tp-hcm-tap-trung-thao-go-cho-38-du-an-bat-dong-san-1676675401.jpeg
TP. HCM tập trung tháo gỡ cho 38 dự án bất động sản (ảnh minh họa)

Theo Phó chủ tịch UBND TP. HCM Bùi Xuân Cường, thị trường bất động sản tại TP. HCM trong 2 năm 2021-2022 có 47 dự án với hơn 28.000 căn hộ được đưa ra thị trường.

Các phân khúc thị trường chưa có sự đồng bộ, nhất là phân khúc nhà ở giá rẻ, bình dân. Các sản phẩm, các thị trường chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Dự kiến trong năm 2023, thị trường bất động sản sẽ gặp không ít khó khăn, TP. HCM đang tập trung điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung cầu, hiện đang có xu hướng lệch về phân khúc trung cấp.

Về nguyên nhân dẫn đến khó khăn của thị trường bất động sản, Phó chủ tịch UBND TP. HCM chỉ ra một số nguyên nhân chính như các quy định pháp luật liên quan (Đầu tư, Đất đai, Kinh doanh bất động sản, Nhà ở, Đấu thầu…) có nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, nhóm hồ sơ pháp lý của một số dự án trong thời điểm trước đây có nhiều nội dung cần phải rà soát lại để bảo đảm đúng quy định cũng gây mất nhiều thời gian, có một số trường hợp vượt thẩm quyền địa phương. Cùng với đó là nguyên nhân chủ quan khi có một số cán bộ sợ trách nhiệm trong xử lý các vấn đề tồn đọng.

Phó chủ tịch TP. HCM cho biết chính quyền thành phố sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án bất động sản chậm tiến độ về pháp lý, các dự án chưa nộp tiền sử dụng đất, các dự án mà chủ đầu tư chậm trễ trong việc làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn với lợi ích của người dân.

Thành phố đã lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản có sử dụng đất và không sử dụng vốn nhà nước; kết hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội bất động sản để giải quyết theo chuyên đề. Hiện thành phố đã phân loại khoảng 116 dự án bất động sản, trong đó có 38 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm, hàng tuần sẽ tìm giải pháp tháo gỡ.

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM, có 2 khó khăn lớn của thị trường bất động sản hiện nay, trong đó vướng mắc pháp lý chiếm 70%, còn lại là khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

Việc tháo gỡ vướng mắc pháp lý cần thời gian vì luật, trong khi đó, nguồn vốn tín dụng là "bà đỡ" cho người mua nhà và người mua nhà tạo dòng tiền, tạo thanh khoản cho doanh nghiệp bất động sản, nên rất cần hỗ trợ tín dụng ngay.