TP HCM: Huyện Bình Chánh sẽ lên thành phố vào năm 2025

Bình Chánh sẽ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ theo hướng đô thị thông minh để thực hiện chủ đề năm của TP và phục vụ người dân và doanh nghiệp.

binh-chanh-se-len-quan-nam-2025-1636678720.jpeg

Bình Chánh đã đạt được một số tiêu chí và phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025.

Hướng đô thị thông minh để lên thành phố…

Theo ông Trần Văn Nam, ở phía đông có TP.Thủ Đức còn phía tây nam sẽ có TP.Bình Chánh. Hiện nay, Ban Thường vụ Huyện ủy cân nhắc giữa phương án chuyển từ huyện lên quận hay từ huyện lên thành phố. Tuy nhiên, đối chiếu với bộ tiêu chí lên thành phố thì huyện đã đạt được một số tiêu chí và cố gắng phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025.

Cũng theo ông Nam, tuy nhiên, để làm được điều này cần có quyết tâm rất cao, đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cán bộ phục vụ nhân dân. Huyện sẽ tập trung tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, giải quyết một loạt vấn đề liên quan đến bức xúc của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực nhà đất.

ong-tran-van-nam-1636678768.jpeg

Ông Trần Văn Nam - Bí Thư Huyện uỷ Bình Chánh: đối chiếu với bộ tiêu chí lên thành phố thì huyện đã đạt được một số tiêu chí và cố gắng phấn đấu trở thành thành phố vào năm 2025.

Bên cạnh đó, huyện cũng tập trung cải cách hành chính, kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, đảng viên cố ý làm sai, sách nhiễu, trục lợi.

Theo ông Nam, đi cùng với sự phát triển của thành phố Bình Chánh trong tương lai, huyện sẽ đẩy nhanh ứng dụng công nghệ theo hướng đô thị thông minh. Hiện huyện đã thuê Tập đoàn Viettel xây dựng đô thị thông minh để vừa thực hiện chủ đề năm của thành phố vừa phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Đáng chú ý, tại buổi đối thoại, ông Trần Văn Nam, khẳng định: quan điểm của huyện là cái gì thuộc thẩm quyền thì giải quyết ngay, cái gì thuộc thẩm quyền của thành phố thì huyện sẽ cùng các doanh nghiệp đeo bám để tháo gỡ, còn cái gì chưa thống nhất chung thì thảo luận đi đến thống nhất chung hướng đến mục tiêu cao nhất là sự phát triển của huyện.

“Cái nào chính quyền sai thì lãnh đạo huyện sẽ nhận, không có gì phải xấu hổ. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp làm chưa đúng thì phải chấp hành quy định của pháp luật. Sắp tới huyện sẽ rà soát các dự án chậm triển khai, xử lý các dự sai phạm, đảm bảo quyền lợi người dân”- ông Nam nhấn mạnh.

… và kỳ vọng với 5 huyện ngoại thành

Trước đó, kế hoạch 5 huyện ngoại thành TP HCM là Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ chuyển thành quận, được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị đất đai, hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ, quy hoạch triển khai khả thi hơn, các dịch vụ, tiện ích đi kèm và đời sống văn hóa tăng lên…, chứ không đơn thuần là việc thay đổi tên gọi.

binh-chanh-1636678818.jpeg

Trước đó, kế hoạch 5 huyện ngoại thành TP HCM là Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ chuyển thành quận, được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng giá trị đất đai, hạ tầng được đầu tư hiện đại và đồng bộ.

Trong tờ trình vừa gửi UBND TP HCM về công tác chuẩn bị xây dựng đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc TP thuộc TP HCM, Sở Nội vụ cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chuyển 3 huyện: Nhà Bè, Hóc Môn và Bình Chánh; trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ triển khai ở 2 huyện còn lại là Cần Giờ và Củ Chi.

Sở Nội vụ đánh giá 5 huyện ngoại thành nằm ở vị trí cửa ngõ, kết nối với các tỉnh thuộc miền Đông và Tây Nam bộ. Trong những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, nhiều khu đô thị, hạ tầng, tuyến cao tốc đã và đang được xây dựng; trình độ dân trí, lối sống đô thị được hình thành rõ nét và không khác biệt nhiều so với các quận nội thành.

Theo Sở Nội vụ, nằm ở cửa ngõ tây bắc TP.HCM, H.Hóc Môn rộng hơn 109 km2, dân số hơn 462.000 người, đáp ứng đầy đủ tiêu chí về trình độ phát triển kinh tế - xã hội và cơ sở hạ tầng của một quận. Xếp sau là các huyện: Bình Chánh, Nhà Bè, Củ Chi và Cần Giờ. Nhìn chung, bộ mặt đô thị các huyện đã từng bước thay da đổi thịt, hình thành nên một số khu đô thị mới như khu dân cư Trung Sơn (xã Bình Hưng, H.Bình Chánh), xã Phước Kiển (H.Nhà Bè)…

Tuy nhiên, tình trạng mất kiểm soát trong quản lý đô thị ở các huyện ngoại thành kéo dài nhiều năm qua đã khiến quy hoạch bị phá vỡ, người dân xây dựng nhà cửa trên đất nông nghiệp, hình thành các khu dân cư tự phát, thiếu thốn các thiết chế văn hóa. Từ năm 2019 trở về trước, Bình Chánh và Hóc Môn từng là điểm nóng về trật tự xây dựng với hàng trăm vụ vi phạm mỗi năm.

Do đó, để hiện thực hóa đề án chuyển huyện thành quận, Sở Nội vụ cho rằng cần ưu tiên ngân sách để tổ chức lập, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, nhất là các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch chi tiết các khu đô thị mới...

Bên cạnh đó, cần tạo ra các cơ chế, chính sách để huy động mạnh mẽ các nguồn lực từ người dân, doanh nghiệp các địa phương khác và vốn đầu tư nước ngoài phát triển kết cấu hạ tầng các khu đô thị, khu công nghiệp, khu du lịch, khu thương mại…

Theo đề án chuyển một số huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021 - 2030 mà Sở Nội vụ đang xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ chuyển huyện Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè thành quận hoặc thành lập thành phố thuộc TP HCM; trong giai đoạn 2025 - 2030 sẽ chuyển 2 huyện Củ Chi và Cần Giờ thành quận hoặc thành phố thuộc TP HCM.

NGÂN GIANG