai cao tốc thuộc quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia, quy mô 8 làn xe, đầu tư trước năm 2030. Dựa trên khả năng cân đối nguồn vốn, bảo đảm hiệu quả đầu tư, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu thống nahất kiến nghị đầu tư phân kỳ.

Phối cảnh Vành đai 4 TP. Hồ Chí MinhPhối cảnh Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh (Ảnh: Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh)

Cụ thể, giải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang giai đoạn hoàn chỉnh rộng 74,5m; quy mô giai đoạn phân kỳ đầu tư sẽ đầu tư phân kỳ phần đường bộ cao tốc có tim tuyến đi trùng tim quy hoạch, với quy mô 4 làn xe cao tốc hoàn chỉnh rộng 25,5m.

Đầu tư đường song hành, đường gom 2 bên tuyến đường bộ cao tốc qua khu dân cư, khu đô thị (bố trí không liên tục) với quy mô tối thiểu 2 làn xe (đối với đường song hành) và đường giao thông nông thôn loại A hoặc loại B (đối với đường gom)…

Theo tính toán, tổng diện tích đất được sử dụng cho dự án là khoảng 1.415,49ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 455,71ha, đất nông nghiệp khác khoảng 245,16ha, đất ở khoảng 152,21ha, đất trồng cây lâu năm khoảng 511,33ha, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khoảng 5,90ha; đất khác khoảng 45,18ha.

Số hộ bị ảnh hưởng bởi dự án khoảng 5.862 hộ, trong đó TP. Hồ Chí Minh 1.280 hộ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 595 hộ; tỉnh Đồng Nai 1.697 hộ; tỉnh Long An 2.290 hộ.

Sơ bộ kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án là 40.994,42 tỷ đồng, gồm TP. Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Củ Chi) khoảng 6.691,36 tỷ đồng; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khoảng 3.924,03 tỷ đồng; tỉnh Đồng Nai khoảng 9.321,45 tỷ đồng, tỉnh Long An khoảng 19.529,61 tỷ đồng, TP. Hồ Chí Minh (đoạn qua huyện Nhà Bè) khoảng 1.527,97 tỷ đồng. UBND TP. Hồ Chí Minh và các địa phương kiến nghị phân chia dự án thành 2 nhóm dự án thành phần.

Nhóm 5 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường gom, đường song hành sẽ được thực hiện bằng vốn ngân sách địa phương và vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ.

Nhóm 5 dự án thành phần về đầu tư xây dựng theo phương thức PPP, loại Hợp đồng BOT, gồm: Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (bao gồm cầu Châu Đức ranh giới với tỉnh Đồng Nai) do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu là cơ quan có thẩm quyền. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 4.702,56 tỷ đồng.

Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Đồng Nai (bao gồm cầu Thủ Biên) do UBND tỉnh Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 15.966,60 tỷ đồng.

Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận TP. Hồ Chí Minh (bao gồm cầu Phú Thuận qua sông Sài Gòn và cầu Thầy Cai qua kênh Thầy Cai) do UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 7.550,02 tỷ đồng.

Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Long An đoạn từ cầu Thầy Cai đến cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 21.643,73 tỷ đồng.

Xây dựng tuyến chính cao tốc trên địa phận tỉnh Long An và TP. Hồ Chí Minh (khoảng 3,8km), đoạn từ cao tốc Hồ Chí Minh - Trung Lương đến Hiệp Phước do UBND tỉnh Long An là cơ quan có thẩm quyền. Tổng kinh phí xây dựng vào khoảng 24.166,01 tỷ đồng.

Theo tiến độ, dự án Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh sẽ lựa chọn nhà đầu tư vào năm 2025. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện từ năm 2025, hoàn thành năm 2026. Dự kiến quý I, II/2026 sẽ khởi công dự án và hoàn thành năm 2028.

Hoàng Bách(t/h)