thu-tuong-1659613687.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại cùng chia sẻ với Đảng, Nhà nước, nhân dân, tạo ra nguồn lực, sức mạnh phát triển mới - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và Thống đốc NHNN Việt Nam Nguyễn Thị Hồng.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao những đóng góp của NHNN, các ngân hàng thương mại và toàn ngành ngân hàng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như công tác phòng, chống dịch, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội thời gian qua.

Thủ tướng chúc mừng các ngân hàng thương mại tham dự cuộc làm việc đã kinh doanh hiệu quả trong bối cảnh vừa qua, chia sẻ với các khó khăn, thách thức mà ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại gặp phải khi vừa chống dịch, vừa làm trách nhiệm xã hội, vừa duy trì hoạt động kinh doanh.

Thủ tướng cảm ơn sự đóng góp tích cực, quan trọng của các ngân hàng với công tác phòng, chống dịch COVID-19 về vaccine, thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế…, thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao trong những lúc đất nước gặp khó khăn, thách thức, với tình cảm, tinh thần nhân văn cao cả theo truyền thống, đạo lý "lá lành đùm lá rách", càng khó khăn, thách thức càng đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, đất nước ta đã đạt được những kết quả tích cực, rất đáng trân trọng về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, chống suy thoái, thúc đẩy tăng trưởng, phục hồi và phát triển, chúng ta vẫn đang làm chủ được tình hình. Tuy nhiên, khó khăn, thách thức là rất lớn và nhiều hơn cơ hội và thuận lợi, như áp lực lạm phát còn rất lớn, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thu hẹp thị trường…

Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cương quyết chỉ đạo NHNN thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung, hiệu quả.

Thủ tướng đề nghị NHNN cùng các ngân hàng thương mại góp phần cần thực hiện hiệu quả chủ trương nói trên, đồng thời gửi lời đề nghị, kêu gọi tới các ngân hàng thương mại tham gia cuộc làm việc, với 2 thông điệp chính được nhấn mạnh. 

Thứ nhất, các ngân hàng nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp và khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.

chu-tich-ngan-hang-1659613833.jpg
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) phát biểu tại cuộc làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, các ngân hàng chủ động, tích cực hơn nữa trong tham gia các chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là tín dụng phát triển nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp.

Nhấn mạnh quan điểm "hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro", cân bằng lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, Thủ tướng nêu rõ, các ngân hàng hoạt động trong một hệ sinh thái chung của nền kinh tế; đất nước có ổn định, phát triển, nhân dân có hạnh phúc, ấm no thì các ngân hàng mới phát triển bền vững. Người dân và doanh nghiệp là một phần quan trọng hệ sinh thái của ngành ngân hàng.

"Chúng ta  không thể sống một mình, đi một mình, người ta nói là muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau. Các ngân hàng tồn tại và phát triển được như ngày nay nhờ nỗ lực nội tại là chính, nhưng cũng nhờ đất nước ta bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác, ổn định và phát triển, thực hiện đường lối hội nhập và đối ngoại đúng đắn, phù hợp, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ngược lại, nếu nền kinh tế không ổn định, phát triển, đời sống người dân không được bảo đảm, thì các ngân hàng cũng không đang tâm, không yên tâm và khó có thể phát triển", Thủ tướng sẻ chia với lãnh đạo các ngân hàng.

dai-dien-1659613890.jpg
Đại diện các ngân hàng thương mại tại buổi làm việc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng giao NHNN xây dựng cơ chế, chính sách để các ngân hàng tự nguyện, tự giác tham gia, thực hiện những đề nghị và kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, trên tinh thần phát huy đạo đức kinh doanh, trách nhiệm xã hội và tình cảm với quê hương, đất nước, nhân dân, bảo đảm thực hiện một cách bài bản, thống nhất, hiệu quả, người dân, doanh nghiệp và đất nước được thụ hưởng, không ảnh hưởng tới ổn định kinh tế vĩ mô, lan tỏa tinh thần nhân văn cao cả tới toàn xã hội.

Thủ tướng một lần nữa bày tỏ mong muốn các ngân hàng thương mại cùng chia sẻ với Đảng, Nhà nước, nhân dân, tạo ra nguồn lực, sức mạnh phát triển mới, bởi đất nước có hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ấm no, hạnh phúc thì ngành ngân hàng mới phát triển được.

Tại cuộc gặp, đại diện các ngân hàng thương mại bày tỏ ủng hộ, nhất trí cao với các phát biểu của Thủ tướng và khẳng định sẽ nỗ lực, tích cực góp phần thực hiện các đề nghị này của Người đứng đầu Chính phủ, đồng thời nêu một số đề xuất, kiến nghị để hệ thống ngân hàng hoạt động và phát triển vững mạnh, an toàn, ổn định.