Tin Covid-19 sáng 14/9: Sắp tiêm liều hai thử nghiệm vaccine Covivac; kỷ lục 1 triệu mũi tiêm/ngày; lý do TP. Hồ Chí Minh chưa bỏ giãn cách

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 624.547 ca nhiễm Covid-19; 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

trung-binh-1631576854.jpg

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 624.547 ca nhiễm Covid-19; 5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang.

Tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 624.547 ca nhiễm, đứng thứ 49/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 6.348 ca nhiễm).

Tính từ 17h ngày 12/9 đến 17h ngày 13/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 11.172 ca nhiễm mới, trong đó 04 ca nhập cảnh và 11.168 ca ghi nhận trong nước tại 35 địa phương, trong đó có 5.926 ca trong cộng đồng.

Như vậy, số ca nhiễm ghi nhận trong nước giảm 301 ca so với ngày 12/9. Tại TP. Hồ Chí Minh giảm 712 ca, Bình Dương tăng 463 ca, Đồng Nai giảm 206 ca, Long An tăng 42 ca, Tiền Giang tăng 81 ca.

- Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 12.446 ca/ngày.

- Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay):

+ Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 620.165 ca, trong đó có 383.004 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

+ Có 13/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nam, Lào Cai.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Thái Bình, Phú Thọ, Kon Tum, Quảng Ninh, Ninh Bình.

5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là TP. Hồ Chí Minh (303.475), Bình Dương (160.669), Đồng Nai (35.584), Long An (28.486), Tiền Giang (12.366).

Tình hình điều trị

Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày 13/9: 11.200, nâng tổng số ca được điều trị khỏi lên 385.778 ca.

Theo thống kê sơ bộ, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.035 ca, trong đó: Thở ô xy qua mặt nạ (3.805 ca); Thở ô xy dòng cao HFNC (1.131); Thở máy không xâm lấn (141); Thở máy xâm lấn (928); ECMO (30).

Trong ngày 13/9, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 298 ca tử vong, trong đó nhiều nhất là TP. Hồ Chí Minh (228 ca). Bổ sung dữ liệu 83 ca tử vong từ thời gian trước đó tại: Bình Dương (9), Đồng Tháp (52), An Giang (22).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 279 ca.

Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 15.660 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong do Covid-19 trên thế giới (2,1%).

Vì sao TP. Hồ Chí Minh tiếp tục giãn cách xã hội?

Chiều 13/9, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh (TP HCM) Phan Văn Mãi cho biết, Thành phố sẽ kéo dài giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thêm một thời gian, dự kiến đến cuối tháng 9. Việc này để đảm bảo việc chống dịch của thành phố bền vững hơn, từng bước nới lỏng, phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội

Theo người đứng đầu chính quyền thành phố, thời gian qua công tác phòng chống Covid-19 của TP HCM đã đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể, là việc giãn cách đã được thực hiện nghiêm, tỷ lệ "vùng đỏ" được thu hẹp, mở rộng "vùng xanh". Đến nay, theo thống kê có 53% tổ dân phố là "vùng xanh".

Một số địa phương như: quận 7, Cần Giờ, Củ Chi đã đạt được kết quả tích cực, cơ bản kiểm soát được dịch. Phú Nhuận, Nhà Bè, quận 5, 11 đã đạt được những kết quả rõ rệt, dự kiến 15/9 công bố.

Công tác quản lý thu dung, điều trị của thành phố có những bước tiến đáng kể, phù hợp với diễn biến dịch phức tạp. F0 được tiếp cận thuốc, hỗ trợ y tế kịp thời.

Sự giúp đỡ của các tổ quân y giúp quản lý F0 hiệu quả. Tất cả điều này giúp số ca cấp cứu, tử vong giảm đi.

Một kết quả khác cũng rất tích cực là độ phủ vaccine của TP HCM khá cao, đã có 6,5 triệu người mũi 1, chiếm trên 90% dân số 18 tuổi trở lên; 1,3 triệu người tiêm mũi 2, đạt 19%.

"Việc phủ vaccine là điều kiện quan trọng giúp TP HCM khôi phục lại cuộc sống mới, mở rộng hoạt động kinh tế", ông Mãi nói và cho rằng do còn một số tiêu chí "kiểm soát dịch" theo quyết định 3979 của Bộ Y tế mà TP HCM vẫn chưa đạt được nên cần có thêm thời gian.

Nói thêm về các tiêu chí kiểm soát dịch mà TP HCM chưa đạt được, Giám đốc Sở Y tế thành phố Tăng Chí Thượng cho biết có một tiêu chí của Bộ Y tế rất khó thực hiện là các ca mắc mới trong cộng đồng phải giảm liên tục so với 2 tuần trước đó và giảm 50% so với tuần có ca mắc cao nhất trong đợt dịch.

"Đối chiếu thời điểm này, thành phố vẫn chưa đạt các tiêu chí kiểm soát dịch, nhưng việc dịch trên địa bàn đang diễn tiến theo chiều khả quan...", ông Thượng nói và cho biết hiện biểu đồ ca mắc tại TP HCM đang đi theo đường ngang, không lên nhưng cũng không xuống, trung bình số ca mắc mới mỗi ngày dao động từ 5.000 đến 6.000 ca.

Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi nói: “Có thể nói đến lúc này, các chuyên gia và chúng ta chưa thể hiểu hết biến chủng Delta. Cho nên với một sức ép kéo dài của giãn cách xã hội, chúng ta phải mở cửa để phát triển kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, khi mở ra khả năng bùng phát là có thật và thực tế đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới”.

"Đây cũng là một trong những lý do Ban chỉ đạo phòng chống dịch thành phố rất cân nhắc. Chúng tôi biết sức ép mở cửa cho đến ngày 15/9 này rất lớn. Bởi đây là mong muốn của người dân, doanh nghiệp và nói thật chúng tôi cũng mong muốn như thế, cũng muốn được mở ra, phục hồi các sinh hoạt, những hoạt động kinh tế, xã hội ít nhất có thể", ông Mãi nói.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu chính quyền thành phố do những kết quả chống dịch của TP HCM thời gian qua dù chuyển biến tích cực nhưng chưa đạt được các tiêu chí kiểm soát. Vì vậy, để thận trọng, bảo vệ được các kết quả đã đạt được, mỗi người cần phải chịu khó thêm một thời gian nữa để kết quả chống dịch được bền vững hơn để khi thành phố mở cửa có thể yên tâm.

tinh-nguyen-1631576979.jpg

Người tình nguyện tiêm thử nghiệm vaccine Covivac giai đoạn hai tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, ngày 18/8. (Nguồn: CDC Thái Bình)

Tiêm liều hai thử nghiệm vaccine Covivac từ 15/9

Theo VnExpress, 375 tình nguyện viên tham gia thử nghiệm vaccine Covivac giai đoạn hai sẽ tiếp tục tiêm liều hai bắt đầu từ ngày 15-20/9.

Chiều 13/9, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Đình Thiểm, Giám đốc Trung tâm Thử nghiệm lâm sàng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, cho biết các tình nguyện viên đã tiêm liều một an toàn.

Một số phản ứng phụ thường gặp sau tiêm gồm sốt, đau đầu, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp... Số ít buồn nôn song đã được chăm sóc y tế và hồi phục.

Covivac là vaccine Covid-19 do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) nghiên cứu, phát triển, là vaccine thứ có một liệu trình gồm hai liều tiêm, cách nhau 28 ngày.

Vaccine đang thử nghiệm lâm sàng giai đoạn hai trên 375 người tại ba xã gồm Minh Lãng, Việt Hùng và Bách Thuận của huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình, bắt đầu từ 11/8.

Các tình nguyện viên chia làm 3 nhóm gồm 18-39 tuổi, từ 40 đến 59 tuổi và từ 60 tuổi trở lên. Mỗi nhóm khoảng 125 người, tỷ lệ nam nữ tương đối cân bằng.

Theo đề cương thử nghiệm, giai đoạn hai nhằm tiếp tục xác định tính an toàn, một phần tính sinh miễn dịch và tìm ra mức liều tối ưu để đưa vào thử nghiệm giai đoạn ba. Hiện vaccine thử nghiệm hai mức liều gồm 3 mcg, 6 mcg và sử dụng vaccine AstraZeneca để đối chứng.

Tiến sĩ Dương Hữu Thái, Viện trưởng Viện IVAC, cho biết nhóm nghiên cứu cũng đang xây dựng đề cương thử nghiệm vaccine giai đoạn ba.

Trong đó, nhóm dự định sẽ thực hiện trên 4.000 người ở các tỉnh Khánh Hoà, Bắc Ninh và Thái Bình, so sánh với nhóm tiêm vaccine đã được cấp phép là AstraZeneca. Dự kiến, giai đoạn ba bắt đầu vào tháng 12 năm nay.

Covivac là ứng viên vaccine Covid-19 tiềm năng thứ hai tại Việt Nam. Ứng viên vaccine Covid-19 thứ nhất là Nanocovax, hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba, bước vào quá trình đánh giá giữa kỳ để xin cấp phép khẩn cấp. Ứng viên thứ ba là ARCT-154, hiện thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một tại Hà Nội.

4 ngày liên tiếp, Việt Nam đạt kỷ lục 1 triệu mũi tiêm/ngày

Trong 4 ngày liên tục (từ 9 -12/9), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19 được tiêm, nâng tổng số mũi tiêm đến nay tại Việt Nam là hơn 29,3 triệu mũi.

Theo dữ liệu trên Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia cập nhật đến trưa ngày 13/9, cả nước đã tiêm chủng được hơn 29,3 triệu mũi tiêm vaccine Covid-19. Tính đến ngày 12/9, cả nước đã tiêm hơn 28,2 triệu mũi, trong đó tiêm 1 mũi là hơn 23 triệu, tiêm mũi 2 là hơn 5 triệu liều.

4 ngày liên tục (từ 9 -12/9), mỗi ngày Việt Nam đều đạt con số 1 triệu mũi tiêm. Cụ thể, số liệu tiêm ngày 9/9 là gần 1,1 triệu mũi; ngày 10/9 là hơn 1,15 triệu mũi; ngày 11/9 là hơn 1 triệu mũi và 12/9 cũng hơn 1 triệu mũi tiêm.

10 địa phương có tỷ lệ tiêm cao nhất (số mũi tiêm/số vaccine phân bổ theo quyết định) là Đồng Tháp, Bình Phước, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Cà Mau, Bến Tre, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Bắc Ninh và Cao Bằng.

Về tiến độ tiêm vaccine, theo thống kê từ Cổng thông tin tiêm chủng Covid-19, TP HCM đã thực hiện tất cả hơn 7,8 triệu mũi tiêm. Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vaccine đạt 113,39%.

Thành phố cũng đã nhận được hơn 8,7 triệu liều vaccine Covd-19 do Bộ Y tế phân bổ, chiếm 27,1% số lượng của cả nước.

Tại Hà Nội, theo số liệu của CDC, tính đến 12h ngày 13/9, toàn thành phố tiêm được 129.912 mũi tiêm vaccine phòng Covid-19. Tổng số mũi tiêm đã thực hiện được là hơn 4,6 triệu mũi (4.221.978 mũi 1; 388.360 mũi 2).

Thành phố đã được cấp hơn 4,9 triệu liều liều vaccine, đạt tiến độ 85,2% (Số mũi tiêm/tổng số vaccine được cấp).

Hai tỉnh có đạt trên 1 triệu mũi tiêm là Đồng Nai (hơn 1,5 triệu mũi) và Bình Dương (hơn 1,5 triệu mũi).

Theo số liệu của Bộ Y tế đến thời điểm này, Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 35 triệu liều vaccine Covid-19 từ các nguồn khác nhau, trong đó nhiều nhất là AstraZeneca.

Theo Báo Quốc Tế