Thông điệp trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính đưa ra tại chung kết Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần 4 diễn ra chiều nay (26/3) tại Vĩnh Phúc.
Thủ tướng cho rằng, khoa học phải xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn và lấy thực tiễn là thước đo đánh giá kết quả đổi mới sáng tạo. Muốn phát triển phải không ngừng đổi mới sáng tạo. Tinh thần khởi nghiệp cần tiếp cận với điều mới, chưa từng diễn ra, điều này đang trở thành xu thế chung của các quốc gia hiện nay. Chúng ta phải bình tĩnh, sáng suốt vượt qua điều kiện khó khăn, để tạo ra đổi mới, không được mất bình tĩnh và nóng vội. Đổi mới sáng tạo cần sự kiên trì, kiên định trong mọi hoàn cảnh thì mới đạt hiệu quả.
Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tới phong trào đổi mới, sáng tạo, nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách, đề án tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp. Chính phủ cũng ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, bao gồm: cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách, tài chính, các ưu đãi, tìm kiếm thị trường, hỗ trợ các cá nhân, đơn vị trong đổi mới sáng tạo.
Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về đổi mới sáng tạo toàn cầu, tiếp tục giữ vị trí đứng đầu trong 34 quốc gia thu nhập trung bình thấp. Ngân hàng thế giới cũng đánh giá Việt Nam là một trong số ít các quốc gia Đông Á đầu tư cho đổi mới sáng tạo, số lượng bằng sáng chế cao hơn kỳ vọng. Phong trào khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo đang phát triển mạnh mẽ, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, Thủ tướng nhận định, Việt Nam vẫn là nước xuất phát chậm hơn về khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp vẫn còn khoảng cách so với nhiều nước trên thế giới. Cơ chế chính sách còn bất cập, môi trường pháp lý hạn chế, nhiều điểm vướng mắc. Các hệ sinh thái khởi nghiệp mới chỉ đang từng bước hình thành. Số lượng, chất lượng các dự án, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng. Tinh thần khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa lan tỏa mạnh mẽ đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, ngay cả trong thế hệ trẻ.
Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Để phong trào khởi nghiệp chuyển sang một giai đoạn mới cao hơn cả về chất và lượng, nhanh chóng đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về khởi nghiệp, chúng ta phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị chứ không phải là nhiệm vụ của riêng một bộ, ban, ngành, địa phương nào. Phải đẩy mạnh truyền thông về đổi mới sáng tạo, khuyến khích tư duy đổi mới sáng tạo, phá vỡ những định kiến, rào cản, lối mòn trong tư duy”.
Nhân sự kiện, Thủ tướng lưu ý một số nội dung cần thực hiện trong thời gian tới với Bộ GD&ĐT, TƯ Đoàn. Một là, tiếp tục phát huy truyền thống con người Việt Nam thông minh, cần cù, sáng tạo, bản lĩnh, dám đương đầu với những khó khăn, thử thách để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
“Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải biết chấp nhận rủi ro, rủi ro lớn nhất là không biết chấp nhận rủi ro, chưa làm đã sợ thất bại, chưa thất bại đã không dám làm, phải hết sức tránh tư tưởng này, như thế mới đổi mới sáng tạo được”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Hai là, phát huy tối đa nguồn lực con người, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp sáng tạo. Nỗ lực xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, thực tài; nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài.
Bà là, muốn có khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thì phải có giáo dục đổi mới sáng tạo. Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải chú trọng phát triển từ gốc, từ chính kiến thức, kỹ năng, phẩm chất, đạo đức của con người, thế hệ trẻ Việt Nam.
Trong bồi dưỡng thế hệ trẻ cần lấy học sinh làm trung tâm, nhà trường là nền tảng, giáo viên là động lực. Đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, trong đó, lý thuyết phải gắn chặt với thực tiễn, thực hành.
Bốn là, tạo môi trường, thu hút nguồn lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện thể chế, có các cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để thanh niên, học sinh, sinh viên, giảng viên tích cực tham gia các hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
Đẩy mạnh kết nối nhà nước - nhà trường - nhà đầu tư trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. Thu hút không chỉ từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư chuyên nghiệp, mà còn từ các tập đoàn lớn, tổ chức quốc tế, từ các cá nhân và cộng đồng.
Năm là, đẩy mạnh hợp tác, mở rộng liên kết, kết nối trong nước và quốc tế. Chú trọng hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao và ứng dụng các công nghệ mới, phù hợp vào hoạt động dạy và học. Đổi mới sáng tạo có mối liên hệ, quan hệ mật thiết giữa trong nước và ngoài nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, vì vậy phải có giải pháp để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ngày càng hiệu quả.
Sáu là, các địa phương từng bước xây dựng cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ sở đào tạo, tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ và các tổ chức khác nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương theo hướng xanh và bền vững.
Theo Thủ tướng, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là quá trình lâu dài. Nó đòi hỏi tầm nhìn, giải pháp căn cơ, tính chiến lược, nhưng không cầu toàn, không nóng vội, làm đến đâu, chắc đến đó và phải thực hiện một cách tổng thể và cũng phải xác định không thể tránh khỏi rủi ro.
Muốn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo phải có chính quyền đổi mới sáng tạo, xã hội đổi mới sáng tạo, giáo dục đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo, con người đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đối diện với rủi ro vì lợi ích chung.