Thưởng tết ngành ngân hàng luôn là thông tin nhận được sự quan tâm đặc biệt từ cộng đồng không chỉ bởi trị giá lớn so với mặt bằng chung nền kinh tế mà còn vì nó phản ánh một cách rõ nét tín hiệu về sự phát triển của nền kinh tế trong năm đó.

Dịch bênh COVID-19 ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo ước tính của các tổ chức quốc tế, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu ước giảm khoảng 3,8% - đây là đợt suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ 2.

Riêng Việt Nam, năm 2020 GDP ước tăng 2,91% nhờ dịch bệnh được kiểm soát tốt và sự nỗ lực từ nhiều phía, cả Chính phủ và doanh nghiệp. Bản thân ngành ngân hàng gánh trên vai trọng trách là cầu nối, huyết mạch của nền kinh tế vừa phải đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng cũng vừa phải tăng trưởng trong thận trọng trước nỗi lo nợ xấu bùng phát trở lại.

Thưởng tết ngân hàng kẻ ăn không hết người lần chẳng ra - Ảnh 1.

Thưởng tết ngân hàng 'kẻ ăn không hết người lần chẳng ra'. Ảnh: Internet.

Ngay từ đầu năm 2020, Thống đốc NHNN đã có văn bản yêu cầu các ngân hàng trong năm nay đồng hành cùng nền kinh tế bằng cách cắt giảm chi phí hoạt động, giảm chi phí lương, không chia cổ tức bằng tiền mặt. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành với tổng mức giảm từ 1,5-2%. Tăng trưởng tín dụng thấp nhất kể từ năm 2013 đến nay. Điều này cho thấy ngành ngân hàng cũng phải đổi mặt với không ít khó khăn để tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2020.

Nhiều ngân hàng đã giảm chỉ tiêu kinh doanh, lợi nhuận trước thềm ĐHĐCĐ do lo ngại ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Nhiều ngân hàng tăng mạnh trích lập dự phòng ngay từ các quý đầu năm để tăng bộ đệm nhưng sẽ "ăn mòn" lợi nhuận cả năm. Sự thận trọng này được cho là cần thiết để chuẩn bị nền tảng cho một năm nhiều thách thức tiếp tục kéo dài sang năm 2021 khi Thông tư 01 về cơ cấu lại nợ của NHNN hết hiệu lực.

Đưa ra tất cả những điều trên để thấy không có quá nhiều kỳ vọng cho một năm thưởng Tết lớn với ngành ngân hàng trong dịp Tết Nguyên đán 2021.

Thông điệp mới đây của Thống đốc NHNN cho biết, trong năm 2021 sẽ yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chỉ tiêu lợi nhuận để hỗ trợ giảm lãi suất trung và dài hạn phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế. Mệnh lệnh này có thể sẽ tác động lớn tới thị trường trong năm 2021 dù thực tế cho thấy lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2021 cũng sẽ khó cao như mọi năm.

Mới đây, ngành ngân hàng xôn xao về thông tin VietinBank sắp chi thưởng gần 6 tháng lương. Tuy nhiên, ngân hàng này đã phải nhanh chóng phản hồi lại, cho biết đây là khoản tiền chi cho các năm trước đó là 2018, 2019.

Cho đến thời điểm hiện tại, tham vấn ý kiến của nhân viên một số ngân hàng ở Việt Nam thì được biết "vẫn chưa có thông tin về thưởng tết năm 2021 vì còn đợi kết quả kinh doanh cả năm 2020". Tuy nhiên, đa số các ý kiến đều cho rằng chỉ mong thưởng tết năm nay bằng năm ngoái là đã tốt lắm rồi còn không dám đòi hỏi hơn.

Kết quả kinh doanh của các ngân hàng trong 9 tháng, 11 tháng vừa qua có những chuyển biến khá tốt, có những ngân hàng tăng trưởng mạnh hơn cả năm 2019.

Một số ngân hàng như ACB, MSB, ABBank báo lợi nhuận 11 tháng đã vượt kế hoạch năm 2020. Như ACB vượt kế hoạch năm 14% trong vòng 11; MSB vượt kế hoạch năm 60%; ABBank vượt kế hoạch 1% sau 11 tháng. Tuy nhiên, đây là những ngân hàng chạy đua để lên sàn, chuyển sản.

Một số ngân hàng 9 tháng cũng có kết quả tương đối, như VPBank sau 9 tháng cũng đã đạt 92% kế hoạch lợi nhuận cả năm, tương đương 9.400 tỷ đồng lợi nhuận; MBBank 9 tháng lợi nhuận cũng đạt 8.134 tỷ đồng, hoàn thành 82% kế hoạch; TPBank lợi nhuận 9 tháng đạt 3.024 tỷ đông, đạt 75% kế hoạch năm 2020...

Bức tranh ngành ngân hàng năm 2020 cũng không đến mức tồi tệ ở nhóm các ngân hàng TMCP tư nhân. Tuy nhiên, nhóm Big 4 ghi nhận kết quả kinh doanh không mấy tích cực. Như Vietcombank vốn được ví như cánh chim đầu đàn của khối này thì 9 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế giảm tới 9% còn 15.965 tỷ đồng; BIDV lợi nhuận 9 tháng cũng chỉ nhích nhẹ, gần như tương đương cùng kỳ đạt 7.062 tỷ đồng.

Riêng Vietinbank có lợi nhuận trước thuế đạt 10.364 tỷ đồng 9 tháng tăng 23%. Tuy nhiên việc trích lập dự phòng thấp 9 tháng có thể sẽ phải tăng mạnh trong quý 4/2020 về điều này ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận cả năm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, năm 2020 chưa phản ánh hết tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19 tới ngành ngân hàng do các khoản nợ đã được tái cơ cấu, giãn, hoãn, khoanh lại - giống như cách "quét rác xuống dưới tấm thảm", một phần nợ xấu đã được che đi. Cũng vì thế, thưởng tết nhân viên ngân hàng 2021 - phần dựa chủ yếu vào kết quả kinh doanh cũng sẽ không quá tệ so với năm 2020.

Theo đánh giá của giới chuyên gia, thưởng tết ngành ngân hàng 2021 vẫn sẽ hấp dẫn so với các ngành khác trong nền kinh tế chung. Dù mức tăng trưởng lợi nhuận không có sự đột phá nhưng với uớc tính cả năm 2020 tăng khoảng 10% cũng là rất khả quan. Cùng với đó, chắc hẳn vẫn sẽ có những ngân hàng mạnh tay chi thưởng cho nhân viên nhưng cũng sẽ có những ngân hàng chưa có lợi nhuận thì thưởng tết thậm chí là không có.

Được biết, năm 2020, Vietcombank thưởng cho cán bộ nhân viên một tháng lương dịp Tết Dương lịch và 2 - 5 tháng lương trong dịp Tết Nguyên đán. VietinBank cũng thưởng cho cán bộ nhân viên một tháng lương tết dương năm 2020.

Ở nhóm ngân hàng tư nhân, Sacombank nằm trong nhóm ngân hàng có chính sách thưởng tốt. Năm ngoái, ngân hàng xét chia thưởng Tết tuỳ thuộc vào mức xếp loại mỗi nhân viên. Đối với nhân viên đạt loạt giỏi và xuất sắc thì mức thưởng Tết 2020 từ 5,5 đến 6 tháng lương. Còn lại, trung bình ở các ngân hàng mức thưởng Tết có thể dao động từ 1-3 tháng lương của nhân viên.

Năm 2020, thị trường từng xôn xao về tin tức, mức thưởng cao nhất cho 1 "banker" cho dịp Tết Dương lịch 2020 là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng tại TP.HCM. Năm 2021, cũng được hứa hẹn sẽ tiếp tục là năm "kẻ ăn không hết, người làn chẳng ra" của các "banker".

Theo Đình Vũ

Nhà đầu tư

Link nguồn: https://cafef.vn/thuong-tet-ngan-hang-ke-an-khong-het-nguoi-lan-chang-ra-20201230145342119.chn