Theo phản ánh của ông Nguyễn Văn Đôn (SN 1943, ngụ P. Tân Hưng, Quận 7), năm 1983, ông mua thửa đất có diện tích 1.200m2, thuộc thửa 8-1,9-1 tờ bản đồ số 29 và số 30, ấp 3, xã Tân Quy, huyện Nhà Bè (nay thuộc 396/12 Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Quận 7) của bà Phạm Thị Muôn (đã mất) để làm xưởng sữa chữa tàu ghe với giá 135.000 đồng.
Việc mua bán thông qua hình thức viết giấy tay được bà Muôn ký, lăn dấu vân tay dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn Viên (SN 1925) tổ trưởng tổ dân phố thời điểm đó và ông Nguyễn Thanh Bạch (SN 1940) người địa phương cư trú gần thửa đất bà Muôn.
Giấy mua bán đất bà Nguyễn Thị Muôn và ông Nguyễn Văn Đôn, có sự xác nhận con gái bà Muôn.
Năm 1985, ông Đôn vi phạm pháp luật và bị xử phạt tù thời hạn 5 năm. Trong thời gian thi hành án, ông Đôn đã nhờ vợ chồng ông Nguyễn Văn Thanh và bà Phạm Thị Có trông coi giúp phần đất.
Năm 1990, khi mãn hạn tù trở về địa phương, ông Đôn phát hiện phần đất của mình bị ông Thanh bán cho nhiều người, trên phần đất xuất hiện nhiều công trình được cất dựng. Lúc này, ông Đôn yêu cầu ông Thanh giao lại đất nhờ trông coi thì ông Thanh không chịu hợp tác, chỉ giao lại một phần diện tích nhỏ, dẫn tới việc tranh chấp xảy ra.
Quá bất bình, ông Đôn đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại, kêu cứu tới các cấp chính quyền địa phương, các cơ quan có thẩm quyền can thiệp, giải quyết. Thế nhưng, tới nay, sau gần 30 năm vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, thửa đất vẫn nằm trong tình trạng tranh chấp giữa các bên.
Điều đáng nói hơn nữa, trong khi thửa đất vẫn nằm trong tình trạng tranh chấp kéo dài, chưa được các cơ quan giải quyết dứt điểm, chưa được chính quyền cấp Giấy CNQSDĐ, thế nhưng trên phần đất tranh chấp mà ông gia đình ông Thanh sử dụng và bán lại cho nhiều người xuất hiện nhiều công trình xây dựng không phép
Các công trình xây trái phép.
Theo ghi nhận của phóng viên, trên phần đất tranh chấp mà gia đình ông Thanh bán lại cho những người khác, xuất hiện hàng chục căn nhà được xây dựng kiên cố, kết cấu dạng một trệt một lầu. Phần lớn đều được gắn biển số nhà.
Điều khiến gia đình ông Đôn bức xúc hơn nữa, khi cùng nằm trên phần đất tranh chấp, những hộ dân mua lại đất của ông Thanh được xây dựng các công trình, nhà cửa kiên cố thì 13 con người trong gia đình ông, phải sống trong căn nhà xập xệ, tạm bợ được che bằng đủ thứ phế liệu tôn, bạt.
Gia đình ông Đôn phải sống cảnh tạm bợ, tồi tàn.
“Đóng cái đinh, sửa cái mái để chống dột thôi, phường cũng xuống lập biên bản với lý do làm trái phép. Gia đình rất bức xúc khi phải sống mãi trong căn nhà trời mưa thì dột, trời nắng thì nóng”, anh Hưng, con trai ông Đôn bức xúc cho biết.
Sự việc khó hiểu này khiến dư luận đặt ra câu hỏi, tại sao trên cùng thửa đất đang tranh chấp, những hộ dân khác được phép xây dựng nhà cửa kiên cố còn gia đình ông Đôn lại không được phép? Các công trình xây dựng trái phép này đã tồn tại nhiều năm qua, chính quyền các cấp Quận 7 không biết hay cố tình “làm ngơ”? Do công tác quản lý địa bàn yếu kém hay có tiêu cực?.
“Nhiều năm qua dù đã gõ cửa, gửi đơn nhiều cơ quan chức năng nhưng không có cơ quan nào trả lời đơn thư của tôi. Như vậy làm sao tôi biết được vụ việc được xử lý như thế nào. Chưa kể, tại sao các nhà xung quanh mua bán khi đất đang tranh chấp lại được xây dựng, còn khu đất của tôi lại không được xây dựng? Không những vậy, mặc dù mảnh đất đang tranh chấp và các cơ quan chức năng vẫn chưa có phán quyết cuối cùng nhưng chính quyền địa phương lại cho phép cập nhật, kê khai và cho đóng thuế?” - ông Đôn bức xúc, đặt ra nhiều nghi vấn.
Ngày 25/7/2019, Thành ủy TPHCM đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Tuy vậy, thực trạng hàng loạt công trình xây dựng trái phép vẫn tồn tại năm này qua năm khác tại địa chỉ 396/12 Trần Xuân Soạn, P. Tân Hưng, Q.7 khiến dư luận đặt câu hỏi việc thực hiện Chỉ thị của Thành ủy phải chăng rơi vào tình trạng “trên bảo dưới không nghe”?