Chiều 30/10, theo giờ địa phương, tại Saudi Arabia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai (Future Investment Initiative – FII) lần thứ 8.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều đặc biệt quan trọng là không chính trị hoá đầu tư phát triển; cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... - Ảnh: VGP/Nhật BắcThủ tướng nhấn mạnh, điều đặc biệt quan trọng là không chính trị hoá đầu tư phát triển; cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực... Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Từ ngày 29-31/10, tại Thủ đô Riyadh, Saudi Arabia, Hội nghị FII lần thứ 8 diễn ra với chủ đề "Chân trời vô tận: đầu tư hôm nay, định hướng tương lai". Hội nghị do Viện Sáng kiến đầu tư tương lai của Saudi Arabia (tổ chức phi lợi nhuận do Quỹ Đầu tư Công của Saudi Arabia thành lập) khởi xướng.

Năm nay, Hội nghị FII 8 được tổ chức để tiếp tục đưa các nhà lãnh đạo tiên phong của thế giới hội tụ và trao đổi về tiềm năng của đầu tư nhằm mục tiêu đem lại một tương lai thịnh vương và bền vững cho cả thế giới, đặc biệt là đầu tư trong các lĩnh vực quan trọng cho tương lai loài người như AI, năng lượng tái tạo, tài chính xanh…

Vì một thế giới phát triển an toàn, bền vững, thịnh vượng

Phát biểu tại hội nghị chiều ngày 30/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao chủ đề "Chân trời vô tận: Đầu tư ngày hôm nay, định hướng cho ngày mai" của hội nghị, bởi đây là cơ hội tốt để cùng trao đổi, chia sẻ, đưa ra các sáng kiến hợp tác đầu tư, vượt qua mọi giới hạn để hướng đến tương lai phát triển bền vững, thịnh vượng.

Thủ tướng nhìn nhận, thế giới ngày nay có xu hướng phân cực hóa về trật tự chính trị; đa dạng hóa về thị trường sản phẩm; xanh hoá về sản xuất kinh doanh; số hóa mọi hoạt động của con người, xã hội. Điều này ảnh hưởng đến mọi quốc gia, khu vực, mọi lĩnh vực, mọi người dân. Thực tế này đòi hỏi các chủ thể phải chung tay giải quyết các vấn đề mang tính tổng thể, toàn dân, toàn diện và toàn cầu; cần đầu tư một cách có hiệu quả, có trách nhiệm, có định hướng cho tương lai.

Thủ tướng nhấn mạnh, điều đặc biệt quan trọng là không chính trị hoá đầu tư phát triển; cần tập trung khuyến khích mọi khoản đầu tư cho phát triển, nhất là đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, ứng phó với biến đổi khí hậu để phát huy hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của từng quốc gia, dân tộc, từng chủ thể cùng vươn lên, hướng đến "Chân trời vô tận".

Nêu thực tiễn của Việt Nam, Thủ tướng cho biết từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu, bị 40 năm chiến tranh tàn phá nặng nề, bị bao vây cấm vận trong suốt 30 năm, Việt Nam đã nỗ lực không mệt mỏi, kiên quyết, kiên trì, kiên định thực hiện đường lối đổi mới, mở cửa, hội nhập và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, vươn lên thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn trên thế giới; nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký kết 17 hiệp định thương mại tự do, mở cửa thị trường với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8) - Ảnh: VGP/Nhật BắcThủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Sáng kiến đầu tư tương lai lần thứ 8 (FII8). Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Vì vậy, với hội nghị lần này, Việt Nam mong muốn các đối tác, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư phát huy vai trò tiên phong trong dẫn dắt, định hướng phát triển cho tương lai. Đặc biệt, cần đồng hành hỗ trợ, giúp đỡ, thúc đẩy hợp tác, đầu tư tại các nước đang phát triển, các nước nghèo, "không để ai bị bỏ lại phía sau".

Đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Saudi Arabia, Thủ tướng đặc biệt đánh giá cao chính sách "hướng Đông" của các quốc gia khu vực Trung Đông. Hai nước có nhiều điểm tương đồng vào có những thế mạnh có thể hỗ trợ, bổ sung cho nhau, đều quý trọng thời gian và trí tuệ, các lĩnh vực mới. Vì vậy, Thủ tướng mong muốn các đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư tiếp tục đẩy mạnh đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực có nhu cầu: chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, internet vạn vật, năng lượng tái tạo, đô thị thông minh, hạ tầng thông minh, quản trị thông minh…

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài. Việt Nam luôn đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về thể chế, tạo môi trường pháp lý thuận lợi, môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, có tính cạnh tranh cao trong khu vực, toàn cầu. Việt Nam đang tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, logistics. Việt Nam luôn hết sức quan tâm đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đồng thời, Việt Nam đầu tư củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, tạo nền tảng vững chắc để bảo đảm an ninh, an toàn và gìn giữ môi trường hoà bình, ổn định, lâu dài, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài - Ảnh: VGP/Nhật BắcThủ tướng nhấn mạnh Việt Nam luôn kiên định chính sách tăng cường thu hút mọi nguồn lực từ bên trong và bên ngoài. Ảnh VGP/Nhật Bắc.

Cuối bài phát biểu, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Saudi Arabia có câu ngạn ngữ: "Một bàn tay không tạo nên tiếng". Việt Nam có tư tưởng Hồ Chí Minh: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết - Thành công, thành công, đại thành công". Do đó, bày tỏ mong muốn và tin tưởng rằng, các doanh nghiệp, nhà đầu tư Saudi Arabia Việt Nam nói riêng, Trung Đông và trên toàn thế giới nói chung, cùng đồng hành, phát huy tinh thần "ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay", tăng cường hợp tác đầu tư với nhau, cùng nhau hướng đến "Chân trời vô tận", vì một thế giới phát triển an toàn, bền vững, thịnh vượng.

Việt Nam sẽ luôn thích ứng và luôn hài hòa lợi ích các bên

Sau phát biểu, Thủ tướng đã tham gia phiên trao đổi với bà Zanny Minton Beddoes, Tổng Biên tập tập chí Nhà Kinh tế (The Economist) về định vị của Việt Nam là cửa ngõ vào khu vực Đông Nam Á của các quốc gia Trung Đông; cũng như chiến lược của Việt Nam để đón nhận làn sóng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thực hiện chiến lược chuyển đổi xanh và cam kết Net Zero.

Thủ tướng cho biết Việt Nam quyết tâm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả. Ngoài ra, Việt Nam xác định rõ tầm quan trọng của việc chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc ban hành Chiến lược phát triển cách mạng công nghiệp 4.0. Chiến lược này không chỉ là một tập hợp các mục tiêu, mà còn là một lộ trình rõ ràng để đưa Việt Nam trở thành một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực công nghệ tại khu vực.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nguồn lực để thực hiện quá trình chuyển đổi năng lượng trong 10 năm tới tại Việt Nam là rất lớn và đề nghị các nhà lãnh đạo tham dự Hội nghị hỗ trợ Việt Nam tiếp cận các nguồn lực thiết yếu, tăng cường hợp tác đầu tư với Việt Nam và hỗ trợ Việt Nam tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách để có thể thực hiện cam kết phát thải ròng bằng "0". Theo đó, Thủ tướng khẳng định với một số lĩnh vực như điện, vận tải, nông nghiệp, Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện chuyển đổi năng lượng theo cam kết.

Trước câu hỏi về tầm nhìn và lựa chọn của Việt Nam để phát triển, Thủ tướng khẳng định Việt Nam sẽ luôn thích ứng và luôn hài hòa lợi ích các bên. Cùng đó, với sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và kỳ vọng của Việt Nam, Thủ tướng cũng khẳng định quan điểm chiến lược, tư duy đổi mới và tầm nhìn phù hợp khuyến khích nhà đầu tư sẽ là chìa khóa để Việt Nam và các nhà đầu tư "cùng làm, cùng thắng".

Kết thúc trao đổi, bà Zanny Minton Beddoes cho rằng, Việt Nam sẽ sớm trở thành vị trí quan trọng trong chính sách hướng Đông của các nước khu vực Trung Đông và tin tưởng Việt Nam thành công, thành công, đại thành công.

Hội nghị FII lần đầu tiên được tổ chức vào tháng 10/2017 tại Riyadh với mục tiêu quy tụ các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư, doanh nhân và các nhà lãnh đạo trẻ để thảo luận về đầu tư quốc tế và nền kinh tế toàn cầu. Sự kiện này còn được gọi là "Davos ở sa mạc" khi đã thu hút khoảng 6.000 người tham gia từ gần 100 quốc gia, bao gồm lãnh đạo các quốc gia, doanh nghiệp, tập đoàn và tổ chức quốc tế hàng đầu thế giới.

PV/chinhphu.vn (t/h)