Trong khi kinh tế Trung Quốc đang hồi phục mạnh sau Covid-19, thể hiện qua những dữ liệu về doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp, thì các quốc gia khác trong khu vực, trong đó có Indonesia và Philippines, vẫn đang phải chật vật đối phó với những đợt bùng phát dịch bệnh mới, khi số ca nhiễm mới không ngừng gia tăng.
Mối tương quan 30 ngày giữa đồng nhân dân tệ (CNY) ở nước ngoài và 6 đồng tiền đối tác chủ chốt trong khu vực gần đây đã giảm nhanh do đồng CNY tăng giá lên mức cao nhất trong vòng hơn 1 năm.
Châu Á đang phục hồi ‘2 tốc độ’, gây khó khăn cho việc dự đoán về tỷ giá hối đoái trong khu vực, giữa bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) dự báo Trung Quốc sẽ tránh được suy thoái kinh tế trong năm nay, trong khi những nền kinh tế đang phát triển khác của khu vực đều sẽ rơi vào suy thoái lần đầu tiên kể từ đầu những năm 1960.
"Do phần lớn sức mạnh của đồng CNY có liên quan đến khả năng phục hồi kinh tế của Trung Quốc, trong khi hầu khắp Châu Á chưa có dấu hiệu của sự phục hồi, nên việc đồng CNY tăng giá dự báo sẽ còn tiếp diễn, và sẽ có tác động ít hơn đến những đồng tiền Châu Á khác", Mitul Kotecha, chiến lược gia cấp cao về thị trường mới nổi thuộc công ty TD Securities ở Singapore cho biết.
Kinh tế Trung Quốc hồi phục đã khiến đồng CNY trên thị trường quốc tế tăng 4,1% kể từ đầu quý 3/2020 đến nay, vượt xa tất cả các đồng tiền của những nền kinh tế đang phát triển Châu Á. Đồng won Hàn Quốc (KRW) đứng vị trí thứ 2 sau CNY, với mức tăng 3,3%, trong khi tiền baht Thái Lan (THB) và rupiah Indonesia (INR) suy yếu do những nền kinh tế này đang chống chọi với những khó khăn lớn vì đại dịch.
Theo Khoon Goh, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á của ngân hàng Australia & New Zealand Banking Group Ltd. – trụ sở ở Singapore, việc Châu Á hồi phục không đồng đều sẽ thể hiện ở thị trường tiền tệ. Mới đây, ông Goh đã nâng dự báo về tỷ giá đồng CNY trên thị trường nội địa cuối năm 2020 lên 6,7 CNY/USD, từ mức 6,85 CNY dự báo trước đó. Tỷ giá này hôm 23/9 là 6,7857 CNY/USD.
Chú thích: NFD (Non-deliverable forward) là hợp đồng kỳ hạn ngắn giao dịch các loại tiền không giao dịch (lợi nhuận hoặc thua lỗ vào thời điểm thực hiện hợp đồng được tính bằng chênh lệch giữa tỉ giá đã thống nhất và tỉ giá giao ngay vào thời điểm thực hiện hợp đồng). NDF thường có thời hạn từ 1 tháng đến 1 năm, đã trở thành công cụ phổ biến đối với các nhà đầu tư tìm kiếm sự bảo đảm chống lại rủi ro của các loại tiền nước ngoài không được giao dịch trên thị trường quốc tế.
Theo chuyên gia Goh: "Xu hướng này sẽ còn tiếp diễn, có thể đễn giữa năm sau, và sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thành công của các vắc-xin chống Covid-19 hoặc vào khả năng ngăn chặn đại dịch Covid-19 bùng phát của mỗi quốc gia. Đó là ‘chìa khóa’ để những nền kinh tế ‘tụt hậu’ trong công cuộc hồi phục hậu Covid-19 bắt kịp những nước đã vượt lên phía trước".
Những đồng tiền chủ chốt của khu vực này sẽ biến động theo mỗi dấu hiệu của mối tương quan giữa chúng với đồng CNY. Theo phân tích của Bloomberg, đó là các đồng ringgit Malaysia, won, đô la Đài Loan (TQ) và đô la Singapore. Trong quá khứ, mức tăng 1% của đồng CNY đã từng dẫn đến sự biến động trung bình 0,6% của những loại tiền này.
Trong khi mối tương quan của đồng CNY với các đồng tiền châu Á mới nổi khác có vẻ đang bị phá vỡ thì mối quan hệ giữa CNY với tiền tệ của nhóm G10 lại trở nên khăng khít hơn. Theo HSBC Holdings Plc, đồng tiền Trung Quốc đang ngày càng ảnh hưởng đến sự thay đổi tỷ giá hàng tuần của đồng bảng Anh và các loại tiền tệ liên quan đến hàng hóa như đô la Australia, đô la New Zealand và đô la Canada.
Chiến lược gia tiền tệ của Oversea-Chinese Banking Corp – trụ sở ở Singapore, ông Terence Wu, cho biết, những yếu tố rủi ro trong nước có thể cản trở việc các đồng tiền châu Á mới nổi theo kịp đồng nhân dân tệ, kể cả khi đồng CNY tăng còn đồng USD giảm tạo ra môi trường thuận lợi để các đồng tiền khác chịu tác động nhiều hơn bởi CNY.
Xuất khẩu của Hàn Quốc yếu có thể làm giảm tâm lý muốn đầu tư vào đồng tiền này, trong khi lo ngại về tỷ lệ nợ cao cản trở việc đầu tư vào tiền rupiah của Indonesia, và rupee Ấn Độ giảm hấp dẫn vì dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở Ấn Độ.
Theo ông Wo: "Sự hồi phục vĩ mô ở các nước khác của Châu Á rất thiếu chắc chắn, do đó cũng sẽ không có động lực thúc đẩy đầu tư vào tiền tệ của những nền kinh tế đó, kéo theo các đồng tiền Châu Á khác sẽ còn tiếp tục tăng chậm hơn so với CNY, thậm chí có thể giảm".
Tham khảo: Bloomberg, CNBC
Theo Nhịp sống kinh tế