Thời báo Tài chính Việt Nam ngày 28-10 đã tổ chức Diễn đàn Bất động sản 2022 với chủ đề: "Nguồn cung thị trường bất động sản TP HCM: Những vấn đề thực tiễn cần tháo gỡ".
Tại diễn đàn, các chuyên gia cho rằng thị trường bất động sản TP HCM đang gặp khó vì nhiều lý do.
Nhiều năm qua nguồn cung bất động sản hạn hẹp vì nhiều lý do trong đó có vướngmắc thủ tục pháp lý
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA), cũng cho rằng các yếu tố pháp lý đã khiến thị trường bất động sản hẹp nguồn cung. "Trước năm 2015, TP HCM có 170 dự án, nhưng chỉ có 44 dự án "thoát" được Nghị định 99/2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở 2014. Đến 2017 có thêm việc Chính phủ yếu cầu rà soát lại đất có nguồn gốc đất công thì 64 dự án tiếp tục bị đứng lại. Bao nhiêu tiền của doanh nghiệp đổ vào mà không triển khai được dự án, kể cả là dự án nhà ở xã hội vì thủ tục bị vướng" - ông Châu dẫn chứng.
Ngoài việc hạn chế nguồn cung thì 9 tháng đầu năm, trong hơn 11.600 căn hộ ra thị trường có đến hơn 80% là căn hộ cao cấp. Hệ quả là 5 năm qua giá nhà tăng liên tục tăng cao.
Theo ông Châu, một số quy định pháp luật thời gian qua đã thiếu tính đồng bộ, không liên thông nhau nên việc thực thi pháp luật thiếu hiệu quả, trong khi tâm lý cán bộ còn ngại "thà đứng trước hội đồng kỷ luật còn hơn hội đồng xét xử".
Đồng quan điểm, GS-TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ví von câu chuyện bất động sản luôn là "sáng nắng chiều mưa". "Ngữ nghĩa trong các quy định của pháp luật ở một số điểm không rõ ràng nên người dẫn đầu thành phố hay có uỷ quyền cho cấp dưới cũng không dám ký vì sợ "tai nạn" trách nhiệm, từ đó dự án mới ra thị trường dường như không có".
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia cho rằng Nghị quyết 18-NQ/TW năm 2022 về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao" sẽ là cơ hội để thị trường bất động sản phát triển ổn định hơn.
Tin-ảnh: S.Nhung
nguoilaodong