Khoảng 4 năm trở lại đây, phong trào chơi lan nở rộ khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Khi nhu cầu ngày càng lớn thì việc kinh doanh lan đã trở thành một nghề "hốt bạc". 

Nhưng khi cơn sốt qua đi, hậu quả để lại với những người nuôi mộng làm giàu là quá lớn. Từng được biết đến với những cuộc giao dịch thổi giá tiền tỷ nhưng hiện giờ lan phi điệp đột biến đang được nhiều nhà vườn rao bán với mức giá rẻ song vẫn khó bán vì không mấy ai mặn mà. Thú vui hết thời này đã khiến không ít người lâm vào cảnh tán gia bại sản.

"Cắm" sổ đỏ chơi lan, giờ ôm nợ vài tỷ đồng

Anh Đ.S (36 tuổi; ngụ TP Vinh, Nghệ An) cho biết, cách đây 2 năm, từ một người chưa biết gì về hoa phong lan, anh S. vô tình lướt Facebook và thấy nhiều người giàu lên từ thú chơi xa xỉ này. Điển hình phải kể đến cuộc giao dịch thành công giò lan phi điệp đột biến có tên "Bướm đại ngàn" với giá 1,1 tỷ đồng. Sau đó không lâu, giò lan này được rao với giá mới: 100 tỷ đồng.

Cứ thế, mỗi ngày có biết bao cuộc giao dịch tiền tỷ từ lan đột biến được tổ chức và phát livestream trên mạng xã hội, anh S. bị cuốn vào vòng xoáy này lúc nào không hay. Tìm hiểu vài tuần, anh S. quyết định đầu tư với mong muốn đổi đời.

Tình cảnh nhiều người bỏ tiền tỷ 'ôm' lan đột biến - 1

Hoa lan phi điệp tại vườn của anh S giờ bán không ai mua.

Bỏ dở việc kinh doanh ăn uống đang ổn định, anh S. quyết liều rót hết tiền vào mô hình kinh doanh mới. Riêng tiền khung dàn để làm vườn trên cao cho hoa lan trong căn nhà 2 tầng đã ngốn mất của anh hơn 500 triệu đồng.

Những ngày đầu "vào nghề", do chưa có kinh nghiệm về lan nên anh S. buộc phải mua lại lan của người chơi trước. Đắt có, rẻ có, anh mua ồ ạt hàng trăm giò lan với mong muốn tìm được lan phi điệp 5 cánh trắng đột biến.

Dốc hết vốn liếng, anh S. dùng thêm 400 triệu đồng còn lại để mua lan. Vườn lan mỗi ngày mỗi nhiều, thế nhưng đối với anh S. thì bao nhiêu cũng chưa đủ. Đỉnh điểm, mặc những can ngăn từ gia đình, anh S. vẫn quyết định thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để có tiền mua lan.

"Giờ ngồi kể lại thì cũng chỉ biết chép miệng thôi, thấy có lỗi với vợ con, giờ vợ chồng còn chẳng nói chuyện với nhau như trước. Cũng tại tui, giờ tiền tích góp của gia đình hết sạch, còn gánh thêm vài tỷ đồng tiền nợ. Lúc mới chơi "máu" lắm, thêm mấy ông chơi trước "thổi" nữa nên tôi lú lẫn. Vì thật ra mà nói, làm ăn đàng hoàng thì đâu có ai giàu nhanh vậy được. Lừa lọc nhau cả thôi", anh S. buồn bã nói.

Theo lời kể của anh S., sau khi vào các hội nhóm chơi lan trên Facebook, anh tiếp tục tham gia vào các buổi livestream bán theo hình thức xổ số đầy may rủi. Theo quảng cáo từ người bán, tất cả hoa lan đều chưa nở, ai may mắn và biết chọn lựa thì chọn được giò phi điệp đột biến. Để dẫn dụ "con mồi", người bán không ngần ngại thề thốt, hứa hẹn đền bù nếu phát hiện lừa đảo.

Thế nhưng, sau khi chuyển tiền và nhận hoa, anh S. mới phát hiện hàng chục giò hoa đều là hoa đã nở. Điều này đồng nghĩa người bán biết chắc chắn các giò này không phải giống lan đột biến từ trước. Khi anh S. liên hệ để đòi lại tiền thì các trang Facebook và số điện thoại đều "bay màu". Các giao dịch đều được thực hiện qua mạng nên anh S. buộc ngậm ngùi ngậm trái đắng.

Tình cảnh nhiều người bỏ tiền tỷ 'ôm' lan đột biến - 2

Vườn lan 2 tầng của anh S. tại TP Vinh.

Mua trăm triệu, giờ bán vài triệu không ai mua

Cũng rơi vào thảm cảnh do mê muội lan đột biến, anh N.V.P (47 tuổi; ngụ huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) cho biết, anh chơi lan cũng gần chục năm nay. Tuy nhiên, trước đây anh chỉ mua các giò lan từ người dân huyện miền núi đi rừng và lấy được. Các giò này chỉ 2 triệu đồng đổ lại, xem như vừa làm thú chơi vừa đẹp nhà cửa.

Đến đầu năm 2019, thị trường lan đột biến bỗng trở nên rầm rộ. Phần vì tò mò, phần vì muốn thử vận may của mình, anh P. bắt đầu gom tiền với ý định kinh doanh lan nghiêm túc. Qua sự giới thiệu của bạn bè, anh tham gia cộng đồng những người chơi lan trên Facebook và được hướng dẫn mua lan qua các buổi bán hàng livestream.

Do "có mối" từ trước, anh P. mở rộng thêm nguồn hàng. Những ngày đầu, mỗi ngày anh đều nhập về hàng trăm kg lan rừng với giá 4-5 triệu đồng/kg. Với số lượng lớn này, anh mong vận may của mình sẽ giúp tìm ra lan phi điệp đột biến. Đồng thời, anh cũng mở các buổi livestream để tự bán hàng.

Trong 2 tháng "nghiêm túc đầu tư", anh tiêu tốn gần 3 tỷ đồng. Trong khi đó, số tiền thu về từ các buổi livestream chỉ là con số nhỏ lẻ. Dù nhiều người góp ý, khuyên nhủ dừng lại nhưng anh P. vẫn giữ quan điểm "liều ăn nhiều" để tìm đường đến gần hơn với lan đột biến.

Tình cảnh nhiều người bỏ tiền tỷ 'ôm' lan đột biến - 3

Những ngày đầu, mỗi ngày anh P. đều nhập về hàng trăm kg lan rừng với giá 4-5 triệu đồng/kg.

"Lan trong vườn của tôi hiện một nửa mua từ người dân đi rừng, một nửa mua từ các buổi livestream. Mua trên livestream thì đắt hơn, giò đột biết giá cao nhất tôi từng mua có giá 130 triệu đồng. Nhưng giờ đang rao 10 triệu đồng không ai mua", anh P. cho hay.

Theo anh P., lý do lan rớt giá thảm một phần vì giống đột biến được nhân quá nhiều, phần vì ban đầu mua "hớ", bị người ta thổi giá mà không hay.

"Hồi đó, những mặt bông 5ct có giá hàng trăm triệu, thâm chí cả hàng tỷ đồng một mâm bé tí hoặc chậu nhỏ. Giá chát vậy nhưng rất nhiều người mua, họ mua để nhân giống rồi bán lại. Cái giò 130 triệu đồng cũng được tôi mua đợt đó, tôi cũng nhân giống ra được mấy chục giò. Lúc hiếm thì đắt, giờ tràn lan rồi thì rẻ bèo. Không ai mua, mà không bán sớm thì để lại càng rẻ", anh P. thở dài.

Một chiêu thức khác của các siêu lừa khiến người mới chơi lan sập bẫy đó là tự tạo ra thị trường ảo. Theo đó, khi phong trào đầu tư vào lan thành một thị trường riêng, nhiều người bắt đầu tạo ra những cuộc giao dịch khủng với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng.

Các giao dich này tập trung vào chuyển nhượng những chậu lan có mặt bông được xem là xuất sắc và hiếm hoi. Mục đích để đẩy giá giống lên, sau đó bán giống ra thị trường cho những người chơi khác.

Nếu để ý kỹ có thể nhận ra những cuộc chuyển nhượng mà cả người bán và người mua đều là một, chung công ty, chung nhóm. Họ cố tình tạo ra các cuộc mua bán ảo, người này đưa, người kia đẩy, cứ thế giá cao vút trên trời.

Tình cảnh nhiều người bỏ tiền tỷ 'ôm' lan đột biến - 4

Ôm mộng đổi đời từ lan đột biến, nhiều người đã lâm vào cảnh tán gia bại sản.

"Đại loại thế này, anh A bán cho anh B giò lan đột biến giá 10 tỷ và mời nhiều người chơi lan đến tham dự, chứng kiến. Buổi giao dịch này được phát livestream trên nhiều hội nhóm. Từ giao dịch này, nhiều người biết anh B có giống đó và sẵn sàng mua giá cao theo như giá trị trong cuộc chuyển nhượng.

Giờ thử nghĩ lại, có ai xác thực được là anh B có mua chắc chắn với giá như vậy của anh A hay không, hay là chỉ tổ chức buổi giao dịch và đặt một đống tiền, một chậu lan để làm màu. Sau cái bắt tay chốt giao dịch thành công thì tiền ai lại về người đó, còn mạng xã hội thì lan truyền nhau giao dịch bạc tỷ và giống lan đắt đỏ...", anh P. phân tích.

Sau một thời gian tăng giá sốc bằng những cuộc đẩy giá ảo, lan phi điệp đột biến đang dần trở về giá trị thực, dù có cao hơn so với giá thị trường thời điểm 5 năm về trước nhưng đã giảm đi nhiều.

Trước những "cơn sốt lan", không ít vụ lừa đảo đã bị lực lượng chức năng vạch trần như ở Hoà Bình, Thanh Hoá, Đắk Lắk...Tại Nghệ An, công an tỉnh này cũng đã xử lý nhiều băng nhóm lừa đảo bán lan đột biến tiền tỷ.

Các nhóm lừa đảo này hoạt động theo hình thức thuê nhà trồng lan, tổ chức sự kiện mua bán, tạo giá ảo cho các giò lan "fake". Sau đó, chúng tìm mối những người nhẹ dạ cả tin mua bán để kiếm lời. Không ít người đã chuyển hàng trăm triệu đồng để giao dịch...

THY HUỆ