Làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 tại TP HCM diễn biến hết sức phức tạp buộc thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong một thời gian dài. Dịch bệnh đã khiến mọi hoạt động sản xuất – kinh doanh trên địa bàn bị đình trệ, nhiều nhà máy phải giảm công suất hoặc dừng hoạt động để chống dịch.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP HCM, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 của thành phố ước tính giảm 22,4% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng năm 2021, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp trên địa bàn thành phố giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Sản xuất – kinh doanh bị đình trệ đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động tín dụng của các ngân hàng. Theo đó, trong 9 tháng năm 2021 tín dụng tại TP HCM dự ước tăng khoảng 6,41% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng chung của toàn ngành khi mà theo số liệu thống kê mới nhất của NHNN Việt Nam, đến 31/8/2021, tín dụng của toàn hệ thống tăng 7,42% so với cuối năm 2020.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự báo tín dụng trên địa bàn thành phố sẽ tăng nhanh trở lại trong những tháng cuối năm khi mà dịch bệnh trên địa bàn thành phố được kiểm soát và các hoạt động kinh tế phục hồi. Bên cạnh đó, những tháng cuối năm cũng là quãng thời gian các doanh nghiệp chạy nước rút để hoàn thành các đơn hàng, kéo theo nhu cầu vốn để phục hồi, mở rộng sản xuất cũng sẽ tăng.
Ngoài ra theo các chuyên gia, việc NHNN ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 01/2020/TT-NHNN theo hướng mở rộng phạm vi các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi suất, phí và giữ nguyên nhóm nợ cho các khoản nợ phát sinh trước 1/8; đồng thời kéo dài thời gian thực hiện cơ cấu nợ thêm 6 tháng đến ngày 30/6/2022 sẽ giúp nhiều khoản nợ của doanh nghiệp không bị chuyển vào nhóm nợ xấu, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc tiếp cận các khoản tín dụng mới để phục hồi sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, hiện mặt bằng lãi suất cho vay đã được các ngân hàng giảm xuống rất thấp để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và điều đó cũng sẽ kích thích nhu cầu tín dụng.
Cơ chế này cũng hỗ trợ phần nào cho hoạt động của các doanh nghiệp, mặt khác sẽ tiếp tục đẩy số dư nợ tái cơ cấu của các ngân hàng gia tăng nhiều hơn, từ đó cũng có thể ảnh hưởng lên tỷ lệ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng.
Về giải pháp tín dụng trên địa bàn thành phố, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó giám đốc phụ trách NHNN chi nhánh TP HCM cho biết, trong những tháng cuối năm NHNN thành phố sẽ chỉ đạo 11 TCTD trên địa bàn tiếp tục giải ngân gói tín dụng năm 2021 mà các TCTD này đã đăng ký cho vay hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số tiền 312.045 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 9, gói tín dụng này đã giải ngân được 216.571 tỷ đồng cho 19.278 khách hàng với lãi suất áp dụng tối đa không quá 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn VND và xoay quanh mức 9%/ năm đối với cho vay trung - dài hạn. Bên cạnh đó, NHNN chi nhánh thành phố sẽ chỉ đạo các TCTD tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tại các quận huyện và TP. Thủ Đức theo nhu cầu của doanh nghiệp, nhưng quy mô các lễ ký kết cho vay vốn giữa ngân hàng – doanh nghiệp nhỏ gọn để đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Đồng thời đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và UBND thành phố nhằm góp phần phục hồi kinh tế TP HCM.
Tuy nhiên, các TCTD trên địa bàn TP HCM cho rằng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn quý 4 năm nay có phục hồi, nhưng chưa thể trở lại như trước thời điểm làn sóng dịch bệnh Covid-19 thứ tư bùng phát. Đơn cử, những ngày qua chính quyền thành phố đã cho phép quận 7, huyện Củ Chi, Cần Giờ, khu công nghệ cao và các khu công nghiệp mở lại các quán ăn bán mang đi, nhưng người dân rất hạn chế mở bán kinh doanh, do lo ngại nhu cầu tiêu dùng chưa cao, nguồn hàng phập phồng, chi phí giao hàng (shipper) hiện nay rất cao.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, tín dụng chưa thể tăng mạnh vào quý 4 năm nay do các nguyên nhân sau. Thứ nhất, mặc dù thanh khoản của các TCTD đang rất dồi dào, các ngân hàng đều đã sẵn sàng nguồn vốn để cho vay, nhưng chính quyền thành phố mở cửa kinh tế có lộ trình theo hướng thận trọng do diễn biến dịch tại thành phố vẫn còn rất phức tạp.
Thứ hai, hoạt động sản xuất trở lại quý 4 sẽ chủ yếu các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu của cơ quan phòng chống dịch tiếp tục thì làm những đơn hàng cũ để hoàn tất hoạt động trong năm, những nhóm doanh nghiệp này nhu cầu vốn ngân hàng không cao.
“Tôi cho rằng kinh tế quý 4 năm nay của TP HCM sẽ chưa thể có đột biến để tín dụng tăng trưởng. Sang năm 2022 đầu tàu kinh tế này có thể mới bật dậy, cùng với đó nhu cầu tiêu dùng trên thị trường quốc tế phục hồi, khi đó nhu cầu vốn tín dụng mới tăng trở lại bình thường”, ông Nguyễn Đình Tùng nói.
Theo Thời báo Ngân hàng