Theo Sở Giao thông Vận tải, trong 20 tháng, hệ thống thu phí có trên 68.800 doanh nghiệp đăng ký, bình quân mỗi ngày từ 2.000 đến 3.000 doanh nghiệp khai báo và nộp phí.
Với nguồn phí thu được, TP. HCM trích 1,3% dùng cho các chi phí nâng cấp hệ thống, thuê thiết bị vận hành...
Dự kiến từ năm 2024, tỷ lệ trích để lại là 1,5% mới đảm bảo chi phí thuê thêm thiết bị, thực hiện chi cho hải quan và các doanh nghiệp khai thác cảng.
Còn lại toàn bộ nộp về ngân sách thành phố để bố trí đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối cảng biển trên địa bàn TP.HCM. Cụ thể HĐND TP. HCM đã thông qua danh mục 27 công trình trọng điểm kết nối hạ tầng giao thông khu vực cảng biển.
Trong danh mục 27 công trình trọng điểm được sử dụng nguồn này, giai đoạn 2021-2025 có đến 15 công trình với tổng vốn 24.000 tỷ đồng đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư.
Một số công trình lớn, giúp khơi thông đường vào cảng Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ như: Xây dựng Vành đai 2, đoạn cầu Phú Hữu đến nút giao Bình Thái – kinh phí 9.047 tỷ đồng (thực hiện 2021-2024) và đoạn từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng – kinh phí 5.570 tỷ đồng ( thực hiện 2021-2024).
Mở rộng Vành đai 2, đoạn cầu Phú Mỹ đến nút giao Mỹ Thủy, – kinh phí 1.219 tỷ đồng (thực hiện 2022-2024), đoạn từ cầu Mỹ Thủy đến đường Nguyễn Duy Trinh và đoạn Nguyễn Duy Trinh đến cầu Phú Hữu – kinh phí cho 2 đoạn 2.300 tỷ đồng (thực hiện 2022-2024).
Hay công trình mở rộng đường Nguyễn Thị Định từ nút giao Mỹ Thủy đến phà Cát Lái –kinh phí 1.200 tỷ đồng; Mở rộng đường Nguyễn Duy Trinh (đoạn từ Vành đai 2 đến KCN Phú Hữu); Xây dựng cầu Cát Lái – kinh phí 8.800 tỷ đồng; Xây dựng Vành đai 3 đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch; mở rộng đường Đồng Văn Cống…
Dự án nút giao An Phú dự kiến hoàn thành đầu năm 2025, đến năm 2026 thông xe Vành đai 2, kết hợp đường liên cảng được xây dựng thì cửa ngõ phía Đông sẽ thông thoáng. Xe ra vào cảng thuận lợi, giảm thời gian quay vòng thì chi phí logictics sẽ giảm và tăng hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.