Mục đích của kế hoạch này là để vực dậy nền kinh tế vốn đang chững lại của Thái Lan. Theo đó, mỗi công dân Thái Lan từ 16 tuổi trở lên sẽ nhận được 10.000 baht (280 USD) qua ví điện tử. Số tiền này được sử dụng để chi tiêu mua bán hàng hóa, dịch vụ nhất định trong vòng 6 tháng. Đây cũng là cam kết của tân Thủ tướng Srettha Thavisin trước bầu cử.

Tổng cộng sẽ có 560 tỷ baht (16 tỷ USD) được “bơm” cho người dân Thái Lan và dự kiến được triển khai từ quý I/2024. Số tiền này được trích ra từ ngân sách nhà nước cũng như các khoản thuế bổ sung.

Kế hoạch này được kì vọng sẽ "đánh thức" nền kinh tế Thái Lan.

Đây là một trong những chính sách phục hồi nền kinh tế được tân Thủ tướng Srettha Thavisin ưu tiên. Theo ông, kế hoạch này sẽ giúp đảm bảo việc phân phối dòng tiền đồng đều trên tất cả các lĩnh vực cũng như sẽ “đánh thức” nền kinh tế Thái Lan trong thời gian tới. Không chỉ phát tiền cho người dân, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin còn cam kết sẽ sớm hạ giá năng lượng cũng như hoãn nợ cho các doanh nghiệp nhỏ đang gặp khó khăn.

Các quan chức cho biết kế hoạch phát tiền cho người dân tiêu của ông Srettha Thavisin có thể mang lại những kết quả tích cực, nâng mức tăng trưởng kinh tế từ mức dự báo 2,8% lên 5% trong năm tới.

Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, kế hoạch này cũng có thể làm thâm hụt tài chính, hạn chế khả năng chịu những cú sốc kinh tế có thể xảy ra trong tương lai gần.

Theo truyền thông Thái Lan, tân Thủ tướng Srettha Thavisin đang phải đối mặt với nhiều thách thức sau khi lên nắm quyền. Quốc gia Đông Nam Á này hiện đang đứng trước nguy cơ lạm phát tăng cao trong khi vấn đề nợ hộ gia đình (chiếm 90% GDP) và nợ công (chiếm 61% GDP) chưa được giải quyết triệt để. Ngoài ra, du lịch, một trong những trụ cột kinh tế của Thái Lan cũng đang gặp khó khi lượng du khách Trung Quốc giảm mạnh.