Tin Covid-19 sáng 26/8: Bình Dương kỷ lục 12.000 ca xuất viện, Hà Nội cần xét nghiệm có trọng tâm; TP. Hồ Chí Minh F0 tăng do xét nghiệm rộng

Baoquocte.vn. Tối 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương thông tin trong ngày có 12.115 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 44.853 người.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam:

- Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 168/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 3.879 ca nhiễm).

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 377.245 ca, trong đó có 167.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

- Ngày 24/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân Covid-19 ghi nhận 335 ca tử vong tại TP. Hồ Chí Minh (266), Bình Dương (31), Long An (16), Đồng Nai (13), Đà Nẵng (3), Hà Nội (1), Bến Tre (1), Bình Phước (1), Khánh Hòa (1), Thừa Thiên Huế (1), Tiền Giang (1).

- Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến 25/8 là 9.349 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Covid-19 ở Việt Nam sáng 26/8: Bình Dương kỷ lục 12.000 ca xuất viện, Hà Nội cần xét nghiệm có trọng tâm; TP. Hồ Chí Minh F0 tăng do xét nghiệm rộng
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 381.363 ca nhiễm, đứng thứ 66/222 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bình Dương: Kỷ lục ngày có hơn 12.000 người khỏi bệnh

Tối 25/8, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương thông tin trong ngày có 12.115 bệnh nhân xuất viện, nâng tổng số bệnh nhân xuất viện tính từ đợt dịch thứ 4 lên 44.853 người.

Trong 24 giờ qua, tỉnh tiếp tục ghi nhận 4.129 ca mắc mới. Trong đó, số ca mắc tập trung nhiều nhất qua xét nghiệm sàng lọc cộng đồng với 2.128 ca (chiếm 51,5%) và trong khu phong tỏa 1.405 ca (chiếm 34%). 484 ca là kết quả khẳng định PCR tại khu cách ly tạm thời (chiếm 11,7%) và 112 ca tại cơ sở y tế (chiếm 2,7%). Thành phố Thuận An đang là điểm nóng ghi nhận lên đến 1.976 ca trong ngày 25/8, tăng 151,7%; tiếp đến là thành phố Dĩ An 855 ca, tăng 145%; thị xã Tân Uyên 533 ca.

Hiện các cơ sở điều trị Covid-19 trên địa bàn tỉnh đang điều trị 15.641 bệnh nhân, trong đó tầng 1 có 5.852 bệnh nhân, tầng 2 có 9.029 bệnh nhân và tầng 3 có 760 bệnh nhân. Tính từ đợt dịch thứ 4, tỉnh Bình Dương ghi nhận 81.182 ca mắc Covid-19; 670 bệnh nhân tử vong.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Bình Dương yêu cầu các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, đặc biệt lưu ý kết hợp linh hoạt, hiệu quả giữa tập trung chỉ đạo và phân cấp thực hiện, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương theo phương châm “ 4 tại chỗ”.

Tỉnh yêu cầu thần tốc xét nghiệm trên diện rộng là then chốt để phát hiện sớm, cách ly nhanh, phân loại kịp thời và điều trị phù hợp, hiệu quả người nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định của Bộ Y tế; điều trị giảm tử vong là ưu tiên hàng đầu.

Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ Sở Y tế, Ủy ban nhân dân các huyện thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị liên quan chuẩn bị đầy đủ về cơ sở thu dung, chăm sóc điều trị người bệnh và người nhiễm SARS-CoV-2, bảo đảm đủ oxy y tế, thuốc, trang thiết bị, vật tư và nhân lực y tế cho các cơ sở này; tổ chức huy động, tập huấn và phân bổ nhân lực cần thiết cho các địa phương có số ca nhiễm lớn, nhiều bệnh nhân nặng; bảo đảm việc phân loại, điều phối, chuyển tuyến kịp thời để điều trị tất cả bệnh nhân, đặc biệt đối với bệnh nhân có diễn biến nặng.

Các địa phương khẩn trương thiết lập các trạm y tế lưu động, trước mắt bố trí ngay tại các phường tăng cường giãn cách xã hội…

Covid-19 ở Việt Nam sáng 26/8: TP. Hồ Chí Minh F0 tăng cao do xét nghiệm diện rộng
Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho tiểu thương chợ Hà Đông, sáng 24/8. (Nguồn: TTXVN)

Hà Nội: Lấy mẫu xét nghiệm có trọng tâm, trọng điểm

Ngày 25/8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội (CDC Hà Nội) tổ chức buổi làm việc xin ý kiến chuyên gia công tác tăng cường xét nghiệm phòng chống Covid-19.

Tham dự và đóng góp ý kiến cho CDC Hà Nội có PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội; TS Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, thời gian qua Hà Nội đã triển khai 2 đợt xét nghiệm diện rộng với 1.126.042 mẫu tại 30 quận/huyện/thị xã, ghi nhận 83 trường hợp dương tính.

Số dương tính hầu hết ở các quận, huyện trọng điểm, khu vực dịch diễn biến phức tạp. Cụ thể, số dương tính phân bố tại Đống Đa (48), Hoàng Mai (14), Hoài Đức (6), Hà Đông (6), Hoàn Kiếm (4), Thanh Trì (3), Hai Bà Trưng (1), Thanh Oai (1).

Các trường hợp dương tính của 2 đợt theo khu vực là: khu vực nguy cơ cao (69), khu vực phong tỏa (11) và đối tượng nguy cơ cao (3), cho thấy dịch vẫn tập trung tại các quận trọng điểm, các ổ dịch đã được phát hiện.

Nguyên nhân là do giao lưu F0 xâm nhập vào; phần lớn tập trung ở khu chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều như chợ, siêu thị, khu tập thể cũ; lây nhiễm trong khu phong tỏa với mật độ dân cư cao, quản lý phong tỏa không chặt, vẫn có sự giao lưu; lây chéo trong khu cách ly, lây nhiễm từ khu cách ly ra cộng đồng...

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch bệnh, trong thời gian tới, đặc biệt thực hiện tốt công tác xét nghiệm tại cộng đồng, các chuyên gia góp ý Hà Nội cần thực hiện tốt công tác lấy mẫu xét nghiệm trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu tách F0 ra khỏi cộng đồng; đánh giá lại khu vực nguy cơ; đánh giá thêm về khu vực nguy cơ, đối tượng nguy cơ theo dịch tễ.

Nội dung thực hiện (không bao gồm các hoạt động xét nghiệm thường quy phòng chống dịch bệnh như đối tượng ho, sốt; khu phong tỏa; đối tượng truy vết; khu cách ly tập trung) đối với các khu vực và đối tượng lấy mẫu lựa chọn địa bàn, xã/phường nguy cơ cao tiếp giáp với các ổ dịch phức tạp; khu tập thể cũ tập trung đông người, chật hẹp (mật độ dân số cao, nhà/ngõ chật hẹp, giao lưu đi lại nhiều).

Lựa chọn đối tượng nguy cơ cao như shipper, người làm dịch vụ vận tải gồm lái xe các loại, người làm việc tại công ty cung ứng hàng hóa thực phẩm, người bán hàng tại chợ, siêu thị... và lựa chọn các khu vực khác theo diễn biến tình hình dịch.

Xét nghiệm bằng kỹ thuật PCR mẫu gộp 10. Tổ chức lấy mẫu là TTYT quận/huyện/thị xã gồm cán bộ của TTYT; hỗ trợ của các TTYT quận/huyện khác; lực lượng tình nguyện với hình thức lấy mẫu tập trung hoặc tại hộ gia đình.

Các mẫu được lấy do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, khối bệnh viện công lập của thành phố Hà Nội, các bệnh viện ngoài công lập và các bệnh viện Trung ương, bộ, ngành thực hiện xét nghiệm khẳng định.

Xử phạt hàng chục nghìn trường hợp vi phạm quy định phòng, chống dịch

Tối 25/8, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết, thực hiện Chỉ thị 17/CT-UBND của UBND thành phố, từ ngày 24/7 đến 15 giờ ngày 25/8/2021, lực lượng chức năng thành phố Hà Nội đã xử phạt gần 33.000 vụ vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19; trong đó cảnh cáo 295 vụ, phạt tiền 30.880 vụ, với số tiền gần 50 tỷ đồng; chuyển cơ quan Công an xử lý hình sự 6 vụ...

Cụ thể, lực lượng chức năng đã xử lý 26.718 trường hợp ra ngoài khi không thực sự cần thiết; 2.897 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng; 570 trường hợp không giữ khoảng cách khi tiếp xúc; 371 trường hợp vứt khẩu trang đã qua sử dụng không đúng nơi quy định; 184 trường hợp không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch Covid-19.

Ngoài ra, các lực lượng xử lý 441 vụ không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền bệnh dịch tại vùng có dịch; không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế có thẩm quyền trong quá trình thực hiện giám sát dịch bệnh.

Mặc dù vẫn đang trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhưng hiện nay lượng người ra đường vẫn còn nhiều, đặc biệt số vụ vi phạm đang có chiều hướng gia tăng. Chỉ tính riêng từ 15 giờ ngày 24/8 đến 15 giờ 25/8, toàn thành phố xử phạt 1.237 vụ, với số tiền trên 1,9 tỷ đồng. Trong đó có 1.127 vụ ra ngoài khi không thực sự cần thiết; 62 vụ không đeo khẩu trang nơi công cộng...

TP. Hồ Chí Minh số F0 tăng cao do xét nghiệm diện rộng

Chiều 25/8, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh sau 3 ngày thực hiện tăng cường giãn cách xã hội và các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố.

Theo báo cáo của Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Dương Anh Đức, phương tiện tham gia giao thông trên đường giảm 90% so với trước thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và giảm 25% so với ngày 22/8.

Bắt đầu từ ngày 25/8, TPHCM triển khai áp dụng mẫu giấy đi đường mới do Công an Thành phố in và cung cấp cho khoảng 130.000 người.

Từ ngày 23/ 8, Thành phố đã triển khai cho người dân tự lấy mẫu xét nghiệm tại nhà và triển khai xét nghiệm diện rộng trên toàn Thành phố, trong đó tập trung tại các khu vực có nguy cơ cao (vùng cam) và rất cao (vùng đỏ) với mục tiêu nhanh chóng tìm được các ca F0 trong cộng đồng. Do đó, trong 2 ngày vừa qua, số ca phát hiện của Thành phố tăng cao.

Về tiêm vaccine phòng Covid-19, đến nay đã có 5.348.751 người được tiêm mũi 1.223.026 người tiêm mũi 2. Các quận, huyện có tốc độ tiêm mũi 1 cho người đủ 18 tuổi trở lên đạt tỷ lệ cao trên 80% gồm: 3, 4, 5, 7, 10, 11, Cần Giờ, Phú Nhuận; một số đơn vị đạt tỷ lệ thấp dưới 60% gồm: Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân.

Lãnh đạo Thành phố cho biết thời gian qua các địa phương cả nước đã nhường vaccine cho TP. Hồ Chí Minh, đến nay Thành phố đã lo được nguồn vaccine và sẽ phấn đấu cơ bản 100% đối tượng được tiêm vaccine theo quy định của Bộ Y tế phải được tiêm mũi 1 và tổ chức tiêm mũi 2 đúng thời hạn cho những người đã tiêm mũi 1.

Hiện các cơ sở y tế trên địa bàn TPHCM đang điều trị 36.829 bệnh nhân; 21.031 trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi tại nhà, 20.862 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi tại nhà.

Thành phố đã thành lập 325 trạm y tế lưu động với sự chi viện của lực lượng quân y. Các địa phương đã chủ động chuẩn bị cơ số thuốc, cơ sở cách ly sẵn sàng cho tình huống số ca F0 sẽ tăng cao sau khi triển khai xét nghiệm diện rộng.

Covid-19 ở Việt Nam sáng 26/8: Bình Dương kỷ lục 12.000 ca xuất viện, Hà Nội cần xét nghiệm có trọng tâm; TP. Hồ Chí Minh F0 tăng do xét nghiệm rộng
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ về phòng, chống dịch Covid-19 đã làm việc với TP. Hồ Chí Minh. (Ảnh: ĐN)

Tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá qua 3 ngày đầu thực hiện Công điện số 1099/CĐ-TTg của Thủ tướng, TP. Hồ Chí Minh đã cơ bản triển khai tốt, giãn cách nghiêm và phải tiếp tục thực hiện thật triệt để đến tận bên dưới.

Phó Thủ tướng yêu cầu những khu, cụm dân cư dịch lây nhiễm rất đậm đặc, quá đông F0 phải phong toả như khu cách ly F0 thì phải có sự theo dõi đặc biệt, không để có những trường hợp chuyển nặng không được cấp cứu, xử trí kịp thời.

Đối với các trạm y tế lưu động do lực lượng quân y làm nòng cốt, tuyệt đối không để người dân cần trợ giúp y tế, nhất là các trường hợp F0 cách ly tại nhà khi gọi điện, thông báo qua các kênh liên lạc khác nhưng không ai biết; không để thiếu thuốc hỗ trợ điều trị.

Bên cạnh việc tổ chức đường dây nóng, các địa phương cần công khai cho người dân số điện thoại của cán bộ, lực lượng chức năng tại từng khu phố, tổ dân phố để người dân biết, liên lạc khi có nhu cầu.

Về an sinh xã hội, Phó Thủ tướng nêu rõ không bỏ sót bất kỳ người dân nào bị đói, dứt bữa. Lực lượng công an phải nắm được toàn bộ các đối tượng trên địa bàn để tham mưu cho chính quyền cơ sở chuẩn bị các gói hỗ trợ. Lực lượng quân đội chịu trách nhiệm đưa hàng hoá, lương thực, thực phẩm đển tận tay bà con.

Trong hoạt động điều trị, chăm sóc F0 trong khu cách ly, bệnh viện hoặc tại nhà, Phó Thủ tướng lưu ý phải đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cho những người này.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị phải tăng tốc tiêm vaccine phòng Covid-19. “Những chỗ nào bà con đồng ý tiêm thì các đồng chí tổ chức tiêm trước, cố gắng gọn theo từng cụm, ấp dân cư”, Phó Thủ tướng nói.

* Theo Công an tỉnh Hải Dương, từ ngày 27/7 đến nay, lực lượng chức năng trong tỉnh đã phát hiện, xử lý 2.482 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 với tổng số tiền xử phạt trên 3 tỷ đồng. Riêng ngày 25/8, phát hiện, xử lý 100 trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

* Ngày 25/8, UBND tỉnh Hà Nam có Công văn số về việc tăng cường quản lý các phương tiện vào địa bàn, quản lý người về từ vùng dịch, theo đó tăng cường hoạt động của các chốt kiểm soát dịch Covid-19 và bố trí lực lượng quản lý, phân luồng phương tiện giao thông.

Các phương tiện đi qua địa bàn tỉnh, yêu cầu không đi qua tuyến Quốc lộ 1A mà lưu thông trên đường cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình (hoặc ngược lại). Các phương tiện bắt buộc phải vào tỉnh Hà Nam để về tỉnh giáp ranh, yêu cầu xuống nút giao Liêm Tuyền đi hướng đường nối 2 cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với cầu Giẽ-Ninh Bình.

Các phương tiện được vào địa bàn tỉnh Hà Nam để cung cấp hàng hóa, nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, phục vụ dân sinh, yêu cầu phải có xác nhận địa chỉ điểm đến cụ thể tại Hà Nam và phải thực hiện đúng quy định về phòng, chống dịch.

* Tại Hội nghị giao ban trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp tối 25/8, lãnh đạo tỉnh yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thực hiện xét nghiệm sàng lọc diện rộng hiệu quả hơn, kịp thời tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, quyết tâm giảm sâu số ca mắc để chuyển trạng thái.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong yêu cầu đẩy mạnh xét nghiệm sàng lọc diện rộng hiệu quả hơn, trong đó thực hiện tầm soát RT-PCR lần 2 cho 100% đại diện hộ gia đình trong toàn tỉnh, tuyệt đối không bỏ sót đối tượng, nhất là các trường hợp đang có yếu tố bệnh lý; bảo đảm xét nghiệm định kỳ ở các khu vực, nhóm đối tượng nguy cơ cao. Thêm vào đó, quá trình lấy mẫu không được tập trung đông người; khuyến khích các địa phương mở rộng tầm soát dựa trên tình hình đặc điểm và mức độ diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn. Thời điểm hoàn tất việc xét nghiệm tầm soát là trước ngày 3/9.

CHU VĂN