Xu hướng giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế sớm khôi phục trong giai đoạn dịch Covid-19 vẫn tiếp tục diễn ra. Trong đó, các ngân hàng (NH) thương mại liên tục điều chỉnh giảm mạnh lãi suất huy động, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất gửi tiết kiệm giảm mạnh
Đầu tháng 9, khoản tiền nhàn rỗi 600 triệu đồng gửi tiết kiệm của chị Khánh Thy (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) đến hạn tất toán. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng tại NH chị mở tài khoản nửa năm trước trên 7%/năm, giờ chỉ còn 6,35%/năm nếu gửi online, còn gửi tại quầy chỉ 5,6%/năm.
"Tôi quan sát một vòng lãi suất của nhiều NH thương mại, thấy giảm nhiều so với hồi đầu năm. Nay gửi kỳ hạn ngắn 1 tháng chỉ tầm 3,5%-4%/năm, trong khi khoản tiền nhàn rỗi của tôi mua bất động sản ở TP không đủ, vàng thì biến động mạnh, thấy rủi ro quá, trong khi chứng khoán tôi lại không am hiểu" - chị Khánh Thy nói. Chị cho biết sau đó chị tiếp tục chọn gửi NH kỳ hạn 6 tháng online để có mức lãi suất tốt hơn, chờ đến cuối năm xem thị trường thế nào rồi tính tiếp.
Ghi nhận tại nhiều NH thương mại, biểu lãi suất huy động tiếp tục được điều chỉnh theo hướng giảm. Tại NH Shinhan Việt Nam, lãi suất huy động kỳ hạn 1-2 tháng cao nhất chỉ 3%/năm nếu gửi tại quầy; kỳ hạn từ 36-60 tháng còn 5,2%/năm, giảm từ 0,1-0,2 điểm % so với trước đó.
Gủi tiết kiệm đang là kênh sinh lợi an toàn Ảnh: TẤN THẠNH
NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vừa áp dụng biểu lãi suất huy động mới từ đầu tháng 9-2020, theo hướng giảm tiếp ở nhiều kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng gửi tại quầy, áp dụng cho khách hàng dưới 50 tuổi gửi dưới 1 tỉ đồng chỉ còn 2,85%/năm, mức thấp kỷ lục được ghi nhận trong hệ thống các NH thương mại…
Báo cáo thị trường tiền tệ của Công ty Chứng khoán SSI mới đây cũng cho thấy lãi suất tiền gửi tiếp tục được điều chỉnh ở một số NH. Trong đó, 4 NH thương mại nhà nước đã giảm 0,3-0,4 điểm % ở các kỳ hạn 6-12 tháng, một số NH cổ phần khác giảm thêm 0,2 điểm % ở các kỳ hạn. Lãi suất tiền gửi của các NH cổ phần hầu hết cao hơn NH thương mại nhà nước từ 0,5-1,5 điểm %, nhưng theo SSI, cá biệt có một số NH cổ phần lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên còn thấp hơn cả NH thương mại nhà nước như ACB, Techcombank.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, nhìn nhận thời gian qua, các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm lãi suất ở tất cả kỳ hạn. Khối NH thương mại nhà nước giảm phổ biến khoảng 0,15-0,55 điểm %, khối NH cổ phần giảm khoảng 0,11-0,48 điểm %, khối NH liên doanh và nước ngoài giảm mạnh nhất tới 0,61 điểm % trong giai đoạn thống kê từ ngày 16-7 đến 15-8.
Dù vậy, huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP đến ngày 31-8 vẫn tăng 0,38% so với tháng trước và tăng 4,55% so với cuối năm ngoái. Mức tăng trưởng này cao hơn mức tăng tín dụng là 3,68% so với cuối năm ngoái.
Vẫn là kênh sinh lời an toàn
Tăng trưởng tín dụng 8 tháng của năm 2020 thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước phản ánh tác động của dịch Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN và nền kinh tế. Ngành NH vẫn đang tập trung nguồn lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 phục hồi sản xuất kinh doanh theo chủ trương của Chính phủ, NH Nhà nước và UBND TP HCM.
"Dù vậy, huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng vẫn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong bối cảnh lãi suất đầu vào tiếp tục hạ để hỗ trợ DN và nền kinh tế, cho thấy người dân vẫn chọn kênh gửi tiết kiệm cho dòng vốn nhàn rỗi của mình. Nếu so với các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán đang biến động mạnh, tỉ giá USD/VNĐ ổn định từ đầu năm đến nay… gửi tiết kiệm vẫn là kênh an toàn và sinh lời" - ông Nguyễn Hoàng Minh phân tích.
Dưới góc độ NH thương mại, lãnh đạo NH TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết thời gian qua, NH liên tục điều chỉnh giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ DN bị tác động bởi dịch Covid-19, hỗ trợ nền kinh tế. Do đó, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh giảm để phù hợp với xu hướng chung trên thị trường.
Trong biểu lãi suất mới nhất, lãi suất tiền gửi tại quầy các kỳ hạn dưới 6 tháng ở Nam A Bank chỉ còn 3,95%/năm, kỳ hạn dài từ 18-36 tháng là 7,2%/năm, giảm khá mạnh so với trước đó. Dù lãi suất huy động giảm nhưng dòng tiền nhàn rỗi chảy vào NH vẫn khả quan. Huy động vốn của Nam A Bank trong 8 tháng qua tăng khoảng 22%, dư nợ tín dụng cũng tăng tốt sau khi được NH Nhà nước nới hạn mức tín dụng.
"Trong thời điểm này, người dân cũng ngại đầu tư các kênh khác như vàng, chứng khoán, bất động sản bởi tiềm ẩn nhiều rủi ro… vì vậy với nhiều người, gửi tiết kiệm vẫn là lựa chọn hàng đầu. Điều này lý giải việc lãi suất đi xuống nhưng huy động vốn của các NH thương mại vẫn tăng trưởng tốt, thanh khoản của hệ thống dồi dào" - lãnh đạo Nam A Bank nhận định.
Phó tổng giám đốc một NH cổ phần quy mô lớn tại TP HCM cũng cho rằng lúc này, gửi tiết kiệm vẫn là kênh bảo toàn giá trị VNĐ so với các kênh khác. Giá vàng biến động mạnh, tăng giảm thất thường thời gian qua; chứng khoán trong nước do ảnh hưởng của thị trường thế giới và tác động của đại dịch Covid-19 khiến bức tranh không mấy sáng sủa. Đại dịch cũng khiến thị trường bất động sản khó khăn, khó giao dịch và kinh doanh mặt bằng cũng lao đao bởi người thuê trả mặt bằng, phải giảm giá…
"Lạm phát hiện vẫn được kiểm soát tốt. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong 8 tháng của năm nay tăng 3,96%, giúp mục tiêu lạm phát bình quân dưới 4% trong năm nay là khả thi. Nếu tính lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng hiện từ 6%-7,3%/năm, gửi tiết kiệm vẫn là kênh sinh lời an toàn và hiệu quả" - vị phó tổng giám đốc NH cổ phần này dẫn chứng.
3 lý do khiến gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn
Báo cáo kinh tế vĩ mô 8 tháng năm 2020 của Viện Đào tạo và Nghiên cứu - NH TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho thấy lãi suất tiếp tục xu hướng giảm và đứng ở mức thấp nhờ thanh khoản dồi dào, nhu cầu tín dụng chưa cao khi dịch Covid-19 trở lại ở một số địa phương.
Xu hướng hạ lãi suất huy động còn được thúc đẩy nhờ việc NH Nhà nước ban hành Thông tư 08 gia hạn thêm 1 năm đối với lộ trình giảm tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn.
Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, TS Cấn Văn Lực, nhận định có 3 lý do khiến gửi tiết kiệm vẫn hấp dẫn trong giai đoạn này. Đó là lãi suất tiền gửi tuy giảm nhưng nếu khách hàng chọn kỳ hạn từ 1 năm trở lên vẫn có mức lãi suất khá hấp dẫn, khoảng 6,5%/năm, so với kỳ vọng lạm phát năm nay dưới 4%. Nhà đầu tư vẫn luôn coi kênh gửi tiết kiệm là an toàn, đặc biệt trong giai đoạn dịch bệnh như hiện nay. Đồng thời, một số nhà đầu tư cũng đa dạng hóa các kênh đầu tư của mình, trong đó có chọn gửi tiết kiệm.
Người lao động
Link nguồn: https://cafef.vn/tien-van-vao-ngan-hang-du-lai-suat-thap-20200903091909749.chn